Tiếng Việt | English

02/03/2022 - 09:11

Lỗi thu phí tự động ETC, xe không qua được trạm, chủ xe cần làm gì?

Thu phí không dừng (ETC) là một hình thức mới và tiện dụng tại Việt Nam. Tiện lợi nhưng vẫn còn một số lỗi trong quá trình sử dụng, lái xe cần chú ý để tránh bị phạt cũng như bị trừ tiền 2 lần…

Sẽ bỏ thu phí thủ công từ 1/6

Thu phí điện tử không dừng là một chủ trương lớn và hiện được nhiều chủ phương tiện hưởng ứng tham gia bởi sự an toàn và thuận lợi. Thế nhưng gần đây hiện tượng xe dán thẻ bị từ chối do máy không đọc được, tài khoản báo hiết tiền, thậm chí mua vé thủ công nhưng sau đó tài khoản vẫn bị trừ tiền…gây ùn tắc, bực mình, bức xúc cho người tham gia giao thông.

Thủ tướng chỉ đạo không thu phí thủ công sau ngày 1/6/2022.

Hiện tại Việt Nam có hai đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí không dừng là Công ty TNHH thu phí tự động VETC- cung cấp thẻ Etag, Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (Viettel) cung cấp thẻ ePass.

Việc này đã phá thế “độc quyền” của VETC và thêm sự lựa chọn cho chủ phương tiện và thực tế cho thấy, số lượng tham gia dán ePass tăng khá mạnh bởi việc trả phí có thể thông qua ví điện tử.

Nhưng, từ cuối tháng 1/2022, liên tiếp có những phản ánh về việc xe dán thẻ ePass không qua được trạm thu phí tự động do Công ty VETC cung cấp.

Để xử lý những bất cập, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành địa phương và cơ quan, tổ chức đoàn thể chính trị – xã hội chỉ đạo dán thẻ định danh đối với toàn bộ phương tiện xe ô tô thuộc phạm vi quản lý của cơ quan, đơn vị để sử dụng dịch vụ thu phí tự động không dừng khi qua các trạm thu phí, không sử dụng hình thức thu phí thủ công từ 1/6/2022.

Yêu cầu người đứng đầu các đơn vị cũng được giao vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan thực hiện dán thẻ định danh đối với xe cá nhân để tham gia dịch vụ thu phí ETC với mục tiêu không sử dụng hình thức thu phí thủ công từ 1/6/2022.


Hệ thống thu phí tự động do Công ty Cổ phần Giao thông số Việt Nam (ePass) vận hành.

Để thực hiện mục tiêu này, Thủ tướng giao Bộ GTVT chỉ đạo nhà cung cấp dịch vụ thu phí tổ chức tốt việc dán thẻ định danh cho phương tiện giao thông, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện. Ngoài ra, cần công bố số điện thoại và địa chỉ liên hệ để tạo thuận tiện cho công tác dán thẻ, có giải pháp xử lý ngay các lỗi kỹ thuật của hệ thống thu phí ETC (nếu phát sinh).

Thủ tướng cũng yêu cầu làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây khó khăn cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Bên cạnh đó, người đứng đầu Chính phủ quán triệt tiếp tục thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí ETC với một số tuyến cao tốc tại mỗi vùng miền. Thủ tướng lưu ý để người dân, doanh nghiệp tích cực sử dụng dịch vụ thu phí ETC theo đúng quy định, tiến tới xóa bỏ hình thức thu phí thủ công.

Các lỗi chủ phương tiện cần lưu ý

Hệ thống thu phí tự động được triển khai tại 112 trạm thu phí trên toàn quốc do ePass và VETC vận hành, kết nối hệ thống tính cước, lưu trữ thông tin của khách hàng. Tại mỗi trạm thu phí đều có “làn ETC” và “làn hỗn hợp” dành cho phương tiện dán thẻ ePass/VETC dễ dàng hơn khi di chuyển qua các trạm thu phí mà không cần dừng xe để trả phí, tiết kiệm nhiên liệu và thời gian khi qua trạm.


Phương tiện đi vào làn thu phí không dừng.

Tuy nhiên, Nghị định 123 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2022 đã tăng nặng mức phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng cho hành vi điều khiển xe không đủ điều kiện đi vào làn đường dành riêng cho thu phí không dừng tại các trạm thu phí. Cho nhên, các chủ phương tiện cần lưu ý các lỗi sau để lưu thông qua trạm thành công và tránh bị xử phạt.

Đầu tiên, chủ xe cần đăng ký dịch vụ và dán thẻ ePass/VETC trước khi qua làn ETC tại các siêu thị Viettel Store và các trạm thu phí.

Đối với các phương tiện thẻ có dấu hiệu bong tróc, trầy xước mạnh có thể liên hệ hotline của 2 nhà cung cấp dịch vụ, Viettel Store hoặc các trạm thu phí để được thay thẻ.


Nghị định 123 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2022 đã tăng nặng mức phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng cho hành vi điều khiển xe không đủ điều kiện đi vào làn đường dành riêng cho thu phí không dừng tại các trạm thu phí.

Cần chú ý tốc độ di chuyển qua làn ETC quá nhanh, xe bám đuôi xe phía trước với khoảng cánh quá gần dẫn đến việc cản tầm nhìn của hệ thống, không không nhận diện được thẻ của phương tiện, dẫn đến barrier không mở, hoặc đang di chuyển thì barrier đóng lại.

Không đưa tiền mặt cho nhân viên khi qua làn ETC bị báo lỗi

Trong quá trình di chuyển, nhiều chủ phương tiện phản ánh về việc xe thẻ dán đúng vị trí, di chuyển qua các trạm bằng ETC bình thường, nhưng thường xuyên gặp lỗi tại các tuyến: Pháp Vân – Cầu Giẽ, Vực Vòng, Liêm Tuyền, Cao Bồ, Becamex Bình Dương, Hoàng Mai – Nghệ An, Hà Nội – Bắc Giang, Gia Lai 1 & 2…và được thông báo tài khoản hết tiền, thẻ lỗi mặc dù tài khoản còn tiền và xe vẫn di chuyển qua các điểm khác bình thường.

Nếu gặp lỗi này, chủ phương tiện không thực hiện thanh toán MTC (vé lượt, thu phí bằng tiền mặt) nếu xe có đủ điều kiện, yêu cầu BOT kiểm tra lại và mở barrier cho phương tiện di chuyển, để 2 nhà cung cấp dịch vụ ePass và VETC thống nhất trừ tiền offline (trừ tiền sau), sau khi hệ thống được hiệu chỉnh và vận hành bình thường.


Hệ thống thu phí tự động được triển khai tại 112 trạm thu phí trên toàn quốc do ePass và VETC vận hành, kết nối hệ thống tính cước, lưu trữ thông tin của khách hàng.

Nếu tài khoản ePass hoặc Viettel Money đã trừ tiền cho lượt qua trạm (khách hàng nhận được tin nhắn hoặc thông báo trên app ePass) nhưng barie không mở, nhân viên thu phí yêu cầu trả tiền mặt. Khách hành cung cấp tin nhắn hoặc thông báo trừ tiền và yêu cầu nhân viên vận hành tại trạm kiểm tra và mở barie cho xe qua không thay toán tiền mặt (trường hợp đã mua vé tháng ETC cũng tương tự).

Theo quy định của Bộ GTVT, mỗi phương tiện chỉ đăng ký dịch vụ của một nhà cung cấp dịch vụ ePass hoặc VETC. Vì vậy, khách hàng nên cân nhắc và lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có điểm dịch vụ gần với địa điểm mình ở/di chuyển để được hỗ trợ một cách nhanh và tốt nhất.

Lưu ý các chủ phương tiện không thoả hiệp và đồng ý cho nhà cung cấp dịch vụ khác đăng ký dịch vụ khi chưa thực hiện hủy dịch vụ trước đó, nếu không có nguy cơ gặp lỗi khi di chuyển qua trạm do hệ thống khó nhận diện đúng phương tiện và tài khoản.

Đối với xe đầu kéo, khi đấu nối hợp đồng ETC sẽ đấu nối loại 5 (loại cao nhất), trong trường hợp khi xe không kéo theo container hoặc kéo theo container 20fit khi qua trạm cần thông báo cho nhân viên vận hành để điều chỉnh phí của giao dịch.

Đối với phương tiện thực hiện hạ tải sau khi đăng ký dịch vụ, chủ phương tiện cần liên hệ ngay tổng đài của 2 nhà cung cấp dịch vụ để điều chỉnh lại loại phương tiện tránh phát sinh sai phí./.

Phi Long/VOV.VN

Chia sẻ bài viết