Dự án VnSAT Long An được thực hiện trong giai đoạn 2015-2020, tại các huyện: Tân Thạnh, Mộc Hóa, Tân Hưng, Vĩnh Hưng và thị xã Kiến Tường, tổng kinh phí hơn 289 tỉ đồng, diện tích 49.500ha với 25.000 hộ tham gia. Dự án triển khai nhằm mục tiêu tăng thu nhập cho nông dân, giảm tác động tiêu cực đến môi trường từ thâm canh lúa và tăng khả năng cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo.
Ban Chỉ đạo VnSAT họp tổng kết
Qua hơn 3 năm triển khai, Dự án VnSAT đạt nhiều kết quả khả quan: Tổ chức 294 lớp đào tạo tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” (3G3T) cho 7.989 hộ tham gia với 20.038ha; 170 lớp tập huấn kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” (1P5G) cho 4.117 hộ tham gia với 13.104ha; xây dựng 13 điểm trình diễn 3G3T với 6,5ha và 21 điểm trình diễn 1P5G với 10,5ha. Nông dân được thực hành kỹ thuật sản xuất ngay trên đồng ruộng, giảm lượng giống, phân, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Cụ thể sau khi tập huấn, nông dân sạ với lượng giống ≤100kg/ha (giảm 30-40kg/ha), bón phân cân đối hợp lý, lượng thuốc phun xịt giảm còn 2 lần (giảm 2-3 lần so với trước), có ghi chép sổ nhật ký đồng ruộng,…
Bên cạnh các hoạt động đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao hiệu quả dịch vụ công, Dự án VnSAT Long An còn tổ chức 3 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho các tổ chức nông dân về quản lý phát triển hợp tác xã (HTX) với 107 người dự; tổ chức 2 lượt tham quan học tập kinh nghiệm trong nước cho cán bộ Dự án VnSAT Long An, tổ thực hiện dự án các huyện và ban giám đốc HTX với 90 người dự; hỗ trợ thiết bị phục vụ công tác chuyên ngành của dự án VnSAT, gồm: 13 máy chiếu, 13 laptop, 18 máy tính bàn, 8 máy photo, 8 máy ảnh, 9 kính hiển vi.
Nhằm thông tin kịp thời về hoạt động của dự án đến nông dân và thành viên HTX, Ban Quản lý dự án tổ chức 6 cuộc hội nghị, hội thảo truyền thông cấp tỉnh, huyện, với 424 người dự, tổ chức 18 hội thảo truyền thông về kết quả của dự án với 1.258 người dự, đăng 12 bài viết, 43 lần phát sóng truyền thanh, truyền hình, 5 tin ngắn; đồng thời tuyên truyền trực quan, lắp đặt 70 tấm panô, 1.000 tờ áp-phích, 13.000 tờ rơi, 13.000 cuốn sổ tay kỹ thuật 3G3T, 6.500 cuốn 1P5G và 15.000 cuốn nhật ký đồng ruộng.
Năm 2019, Dự án VnSAT Long An hỗ trợ (đợt I) cho 5 HTX: Đồng Đưng (thị xã Kiến Tường), Gò Gòn (Tân Hưng), Hưng Phú (Vĩnh Hưng), Hương Trang (Mộc Hóa), Bình Hòa (Mộc Hóa) đầu tư kết cấu hạ tầng, thiết bị thiết yếu phục vụ sản xuất như 2 máy cuộn rơm, 2 lò sấy, 2 kho trữ lúa và nhà bao che lò sấy, 3 trạm bơm điện, 1 trạm biến áp, 3 đường giao thông nội đồng (dài 8,6km) và 1 cây cầu dân sinh với kinh phí 32,41 tỉ đồng. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ đầu tư (đợt II) cho 4 HTX: Hưng Tân (Tân Hưng), Cây Trôm (Vĩnh Hưng), Hậu Thạnh Tây (Tân Thạnh), Thạnh Hưng (thị xã Kiến Tường) 5 máy cuộn rơm, 3 tuyến đường giao thông nội đồng, 1 cây cầu giao thông nông thôn, 4 trạm bơm, 1 thiết bị sấy với kinh phí khoảng 44 tỉ đồng.
Thông qua các kênh truyền thông: Kênh truyền hình Tổng hợp Quốc gia (VTV9), báo, đài địa phương,… sẽ phát sóng, phát thanh, đăng tải 4 chuyên đề truyền hình chuyên biệt, 3 phóng sự truyền hình, 5 phóng sự phát thanh, 2 hỏi đáp kỹ thuật và 15 bài báo với nội dung giới thiệu về hoạt động, kết quả thực hiện của dự án. Đồng thời, tổ chức 8-10 cuộc hội thảo truyền thông thông tin về kết quả thực hiện, các tiểu dự án đợt III và kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án VnSAT Long An - Nguyễn Chí Thiện cho biết: “Năm 2019, phối hợp tổ thực hiện dự án cấp huyện và lãnh đạo các HTX tổ chức đào tạo, tập huấn với số lượng 100 lớp 3G3T cho hơn 3.500 nông dân, thành viên HTX, 133 lớp 1P5G cho hơn 4.655 nông dân, thành viên HTX, 20 điểm trình diễn; tổ chức 15 lớp tập huấn tận dụng sản phẩm phụ từ lúa là nấm rơm, nhân giống lúa xác nhận cho hơn 520 người dự và xây dựng 15 điểm trình diễn; phối hợp cán bộ thực hiện chương trình ứng dụng công nghệ cao của tỉnh để tổ chức 5 lớp tập huấn sản xuất lúa VietGAP cho hơn 75 người và 5 điểm trình diễn. Đồng thời, tiếp tục rà soát đánh giá để tuyển chọn 6 HTX tham gia tiểu dự án đợt III, dự toán kinh phí 50 tỉ đồng”.
Với những kết quả đã đạt thời gian qua, có thể nói Dự án VnSAT là đại dự án của ngành nông nghiệp Việt Nam, góp phần thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cải thiện thu nhập cho nông dân, nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững./.
Đại Việt