Tiếng Việt | English

14/12/2015 - 17:08

Long An chuyển diện tích trồng đay sang sản xuất lúa 2 vụ

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An - Lê Văn Hoàng cho biết: UBND tỉnh vừa quyết định xóa quy hoạch hơn 10.000ha trồng đay nguyên liệu. Toàn bộ diện tích này sẽ chuyển sang sản xuất 2 vụ lúa cao sản theo Quy hoạch phát triển nông - lâm - ngư nghiệp tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.


Vùng nguyên liệu đay trước đây     Ảnh: Huyền Thu

Với mục tiêu cung cấp đay sợi cho 2 nhà máy đay (Thái Bình, Indira Gandhi), từ trước giai đoạn 2000-2005, trên các vùng sản xuất lúa Hè Thu bấp bênh, đất nhiễm phèn, thiếu nước tưới, nông dân huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa trồng khoảng 3.000ha đay nguyên liệu với sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm.

Năm 2007, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc mở rộng vùng nguyên liệu đay phục vụ nhà máy bột giấy Phương Nam (Cty Tracodi), ngành nông nghiệp cùng UBND huyện Mộc Hóa và Thạnh Hóa hỗ trợ giống, đầu tư nạo vét kênh mương, khuyến cáo nông dân chuyển đất lúa năng suất thấp sang trồng đay nguyên liệu. Kết quả toàn tỉnh gieo sạ 8.870ha; trong đó, đay lấy sợi 8.616ha, năng suất 17tạ/ha, sản lượng sợi 14.683 tấn; đay nguyên liệu 185ha, năng suất 248 tạ/ha, sản lượng đay tươi 4.600 tấn.

Từ hiệu quả trên, ngày 1-7-2008, UBND tỉnh ra quyết định quy hoạch vùng trồng đay nguyên liệu tập trung đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, tỉnh tổ chức sản xuất 17.400ha (Thạnh Hóa 10.200ha, Mộc Hóa 7.200ha) và mở rộng thêm 1.000ha tại huyện Tân Thạnh để cung cấp 600.000 tấn đay nguyên liệu cho nhà máy bột giấy Phương Nam.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các huyện, nhà máy tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi nhằm cung cấp nước tưới và phục vụ nhu cầu vận chuyển đay tươi; phối hợp Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu chọn lọc các giống đay có năng suất cao, nhập 200kg giống đay Mỹ (Everlade) có năng suất cao gần gấp 2 lần so với giống đay cách (một giống đay địa phương)...

Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành nhà máy không thành công nên việc tiêu thụ đay gặp khó khăn, nhà máy bột giấy Phương Nam chỉ thu mua 1/10 sản lượng đay sản xuất, giá mua từ 250 - 280 đồng/kg. Trong khi đó, theo luận chứng của quy hoạch, để nông dân lãi hơn so sản xuất lúa Hè Thu, đề nghị giá mua 350 đồng/kg đay tươi. Với giá thu mua của nhà máy trong năm 2007, đa số nông dân trồng đay đều bị lỗ.

Dù vậy, năm 2008, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vẫn chỉ đạo tiếp tục công tác giống, đầu tư hạ tầng phục vụ kế hoạch sản xuất 9.000ha (Mộc Hóa 3.000ha và Thạnh Hóa 6.000ha). Lúc này, nông dân chưa tin tưởng chính sách thu mua đay của nhà máy, nhiều người chuyển sang trồng lúa Hè Thu nên diện tích trồng đay chỉ đạt 1.700/9.000ha kế hoạch.

Bên cạnh đó, hiệu quả từ trồng đay thấp nên diện tích đay giảm dần từ 3.000ha (năm 2010) xuống còn 91ha (năm 2013). Đến nay, hầu như nông dân không còn sản xuất đay thương mại và chuyển sang trồng lúa./.

Ngọc Lan

Chia sẻ bài viết


xe nâng kẹp giấy chính hãng Hangcha