Tiếng Việt | English

13/08/2016 - 05:53

Loạn thị trường cá tra Miền Tây do có “bàn tay” thương lái Trung Quốc

Cùng một số nguyên nhân khách quan thì yếu tố làm loạn thị trường của các thương lái Trung Quốc đã làm cho vùng nuôi cá tra miền Tây hỗn loạn.

Giá cá tra nguyên liệu vùng ĐBSCL đã sụt giảm xuống mức kỷ lục. Người nuôi từ tâm trạng phấn khởi do có lợi nhuận những từ những tháng đầu năm, nay lại chuyển sang trạng thái lo âu do cá đã đến kỳ thu hoạch, lớn quá cỡ nhưng khâu tiêu thụ bị tắc.

Người nuôi cá tra thường xuyên đối mặt với rủi ro trên thương trường

Theo phản ánh từ vùng nuôi, cùng một số nguyên nhân khách quan thì yếu tố làm loạn thị trường của các thương lái Trung Quốc đã làm cho vùng nuôi cá tra hỗn loạn.

Ông Nguyễn Hữu Nguyên ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang giờ đây nhìn hầm cá tra còn lại đã quá lứa mà lòng đầy lo âu. Theo ông Nguyên, dù đã chạy đi khắp nơi, nài nỉ các doanh nghiệp, thương lái thu mua với giá thấp nhưng vẫn chưa có một lời hồi âm nào. Với kinh nghiệm nuôi và bán loại cá có thế mạnh xuất khẩu này hàng chục năm, ông Nguyên cho rằng đây là điều rất bất thường. Bởi lẽ những năm trước, thời điểm này khi vừa xong mùa hè là cá tra bắt đầu tăng giá. Còn nay, cá đã quá thời điểm thu hoạch mà bóng dáng thương lái, nhà máy sản xuất chẳng thấy đâu.

Tại ĐBSCL hiện nay, giá cá tra nguyên liệu đang có những diễn biến bất lợi với mức giá thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trong đó, thấp hơn 4.000-4.500 đồng/kg so với thời điểm đầu năm nay và giảm hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với những nguyên nhân khách quan thì việc cá tra không được các thương lái phía Trung Quốc thu mua ồ ạt cũng làm cho thị trường thêm bất lợi. Theo số liệu của Hiệp hội cá tra Việt Nam, gần sáu tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt khoảng 100 triệu USD, tăng gần 50% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thời điểm đầu năm, nhiều hầm nuôi cá tra size lớn vẫn được thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao; đồng thời không chú trọng nhiều đến việc kiểm tra chất lượng, thịt vàng hay thịt trắng. Chính vì thế, ở một số khu vực tại An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ... đã xuất hiện người nuôi chủ động để cá quá lứa để dễ dàng bán cho thương lái Trung Quốc.

Ông Cao Lương Tri, hộ nuôi cá tra nhiều năm qua ở Mỹ Hòa Hưng, Long Xuyên cho rằng, thị trường Trung Quốc luôn biến động, khó lường. Thời gian gần đây, thương lái Trung Quốc và cả những thương lái Việt làm hệ thống chân rết để mua cá, chế biến thô rồi xuất sang Trung Quốc cũng dùng nhiều chiêu trò, rất khó lường để mời chào, tạo sự hấp dẫn bước đầu đối với một số hộ nuôi rồi sau đó đành ôm "quả đắng".

Chi phí thức ăn cho cá tra đội chi phí nuôi rất cao

Rõ ràng, việc giá cá tra tăng mạnh trong các tháng đầu năm, nhất là xuất sang thị trường Trung Quốc tăng là tín hiệu vui. Nhưng việc có nhiều đơn hàng số lượng lớn, giá tốt của các thương lái Trung Quốc đưa ra nhưng không đòi hỏi cao về kiểm soát chất lượng như các thị trường Hoa Kỳ, EU... là một vấn đề cần nghiêm túc nhìn nhận; đồng thời cần sự vào cuộc “tỉnh táo” hơn từ các cơ quan hữu quan.

Theo ông Lê Chí Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thủy sản An Giang, thị trường Trung Quốc đầy tiềm năng nhưng đồng thời tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi phần lớn xuất khẩu chủ yếu qua đường tiểu ngạch mà trong đó bài học nuôi cá tra để quá size như gần đây là một bài học đáng tiếc.

Việc một số thương lái Trung Quốc sử dụng các chiêu trò để đẩy giá cá tra lên cao cho thấy, bản chất của vấn đề vẫn không mới hơn so với những lần thu mua nông sản kỳ lạ như cau non, lá bần, bông thanh long...

Thương lái Trung Quốc tìm mọi cách nâng giá mua cá tra lên cao, để rồi nhiều hộ nuôi mất cảnh giác, từ chối các doanh nghiệp trong nước mà sản xuất theo yêu cầu "khác người" của thương lái nước ngoài. Vì lợi nhuận trước mắt quá lớn nên nhiều hộ nuôi khó tránh được bẫy. Bởi những lần thu hoạch sau, sản phẩm cứ chất đổ đống mà thương lái thì biệt tâm. Đây cũng chính là “quả đắng” mà một lần nữa người nông dân ĐBSCL phải gánh chịu hậu quả./.

Thanh Tùng/VOV.VN

Chia sẻ bài viết