Tiếng Việt | English

20/01/2024 - 07:58

Lọc mỡ máu có ngừa được đột quỵ không bác sĩ?

Chưa có khuyến cáo chính thức nào về lọc mỡ máu phòng ngừa đột quỵ và hiện tại đây không phải là cách phòng ngừa đột quỵ.

Mẹ tôi năm nay 60 tuổi, bị tăng huyết áp, tôi đang không biết có nên đăng ký cho mẹ lọc mỡ máu để ngừa đột quỵ. Liệu phương pháp này có thực sự phòng ngừa được đột quỵ không, thưa bác sĩ? (Hà Lan, 38 tuổi, ngụ Hà Nội).

Trả lời

Lọc mỡ máu là gì?

Lọc mỡ máu là dùng một thiết bị lọc chuyên dụng nhằm tách và loại bỏ một phần các mỡ trong máu người bệnh. Đây là phương pháp điều trị can thiệp và xâm lấn nhiều vào cơ thể, nên cần được làm tại các bệnh viện (BV) lớn có chuyên môn và kinh nghiệm.

Thường các BV thực hiện phương pháp này với người bệnh mỡ máu tăng cao, bị biến chứng đe dọa tính mạng, hoặc các trường hợp bệnh nặng, được chỉ định với quy trình nghiêm ngặt.

Có thể gặp biến chứng

Khi thực hiện thủ thuật xâm lấn, rút máu ra để lọc và truyền ngược vô, ít nhiều sẽ có rủi ro. Nếu không đảm bảo quy trình, vệ sinh, người bệnh có thể bị nhiễm trùng, biến chứng liên quan như tụt huyết áp, lây bệnh qua đường máu từ người lọc trước đó.

Chưa có khuyến cáo chính thức nào về lọc mỡ máu phòng ngừa đột quỵ và hiện tại đây không phải là cách phòng ngừa đột quỵ. Hiện trong y khoa cũng chưa có số liệu nghiên cứu về phương pháp lọc mỡ máu phòng ngừa được đột quỵ.


Bệnh nhân điều trị đột quỵ tại BV Quân Y 175. Ảnh: BVCC

Để phòng ngừa mỡ máu hiệu quả, người dân nên khám định kỳ tầm soát về mỡ máu cũng như các nguy cơ đột quỵ khác để được can thiệp kịp thời. Nếu có vấn đề về mỡ máu, người bệnh cần tuân thủ tốt việc điều trị, tái khám theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cách phòng ngừa đột quỵ

Để phòng ngừa đột quỵ đúng cách, người dân nên tầm soát sớm đột quỵ tại các phòng khám chuyên khoa thần kinh của các BV có kinh nghiệm điều trị và dự phòng đột quỵ để được bác sĩ tư vấn phác đồ điều trị cụ thể cho từng trường hợp.

Với người có bệnh lý về tim mạch, nội tiết hoặc đã đột quỵ trước đó cần hết sức cảnh giác, tuân thủ nghiêm phác đồ điều trị. Cần thường xuyên tái khám định kỳ nhằm đánh giá việc điều trị và kịp thời phát hiện các biến chứng, phòng ngừa đột quỵ mới hoặc tái phát trong tương lai.

ThS-BS Hoàng Tiến Trọng Nghĩa, Chủ nhiệm khoa Nội thần kinh, BV Quân y 175./.

Theo plo.vn

Nguồn: https://plo.vn/loc-mo-mau-co-ngua-duoc-dot-quy-khong-bac-si-post772551.html

Chia sẻ bài viết