Kiểm tra sức khỏe của bệnh nhân nhiễm HIV tại cơ sở điều trị ARV Trung tâm Y tế huyện Bến Lức
HIV không còn đáng sợ
Năm 2020 là năm có nhiều dấu mốc đánh dấu các sự kiện quan trọng trong phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam, do vậy, Tháng hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, Việt Nam tập trung vào chủ đề 30 năm ứng phó và cơ hội chấm dứt đại dịch AIDS tại Việt Nam. Theo đó, kể từ khi người nhiễm HIV được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1990, đến năm 2020, Việt Nam đã có 30 năm chính thức ứng phó với dịch HIV/AIDS. Những kết quả trong suốt 30 năm qua trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS, những bài học kinh nghiệm cùng với Chiến lược Quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/8/2020 là những cơ hội chấm dứt dịch bệnh AIDS ở Việt Nam vào năm 2030. |
Nhiều năm qua, AIDS vẫn được coi là “căn bệnh thế kỷ” vì chưa có thuốc đặc trị hay vắc-xin phòng ngừa nên người bệnh mất sức đề kháng đối với mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập cơ thể. Người bị HIV chỉ có cách chung sống với nó cả đời.
Tuy nhiên, hiện nay, HIV/AIDS không còn đáng sợ bởi nếu được phát hiện, điều trị ARV sớm và tuân thủ tốt sẽ khỏe mạnh như người bình thường. ARV ngăn chặn sự nhân lên của HIV trong cơ thể, giúp duy trì lượng vi-rút thấp nhất trong máu nên điều trị ARV sẽ nâng cao sức khỏe; giảm mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội như viêm phổi, lao, nấm, tiêu chảy,... qua đó, góp phần giảm chi phí khám, chữa bệnh; giảm nguy cơ tử vong do AIDS và đặc biệt là giảm đáng kể khả năng lây truyền HIV qua quan hệ tình dục. Ngay sau khi xét nghiệm và biết nhiễm HIV, bệnh nhân nên điều trị ARV càng sớm càng tốt kể cả khi cảm thấy sức khỏe bình thường. Xét nghiệm và điều trị HIV muộn hoặc không điều trị sẽ làm sức đề kháng suy yếu dần, người nhiễm HIV dễ mắc các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong, ngoài ra còn là nguồn lây nhiễm HIV cho người khác và cộng đồng vì tải lượng HIV trong cơ thể cao.
Bên cạnh đó, kể từ ngày 01/01/2019, điều trị ARV ở nước ra được thanh toán qua bảo hiểm y tế. Anh N.K. (ngụ xã Long Cang, huyện Cần Đước) cho biết: “Tôi phát hiện mình bị nhiễm HIV vào năm 2008 khi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Thời điểm ấy, tôi rất bất ngờ và xuống tinh thần. Sau đó, tôi được hỗ trợ điều trị ARV. Tôi cũng đề nghị người yêu xét nghiệm, khi có kết quả dương tính thì người yêu tôi cũng điều trị ARV. Từ khi dùng thuốc đến nay, tôi không cảm thấy bất kỳ tác dụng phụ nào của thuốc, tôi lạc quan, không còn mặc cảm như trước vì hiểu được những lợi ích của ARV mang lại cho sức khỏe bản thân và cộng đồng”.
Cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch là những biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV
Không phát hiện = Không lây truyền (K=K)
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Long An - Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh cho biết, người nhiễm HIV nếu phát hiện và điều trị ARV sớm đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng 200 bản sao/ml máu sẽ không phát hiện HIV trong máu và không lây truyền cho bạn tình qua quan hệ tình dục, điều này gọi là K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) - thông điệp có ý nghĩa cần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để người có nguy cơ lây nhiễm HIV hiểu và tiếp cận sớm các dịch vụ HIV/AIDS.
K=K (Không phát hiện = Không lây truyền) là thông điệp cần lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để người có nguy cơ lây nhiễm HIV hiểu và tiếp cận sớm các dịch vụ HIV/AIDS
Xét nghiệm máu là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của mỗi người.
Kết quả âm tính (-) có thể chưa nhiễm hoặc mới nhiễm HIV trong giai đoạn đầu nên chưa phát hiện được, khoảng 3 tháng sau nên đi xét nghiệm lại.
Kết quả dương tính (+) là đã nhiễm HIV, nên điều trị ARV càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ sức khỏe cho bản thân, đồng thời luôn sử dụng bao cao su khi giao hợp để dự phòng lây nhiễm HIV cho bạn tình.
|
Tuy nhiên, K=K không áp dụng với đường máu nên người nhiễm HIV dù có tải lượng HIV không phát hiện vẫn phải sử dụng riêng dụng cụ dính máu và luôn sử dụng bao cao su khi giao hợp để dự phòng các bệnh lây qua đường tình dục như lậu, giang mai, sùi mào gà, viêm gan B, C,...
Bác sĩ Trần Ngọc Điệp - phụ trách Cơ sở điều trị ARV Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, cho biết: “Thông thường, một người nhiễm HIV điều trị bằng ARV tuân thủ điều trị tốt, chậm nhất là sau 6 tháng sẽ đạt được tải lượng vi-rút dưới 200 bản sao/ml máu. Người có HIV tiếp tục tuân thủ điều trị ARV tốt sẽ duy trì được tải lượng vi-rút dưới ngưỡng phát hiện và sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình của họ”.
Tại Long An, đến cuối tháng 10/2020, số bệnh nhân HIV còn sống đang quản lý là 2.576 người, số bệnh nhân đang điều trị ARV là 2.360 người, tỷ lệ bệnh nhân xét nghiệm tải lượng HIV đạt kết quả dưới 200 bản sao/ml máu là 96,8%. Đáng lưu ý, trong số những bệnh nhân phát hiện và điều trị HIV/AIDS từ năm 2018 đến nay có hơn 80% lây qua đường tình dục và chủ yếu là hành vi quan hệ tình dục đồng giới nam, trong đó bệnh nhân là đối tượng học sinh có xu hướng ngày càng tăng.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế - Võ Văn Thắng, HIV/AIDS nay đã điều trị có hiệu quả nên xem như là bệnh truyền nhiễm mãn tính và tiến tới bình thường hóa để cộng đồng không còn phân biệt đối xử. Vì vậy, để người nhiễm HIV tiếp cận và điều trị ARV thuận lợi, thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường triển khai xét nghiệm và điều trị HIV/AIDS tại các bệnh viện đa khoa trong toàn tỉnh, đồng thời khuyến khích y tế tư nhân tham gia lĩnh vực này. Ngoài 5 cơ sở điều trị ARV từ nhiều năm nay, trễ nhất là đầu năm 2021 tiếp tục triển khai thêm 2 cơ sở ở Trung tâm Y tế huyện Châu Thành và Thủ Thừa.
Nhằm hướng đến việc điều trị hiệu quả, lâu dài với mục tiêu thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030, những người có nguy cơ cao cần tự giác, ý thức đến cơ sở y tế xét nghiệm. Khi dương tính với HIV, người bệnh sẽ được tư vấn, điều trị ARV sớm để góp phần cải thiện sức khỏe, ổn định cuộc sống và hạn chế lây truyền HIV ra cộng đồng./.
Mục tiêu 90-90-90 do Liên Hợp Quốc phát động tại Hội nghị AIDS toàn cầu tại Úc vào tháng 7/2014 là chiến lược quan trọng tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 đã được Chính phủ cam kết cùng toàn thế giới phấn đấu thực hiện. Theo đó, Liên Hợp Quốc đã đưa ra các mục tiêu toàn cầu đến năm 2020: Có 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng HIV của mình, 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV, 90% người nhiễm HIV điều trị ARV kiểm soát được số lượng vi-rút ở mức thấp và ổn định. |
Phạm Ngân