Tiếng Việt | English

23/12/2020 - 17:05

Long An: 2 tập thể, 5 cá nhân có thành tích trong phòng, chống HIV/AIDS được nhận bằng khen của Bộ Y tế

Ngày 23/12, Ban Quản lý Tiểu dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS (dự án EPIC) – Sở Y tế Long An tổng kết Dự án EPIC năm 2020 và triển khai phương hướng năm 2021. Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - PGS.TS Phạm Đức Mạnh đến dự.

Thảo luận giải pháp đạt chỉ tiêu điều trị PrEP và mục tiêu 90-90-90 năm 2021

Theo Cục phòng, chống HIV/AIDS, tại Việt Nam, số người nhiễm HIV, tử vong có xu hướng giảm qua các năm, chủ yếu giảm trong nhóm nghiện chích ma túy. Hình thái lây truyền HIV thay đổi, chuyển dịch từ lây truyền chủ yếu qua tiêm chích ma túy sang lây truyền qua đường tình dục. Tỷ lệ nhiễm HIV qua nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) đang có xu hướng gia tăng.

Tại Long An, sau trường hợp nhiễm HIV phát hiện đầu tiên tại TP.Tân An vào ngày 20/6/1993 thì đến nay, sau 27 năm, 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã phát hiện có người nhiễm HIV, nâng tổng số người nhiễm trên toàn tỉnh đến cuối tháng 11/2020 là 4.659 người; 32,6% tổng số người nhiễm HIV đã tử vong; số bệnh nhân còn sống đang quản lý ở cộng đồng là 2.396 người. Trong đó huyện Đức Hoà là địa phương có tỷ lệ nhiễm HIV và số người chết do AIDS cao nhất. Trong số bệnh nhân nhiễm HIV phát hiện trong 11 tháng của năm 2020, nam giới chiếm 88,9%; nam nhiễm HIV do hành vi tình dục đồng giới không an toàn chiếm 65,8%.

Phó Giám đốc Sở Y tế Long An - Võ Văn Thắng (trái) nhận bằng khen của Bộ Y tế

Năm 2020, tìm ca tại cộng đồng đạt 54,7%; tìm ca tại cơ sở y tế đạt 105,2%. Trong hoạt động chăm sóc, điều trị HIV, số ca điều trị mới chiếm 97,3%, tổng số bệnh nhân đang điều trị đạt 91,2%, bệnh nhân có tải lượng vi rút dưới 200 bản sao/ml máu đạt 96,8%. Trong điều trị PrEP, bệnh nhân mới đạt 132,9%, khách hàng duy trì trên 3 tháng đạt 75%. Số bệnh nhân HIV có bảo hiểm y tế đạt 94,7%.

Vấn đề cần ưu tiên can thiệp trong năm 2021 của Long An: Cộng đồng MSM có nguy cơ nhiễm HIV rất cao, cần can thiệp đặc biệt (giảm tác hại, PrEP, tiếp cận dịch vụ HIV/AIDS); tổ chức xét nghiệm truyền thống chưa đáp ứng nhu cầu, cần cải thiện và mở rộng mô hình xét nghiệm mới (Cộng đồng, Oral test, Recency, PNS, tiếp cận mạng xã hội); người có nguy cơ nhiễm HIV chưa tiếp cận dịch vụ HIV/AIDS thuận lợi (triển khai thêm cơ sở, khuyến khích y tế tư).

Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - PGS.TS Phạm Đức Mạnh biểu dương những nỗ lực của tỉnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS trong thời gian qua. Ông đề nghị trong thời gian tới, để đạt mục tiêu Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, Long An chú trọng công tác dự phòng, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, điều trị, bảo đảm tài chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống HIV/AIDS.

Tỉnh cần ưu tiên thực hiện hoạt động tư vấn xét nghiệm tìm ca mới; tư vấn xét nghiệm bạn tình, bạn chích của người dương tính HIV; tư vấn cho bạn tình, bạn chích cho các bệnh nhân mới điều trị. Bệnh nhân điều trị trong 6 tháng, khi nồng độ vi rút còn cao, cần chú trọng truy vết, khoanh vùng tìm ca từ bạn tình, bạn chích. Nhóm thất bại điều trị cần được triển khai thực hiện quyết liệt, không để sót nhằm đưa bệnh nhân vào điều trị,…

Dịp này, các tổ chức, cá nhân đạt thành tích trong công tác phòng, chống HIV/AIDS cũng được nhận bằng khen của Bộ Y tế (2 tập thể, 5 cá nhân), giấy khen của Ban Quản lý Tiểu dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tỉnh Long An (4 tập thể, 1 cá nhân)./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết