Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết (NQ) số 26/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng toàn diện, hiện đại, bộ mặt nông thôn thay đổi, kết cấu hạ tầng phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của cư dân nông thôn được nâng cao. Đặc biệt, vai trò chủ thể của nông dân được phát huy, thay đổi cách nghĩ, cách làm từ sản xuất nhỏ, lẻ chuyển sang liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao. Chương trình đột phá của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh: Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp mang lại hiệu quả, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung; mở ra những liên kết đa dạng như liên kết "4 nhà", liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn. Nhiều hợp tác xã (HTX) được thành lập là nòng cốt trong việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,...
Bên cạnh những kết quả, việc thực hiện NQ về tam nông vẫn còn những hạn chế. Đó là việc triển khai, quán triệt, tuyên truyền NQ và chương trình nông thôn mới có nơi chưa kịp thời, thiếu chiều sâu, dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa hiểu rõ mục tiêu, nội dung của chương trình; từ đó nảy sinh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, xem chương trình đơn thuần chỉ là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đến phát triển, liên kết sản xuất. Chất lượng tăng trưởng ngành nông nghiệp chưa cao, thiếu bền vững, khả năng cạnh tranh của nhiều loại nông sản còn thấp; các cơ sở công nghiệp chế biến nông - lâm sản chưa gắn kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu. Tình trạng “được mùa - rớt giá” vẫn diễn ra. Các mô hình cánh đồng lớn mặc dù mang lại hiệu quả nhưng chưa đủ sức hút và tính liên kết chưa thật bền vững nên khó nhân rộng. Các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn chậm đổi mới, kinh tế hộ vẫn là đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ lực ở nông thôn, với quy mô sản xuất nhỏ và chưa có sự liên kết, hợp tác với nhau. Kinh tế trang trại, kinh tế tập thể chậm phát triển, mức độ trang bị cơ giới và áp dụng khoa học - kỹ thuật chưa cao, khả năng liên kết với thị trường hạn chế. Quy mô vốn, doanh thu, lợi nhuận bình quân của HTX còn thấp.
Trong xu thế hội nhập sâu vào kinh tế thế giới thì việc định hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao là tất yếu. Việc nhân rộng các mô hình kinh tế, liên kết trong sản xuất, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất cần thiết, góp phần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tổ chức sản xuất khép kín hoặc liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị để tăng năng suất, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng. Phát triển nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, cơ khí và các loại dịch vụ phục vụ đời sống, sản xuất ở nông thôn. Đưa nhanh các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp thông qua các HTX, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò định hướng cho nông dân và HTX về quy mô, chất lượng, quy cách nông sản; HTX là đầu mối đại diện của nông dân tham gia liên kết với doanh nghiệp; tăng cường công tác dự báo thị trường và xúc tiến thương mại,...
Liên kết theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao là yêu cầu bắt buộc trong nền nông nghiệp lớn hiện nay./.
Kim Quy