Ảnh minh họa. (Nguồn: cdnds.net)
Theo một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Nghiên cứu lâm sàng ngày 4/4, một nhóm nhà khoa học Trung Quốc vừa phát triển một liệu pháp chữa bệnh về gene, có thể cho phép cơ thể sản sinh một lượng vừa đủ các axít béo Omega-3 để đẩy lùi tác động của bệnh tiểu đường tuýp 1.
Được thực hiện dưới sự dẫn dắt của Giáo sư Allan Zhao thuộc Đại học Công nghệ Quảng Đông, nghiên cứu trên giúp mở ra hy vọng điều trị chứng bệnh tự miễn dịch này vốn đang ảnh hưởng tới hàng triệu trẻ em và những người trẻ tuổi trên toàn thế giới.
Tận dụng kết quả từ các nghiên cứu trước đây đối với một gia đình có tiền sử tiểu đường tuýp 1 tích cực bổ sung tinh dầu Omega-3, nhóm nghiên cứu bước đầu đã tiến hành thử nghiệm việc sử dụng liệu pháp Omega-3 trên chuột.
Qua đó, họ nhận thấy việc bổ sung vào chế độ ăn kiêng 2 axít béo EPA và DHA giúp làm giảm đáng kể tác động của tiểu đường tuýp 1.
Kế đến, nhóm nhà khoa học đã nghiên cứu ra cách điều trị bệnh về gene, trong đó tận dụng một sinh vật mang mầm bệnh có chứa một đoạn gene quy định enzim đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép sử dụng, từ đó cho phép sản sinh ra một lượng lớn EPA và DHA trong cơ thể.
Phương pháp này có thể giúp đẩy lùi bệnh tự miễn dịch, đồng thời “phong tỏa” tình trạng suy giảm miễn dịch các tế bào tuyến tụy vốn là bước dẫn tới tiểu đường tuýp 1.
Quan trọng hơn, công nghệ này còn giúp loài chuột thí nghiệm mắc tiểu đường tuýp 1 phục hồi cơ chế tự tiết ra insulin - hoócmôn đóng vai trò kiểm soát đường huyết.
Nghiên cứu trên mở ra hy vọng cho các bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1, đặc biệt những người đang ở giai đoạn đầu phát triển bệnh, giúp họ không cần phải tiêm insulin hàng ngày để ổn định lượng đường glucose trong máu.
Hiện, nhóm nhà khoa học Trung Quốc đang tiến hành kiểm nghiệm tính an toàn của phương pháp này. Nếu thành công, nó có thể được áp dụng không chỉ cho việc điều trị tiểu đường mà còn cho cả việc chữa trị các bệnh tự miễn dịch khác, như bệnh lupus ban đỏ và đa xơ cứng.
Tiểu đường tuýp 1 là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi tuyến tụy không có khả năng sản xuất đủ insulin, khiến nồng độ đường trong máu tăng cao.
Cho tới nay, chưa có liệu pháp nào có thể điều trị hoàn toàn căn bệnh này và các bệnh nhân mắc tiểu đường tuýp 1 thường phải tiêm insulin hằng ngày./.
Theo TTXVN