Tiếng Việt | English

06/08/2019 - 09:18

Lợi ích thiết thực cho nông dân tham gia Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững

Long An là một trong 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long triển khai Dự án (DA) Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (DA VnSAT). Sau hơn 3 năm thực hiện, quá trình canh tác lúa thay đổi theo hướng an toàn, bền vững, đời sống của nông dân trong vùng DA dần cải thiện, thu nhập tăng lên nhiều so với trước đây.

Chuyển biến tích cực từ Dự án VnSAT

Tại Long An, DA VnSAT được triển khai tại 5 vùng lúa trọng điểm là huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường. Tổng diện tích thực hiện khoảng 49.500ha, với 25.000 hộ nông dân tham gia.

Tính đến hết năm 2018, DA VnSAT tại Long An tổ chức 294 lớp tập huấn “3 giảm, 3 tăng” (3G3T), có 7.989 người dự với diện tích 19.075ha; 170 lớp đào tạo tập huấn “1 phải, 5 giảm” (1P5G), có 4.117 người dự với diện tích 13.104ha; thực hiện 34 điểm trình diễn với diện tích 17ha, trong đó có 13 điểm trình diễn 3G3T, diện tích 6,5ha và 21 điểm trình diễn 1P5G, diện tích 10,5ha.

Trạm bơm tại Hợp tác xã Đồng Đưng, thị xã Kiến Tường

Nông dân xã Bình Hiệp, thị xã Kiến Tường tham gia lớp tập huấn quy trình “3 giảm, 3 tăng” vụ Hè Thu 2018. (Ảnh: BQL Dự án VnSAT Long An)

Tham gia DA, nông dân được tập huấn và áp dụng quy trình canh tác bền vững 3G3T, 1P5G. Lượng giống gieo sạ trung bình giảm còn dưới 100kg/ha, lượng phân đạm sử dụng không quá 130kg/ha, không phun thuốc bảo vệ thực vật quá 3 lần và ghi chép sổ tay kỹ thuật đầy đủ. Do đó, sản xuất lúa theo 3G3T và 1P5G giúp nông dân nâng cao kiến thức và kỹ năng quản lý đồng ruộng, ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật như sạ thưa, bón phân cân đối, bảo vệ nguồn thiên địch, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và bảo vệ sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng; giúp giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Tính đến hết năm 2018, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện DA VnSAT, tổng diện tích lúa sản xuất trong vùng DA được doanh nghiệp bao tiêu là 6.500ha, tăng thêm lợi nhuận khoảng 20%/ha cho nông dân. Trong đó, việc áp dụng quy trình sản xuất lúa 3G3T, 1P5G giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất gần 3 triệu đồng/ha so với phương thức sản xuất truyền thống.

Anh Võ Nhật Thạc - nông dân xã Tuyên Thạnh, thị xã Kiến Tường, cho biết: “Áp dụng các quy trình kỹ thuật 3G3T, 1P5G, chi phí đầu tư giảm 2-3 triệu đồng/ha. Nhờ có DA VnSAT, chúng tôi học được nhiều quy trình kỹ thuật mới, từ đó dần thay đổi tập quán canh tác cũ”.

Song song với quá trình chuyển giao khoa học - kỹ thuật, DA còn hỗ trợ hạ tầng và trang thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, trong đợt 1, hỗ trợ 5 hợp tác xã với kinh phí dự toán 32,41 tỉ đồng, gồm 2 máy cuốn rơm, 2 lò sấy, 2 kho trữ lúa và nhà bao che lò sấy, 3 trạm bơm điện, 1 trạm biến áp, 3 đường giao thông nội đồng (8,6km) và 1 cây cầu dân sinh. Thời gian tới sẽ hỗ trợ đợt 2 với tổng dự toán kinh phí 44 tỉ đồng cho 4 hợp tác xã, dự kiến hỗ trợ 5 máy cuốn rơm, 3 tuyến đường giao thông nội đồng, 1 cầu giao thông nông thôn, 4 trạm bơm và 1 thiết bị sấy.

Trạm bơm tại Hợp tác xã Đồng Đưng, thị xã Kiến Tường. Ảnh: Đại Việt

Nhiều giải pháp được thực hiện

Theo kế hoạch hoạt động năm 2019, Ban Quản lý DA VnSAT Long An phối hợp Tổ thực hiện DA các huyện, thị xã tổ chức 233 lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật 3G3T, 1P5G cho khoảng 8.155 nông dân. Ngoài ra, dự kiến tổ chức 15 lớp đào tạo, tập huấn cho hơn 520 nông dân; thực hiện 20 điểm trình diễn 1P5G với diện tích 10ha và 15 điểm trình diễn về sử dụng sản phẩm phụ từ lúa làm nấm rơm và nhân giống lúa xác nhận.

Bên cạnh đó, DA tập trung củng cố và thành lập mới các hợp tác xã có năng lực quản lý và trình độ khoa học - kỹ thuật tiên tiến, góp phần xây dựng kênh thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ hình thành và phát triển chuỗi liên kết lúa gạo bền vững. DA sẽ tập trung hỗ trợ hạ tầng cho các hợp tác xã. Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, truyền thông, phổ biến các kết quả đã đạt và kinh nghiệm thực tiễn tại các địa phương; đẩy mạnh công tác tập huấn kỹ thuật 3G3T và 1P5G; nâng cao năng lực quản trị cho các hợp tác xã, tổ chức sản xuất theo quy trình, liên kết bao tiêu tạo đầu ra ổn định.

DA VnSAT kỳ vọng sẽ góp phần thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo chung tại 8 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long./.

Đại Việt

Chia sẻ bài viết