Tiếng Việt | English

11/12/2020 - 09:35

PrEP - “Lá chắn” hiệu quả dự phòng lây nhiễm HIV

HIV tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng từ người đã nhiễm nhưng chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Do đó, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) đối với người có nguy cơ cao là “lá chắn” hiệu quả góp phần hạn chế sự lây lan của HIV.

Bảo vệ người có nguy cơ lây nhiễm HIV

Với những người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV, từ năm 2015, WHO đã khuyến cáo có thể dùng thuốc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP). PrEP viết tắt từ tiếng Anh (Pre-exposure prophylaxis), là điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Khi sử dụng hàng ngày, nồng độ thuốc trong máu có thể ngăn chặn không cho vi-rút HIV xâm nhập và nhân lên trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu không tuân thủ dùng thuốc đều đặn hàng ngày sẽ không thể dự phòng lây nhiễm HIV một cách hiệu quả.

Số lượng người dùng PrEP ngày càng tăng là minh chứng rõ nét cho công tác tuyên truyền, tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm

Bác sĩ Trần Ngọc Điệp - phụ trách Cơ sở điều trị ARV Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, cho biết: PrEP không phải là vắc-xin mà là sự kết hợp của 2 loại thuốc kháng vi-rút để dự phòng lây nhiễm HIV. Do đó, PrEP cần được uống mỗi ngày và khi dừng uống thì thuốc hết tác dụng. Người dùng cần phải tuân thủ liều lượng, yêu cầu theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu.

Những người dù chưa nhiễm HIV nhưng có hành vi nguy cơ nhiễm HIV trong 6 tháng qua thì cần điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV, gồm: Người có quan hệ tình dục (QHTD) không an toàn với nhiều bạn tình như nam QHTD đồng giới (MSM), phụ nữ bán dâm, người có bạn tình đã nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV hoặc đang điều trị nhưng chưa đạt tải lượng dưới 200 bản sao/ml máu, người nghiện ma túy sử dụng chung bơm kim tiêm.

Ngoài ra, PrEP an toàn với hầu hết người sử dụng, bao gồm cả phụ nữ mang thai và cho con bú. Đa phần người sử dụng PrEP là dùng thuốc ARV uống hàng ngày để dự phòng lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, đối với người dự tính QHTD với bạn tình không rõ tình trạng nhiễm HIV có thể điều trị PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV trước và sau khi QHTD gọi là điều trị theo tình huống chỉ dùng cho MSM nhưng phải bảo đảm uống thuốc từ 2-24 giờ trước khi QHTD mới đạt hiệu quả.

Người dùng PrEP phải tuân thủ liều lượng, yêu cầu theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tối ưu

Điều trị dự phòng trước phơi nhiễm - Kết quả đáng ghi nhận

Việt Nam triển khai chương trình điều trị PrEP từ năm 2017 và mở rộng ra 26 tỉnh, thành phố, trong đó có tỉnh Long An từ năm 2019. Để đưa PrEP đến với nhóm người có nguy cơ nhiễm HIV cao, ngành Y tế đã tăng cường triển khai nhiều mô hình tư vấn, xét nghiệm HIV trong cộng đồng và tại cơ sở y tế để họ tiếp cận dịch vụ thuận lợi và an tâm không sợ lộ thông tin cá nhân. Qua đó, nếu khách hàng nhiễm HIV thì chuyển tiếp điều trị ARV và khách hàng chưa nhiễm HIV nếu có nhu cầu thì được giới thiệu điều trị PrEP.

Số lượng người dùng PrEP ngày càng tăng là minh chứng rõ nét cho công tác tuyên truyền, tăng cường các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng, nhất là những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Trong đó, các lớp tập huấn cho đội ngũ đồng đẳng viên, tư vấn viên cộng đồng được chú trọng tổ chức thường xuyên vì đây là những hạt nhân tích cực để chia sẻ, vận động những người có nguy cơ cao sớm tiếp cận, sử dụng PrEP.

Anh H.M.P, tư vấn viên cộng đồng ở TP.Tân An cho biết: “Tôi tiếp cận các bạn trẻ thuộc nhóm MSM từ ứng dụng Blued và hướng dẫn, tư vấn họ sử dụng PrEP. Ban đầu, việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn vì họ không tin tưởng. Tuy nhiên, được sự hướng dẫn tận tình từ các cán bộ y tế phụ trách công tác phòng, chống HIV/AIDS, tôi có thêm nhiều kiến thức và cập nhật công nghệ để tiếp cận làm quen các đối tượng hiệu quả, từ đó kết thân và tư vấn tận tình, tạo được niềm tin cho họ để kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn họ sử dụng PrEP, từ đó giúp cho nhiều bạn là MSM biết dịch vụ điều trị PrEP hơn”.

Long An hiện có 6 cơ sở điều trị PrEP, bác sĩ sẽ tư vấn khách hàng biết có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không để hướng dẫn đăng ký điều trị PrEP, tất cả thông tin cá nhân đều được bảo mật

Anh N.M.K. - cộng tác viên huyện Bến Lức, chia sẻ: “Tôi là người thuộc nhóm MSM, cả tôi và người yêu đều nhiễm HIV. Tỷ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm MSM rất cao, tôi từng hối hận vì trước đây đã không dùng PrEP và các biện pháp bảo vệ (bao cao su) để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm HIV. Tôi có thuận lợi hơn trong việc kết bạn, tìm kiếm các đối tượng nguy cơ giống như mình từ mạng xã hội Blued hay Facebook, Zalo,... để tư vấn, bảo vệ bản thân an toàn trước nguy cơ lây nhiễm HIV”.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Linh - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Nhiều nghiên cứu cho thấy PrEP có hiệu quả cao trong dự phòng lây nhiễm HIV nếu uống thuốc đều đặn, đúng chỉ định thì hiệu quả lên đến 90%. Tuy nhiên, các nghiên cứu chưa đề cập PrEP có hiệu quả hay không đối với dự phòng HIV từ mẹ sang con. Vì vậy, hiện nay chủ yếu khuyến khích người có nguy cơ nhiễm HIV cao như MSM, phụ nữ bán dâm, bạn tình người đã nhiễm HIV nhưng chưa điều trị ARV hoặc đã điều trị rồi nhưng tải lượng HIV còn cao, người nghiện ma túy. Những người có đặc điểm như trên nên đăng ký điều trị PrEP để dự phòng lây nhiễm HIV cho bản thân và cộng đồng.

Long An hiện có 6 cơ sở điều trị PrEP tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh (TP.Tân An), Trung tâm Y tế huyện Bến Lức, Bệnh viện Đa khoa khu vực Hậu Nghĩa (huyện Đức Hòa), Trung tâm Y tế huyện Cần Đước, Trung tâm Y tế huyện Cần Giuộc và Phòng khám tư nhân Hùng Vương (huyện Thủ Thừa). Tại đây, các bác sĩ sẽ tư vấn khách hàng biết có nguy cơ cao bị nhiễm HIV hay không để hướng dẫn đăng ký điều trị PrEP, tất cả thông tin cá nhân đều được bảo mật hoàn toàn.

Bác sĩ Võ Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết để đạt mục tiêu Chiến lược quốc gia 95-95-95 góp phần kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030 mà Chính phủ vừa phê duyệt, cùng với việc tăng cường phát hiện người nhiễm HIV kết nối điều trị ARV, giải pháp nhân rộng cơ sở dịch vụ PrEP cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn chặn lây truyền HIV trong cộng đồng. Ngoài 6 cơ sở đã triển khai, trong năm 2021, tỉnh tiếp tục mở rộng ở 2 huyện Châu Thành và Tân Trụ, đồng thời khuyến khích y tế tư nhân có đủ điều kiện nên đăng ký mở dịch vụ điều trị PrEP để bất cứ ai có nhu cần sẽ được tiếp cận PrEP một các thuận lợi nhất./.

PrEP có an toàn không?

- Có, PrEP rất an toàn.

- 10% số bệnh nhân có thể có “hội chứng bắt đầu dùng thuốc” (đau dạ dày hoặc đau đầu nhẹ) thường nhẹ, tự hết sau 1-2 tuần và không dẫn đến việc ngưng thuốc.

- Có thể có sự giảm nhẹ, đảo ngược về mật độ chất khoáng ở xương và chức năng thận với tỷ lệ <1%.

- Chức năng thận được theo dõi chặt chẽ.

 

Có phải dùng PrEP suốt đời không?

- Không. Có thể ngừng sử dụng PrEP vì nhiều lý do như tác dụng phụ, thay đổi hành vi tình dục,...

- Cần trao đổi với người cung cấp dịch vụ PrEP trước khi ngừng sử dụng:

. Khách hàng viêm gan B có thể có nguy cơ bị rối loạn chức năng gan nếu dừng PrEP đột ngột, cần được theo dõi chặt chẽ.

. Khách hàng cần tiếp tục sử dụng PrEP trong vòng 28 ngày (PrEP hàng ngày) hoặc 2 ngày (PrEP theo tình huống) kể từ lần phơi nhiễm cuối cùng.

- Sử dụng các biện pháp giảm nguy cơ nhiễm HIV khác như bao cao su sau khi ngừng sử dụng PrEP.

- Có thể lại sử dụng PrEP nếu hoàn cảnh sau đó thay đổi.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết