Biến đổi khí hậu ảnh hưởng dòng chảy, gây sạt lở bờ sông tại huyện Cần Đước
Chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức về UPBĐKH
Năm 2018, Long An tổ chức 2 lớp tập huấn Kỹ năng truyền thông môi trường và các vấn đề về BĐKH cho cán bộ quản lý tại các Phòng Tài nguyên và Môi trường (TNMT) cấp huyện, cán bộ làm công tác thông tin truyền thông và môi trường tại các đoàn thể cấp tỉnh và cấp huyện thuộc đối tượng phối hợp liên tịch trong công tác bảo vệ môi trường; 1 lớp tập huấn cho hơn 100 doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh về kiến thức, quy định về lĩnh vực TNMT và BĐKH.
Công ty Điện lực Long An cũng tăng cường tập huấn tiết kiệm điện cho đoàn viên của các đoàn thể, vận động khách hàng tham gia TKĐ và tuyên truyền trong trường học. Kết quả, qua 9 tháng năm 2018, toàn tỉnh tiết kiệm 87,5 triệu kWh, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia UPBĐKH.
Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng tập trung tuyên truyền về môi trường như: Tháng Hành động vì môi trường, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, Ngày Đại dương thế giới năm 2018,…
Theo Giám đốc Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh – Nguyễn Quang Ngọc, các số liệu về thủy văn, quan trắc mây và độ mặn đều được cập nhật, kịp thời so sánh, đối chiếu và dự báo, phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân.
Với sự nỗ lực của các ngành, công tác tuyên truyền góp phần nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ TNMT và phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH. Bí thư Đảng ủy bộ phận khu phố 4, phường 3, TP.Tân An – Vũ Thanh Nghĩa thông tin: “Đến nay, nhờ tích cực tuyên truyền sâu rộng về bảo vệ môi trường, với khu phố chúng tôi, hầu hết người dân nâng cao ý thức từ những việc đơn giản như tích cực phân loại rác tại nguồn; không xả rác xuống kênh, mương, hạn chế đốt rác, nhựa trong khu dân cư,…”
Từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu
Toàn tỉnh hiện có 52 quy hoạch được phê duyệt. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các đơn vị thực hiện lồng ghép vấn đề BĐKH và tăng trưởng xanh vào các quy hoạch; yêu cầu các khu, cụm công nghiệp và khu dân cư phải có tỷ lệ cây xanh phù hợp, đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cây xanh, mảng xanh.
Đoàn Giám sát HĐND tỉnh kiểm tra nhà máy xử lý nước thải khu công nghiệp
Ngoài ra, UBND tỉnh xác định các dự án ưu tiên UPBĐKH: Cải tạo và nâng cấp kênh Hồng Ngự (đoạn thuộc địa phận tỉnh Long An), hệ thống cống ngăn mặn dọc Quốc lộ 62 (huyện Thạnh Hóa); nâng cấp Đường bờ Nam kênh An Phong-Mỹ Hòa-Bắc Đông kết hợp giao thông nông thôn; dự án Bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học khu Tràm Chim (Đồng Tháp) - Láng Sen (Long An) góp phần bảo vệ và tăng cường đa dạng sinh học ở địa phương và các nguồn sinh học cho sinh kế bền vững, thích ứng với BĐKH và phát triển du lịch liên vùng.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng, thực hiện chương trình mục tiêu UPBĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp cũng đề xuất một số công trình: Xây dựng hồ chứa nước ngọt xã Thuận Bình, huyện Thạnh Hóa và xã Phước Lâm, huyện Cần Giuộc; đầu tư nạo vét sông Vàm Cỏ Tây từ kênh Hồng Ngự đến Bình Châu; đầu tư hệ thống 6 cống ngăn mặn cấp bách ven sông Vàm Cỏ Tây (huyện Thạnh Hóa) phục vụ ngăn mặn cho tỉnh Long An và Tiền Giang.
Ngành TNMT tăng cường đầu tư, xây dựng hệ thống các trạm quan trắc, giám sát môi trường nước, không khí trên địa bàn tỉnh thông qua các dự án: Xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; đo đạc, lấy mẫu quan trắc chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm, không khí trên địa bàn tỉnh năm 2018; ký hợp đồng thực hiện dự án Vận hành, bảo trì hệ thống giám sát các trạm xử lý nước thải tập trung của các khu, cụm công nghiệp và các nguồn thải lớn trên địa bàn tỉnh.
Đồng thời, Long An đang trong giai đoạn hoàn tất dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
Những nỗ lực của Long An trong UPBĐKH, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng môi trường sống của nhân dân.
Chương trình mục tiêu UPBĐKH và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh
UBND tỉnh điều chỉnh cục bộ Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Trong xây dựng, UBND tỉnh chọn TP.Tân An và thị xã Kiến Tường xây dựng kế hoạch đầu tư trọng điểm, cải thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, chú trọng xử lý nước thải tập trung, nâng cấp hệ thống thoát nước mưa, nước thải, từng bước ngầm hóa hệ thống đường dây cáp điện, thông tin liên lạc.
Long An hiện có 4 Công ty sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng vật liệu xanh, sử dụng công nghệ sản xuất xanh. TP.Tân An và huyện Cần Giuộc, Cần Đước, Thủ Thừa, Bến Lức, Đức Huệ, Đức Hòa, Mộc Hóa, Châu Thành, Thạnh Hóa sử dụng vật liệu không nung đối với các công trình do Ban Quản lý Dự án cấp huyện là chủ đầu tư. 4 huyện gồm Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ và thị xã Kiến Tường sẽ triển khai trong thời gian tới.
Trong nông nghiệp, Long An tiếp tục xây dựng công trình kè chống xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu ven sông Vàm Cỏ Tây, phường 5, TP.Tân An; kè chống sạt lở bờ kênh Cầu Duyên, thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa; kè sông Bảo Định, đoạn từ cống Bảo Định đến qua cống đầu kênh Vành Đai và kè chống sạt lở ven sông Cần Giuộc, ấp 4, xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc./.
|
Đại Lâm