Năm 2016, UBND tỉnh Long An đã ký quyết định phê duyệt vốn phân bổ từng công trình sử dụng kinh phí thực hiện chính sách miễn thu thủy lợi phí là 93,595 tỉ đồng và kinh phí hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa là 60,473 tỉ đồng.
Củng cố hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp
Từ đầu năm 2016, tình hình hạn, mặn gây rất nhiều thiệt hại cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp, nhất là nguồn nước phục vụ sản xuất. Vì vậy, nhiều công trình thủy lợi được triển khai thực hiện và sửa chữa phục vụ sản xuất. Công trình sửa chữa kênh Huyện Đội - đoạn từ Kênh 79 đến ranh Tân Thạnh, nằm trên địa bàn của thị xã Kiến Tường và huyện Tân Thạnh, có nhiệm vụ kiểm soát lũ tháng 8 và cho vùng ngập lũ sớm, chủ động được nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Công trình được thực hiện với tổng kinh phí đầu tư là 2.335 tỉ đồng, trong đó chi phí xây dựng là 1.100 tỉ đồng.
Ngoài ra, còn có tuyến đê bao bờ Nam Kênh 5000 - Bắc Đông, bắt đầu từ kênh Nhị Mỹ và kết thúc tại kênh Láng Cát, thuộc địa bàn xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa; kênh 30-4, bắt đầu từ rạch Bến Trễ đến sông Cần Đước, nằm trên địa bàn xã Tân Ân và thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước. Tuyến kênh này, tỉnh có chủ trương cho đầu tư kinh phí xử lý 2 bên bờ bằng cách đóng cừ tràm gia cố, trước mắt là hạn chế tối đa hiện tượng sạt lở 2 bên bờ kênh tránh gây nguy hại cho dân, về lâu dài, sẽ tiếp tục kiên cố hóa bờ kênh chống sạt lở. Công trình được xây dựng với tổng kinh phí 3,265 tỉ đồng (trong đó phần xây lắp 2,296 tỉ đồng).
Ngày 3-2-2016, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tổ chức nghiệm thu đưa vào sử dụng công trình nạo vét kênh N1, kết hợp san sửa bờ 2 bên thuộc xã Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình, thị trấn Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Hưng). Công trình có nhiệm vụ dẫn nước tưới cho 350ha đất canh tác, tiêu xả phèn cho 410ha đất tự nhiên; Kết hợp giao thông bộ, thủy cho ghe, tàu 15 tấn lưu thông, cải tạo môi trường nước cho khu vực.
Bên cạnh đó, để ứng phó với hạn, mặn, tỉnh đang lập thủ tục triển khai nạo vét 56 tuyến kênh để chống hạn với số tiền là: 142,5 tỉ đồng. Anh Nguyễn Anh Tuấn (xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng) cho biết: “Các công trình kênh mương, thủy lợi được nạo vét, nông dân có nguồn nước ổn định phục vụ sản xuất, không còn phải lo lắng”.
Đặc biệt, công trình Kênh chính và Khu tưới Đức Hòa thuộc dự án Thủy lợi Phước Hòa hoàn thành và đưa vào sử dụng, mang nhiều ý nghĩa, tầm quan trọng và phục vụ sản xuất cho nông dân rất nhiều. Công trình có tổng kinh phí đầu tư trên 2.000 tỉ đồng.
Dự án các công trình thủy lợi Kênh chính và Khu tưới Đức Hòa thuộc dự án Thủy lợi Phước Hòa phân bổ trên địa bàn huyện đến 42 ấp của thị trấn Hậu Nghĩa và một phần các xã Tân Mỹ, Hiệp Hòa, Tân Phú, Hòa Khánh Tây, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Đông, Đức Hòa Thượng, Đức Lập Hạ, Đức Lập Thượng, Mỹ Hạnh Bắc và Mỹ Hạnh Nam. Hệ thống có 126 tuyến kênh, tổng chiều dài trên 182km, phục vụ tưới cho hơn 13.821ha khu tưới mới và cấp 4m3/s nước thô cho dân sinh, công nghiệp tỉnh. Đây là công trình đa mục tiêu, có nhiệm vụ quan trọng là cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp, bổ sung mạch nước ngầm; cấp nước sinh hoạt cho dân cư nông thôn, đô thị, phục vụ công nghiệp; cải tạo môi trường sống xanh, sạch, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển giao thông nông thôn để bảo vệ công trình, phát triển dân sinh nông thôn.
Đầu tư công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp
Dự án thủy lợi Khu tưới Đức Hòa hoàn thành và đưa vào sử dụng giúp nông dân chủ động nguồn nước tưới tiêu cho diện tích canh tác. Từ đó, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong khu vực điều chỉnh cơ cấu mùa vụ, góp phần tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp.
Ông Trần Văn Mốm (xã Tân Mỹ, huyện Đức Hòa) vui mừng nói: “Không chỉ riêng gia đình tôi, mà bà con ở đây ai cũng phấn khởi. Gia đình tôi có hơn 1ha đất canh tác; hàng năm, chủ yếu làm một vụ lúa, 1 vụ màu vì nguồn nước phục vụ tưới tiêu rất khó khăn. Nay công trình thủy lợi Khu tưới Đức Hòa đưa vào hoạt động, nông dân chúng tôi rất vui mừng vì không phải lo thiếu nước phục vụ sản xuất. Bây giờ, chúng tôi có thể sản xuất 3 vụ/năm”.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Lê Văn Hoàng cho biết: “Hiện nay, trước tình hình hạn, mặn, để phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài các công trình thủy lợi đã được đầu tư, sở tiếp tục thực thi giải pháp công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, các huyện phải tập trung lãnh đạo đầu tư, vận động nhân dân phát triển hệ thống thủy lợi nội đồng thật sự đồng bộ, hiện đại; khai thác các lợi thế về địa hình, đất đai, đặc điểm dân cư, đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng theo hướng tạo ra chuỗi gái trị gia tăng gắn với phát triển loại hình kinh tế khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, tạo đà cho nông dân mở rộng canh tác, sản xuất thay đổi cuộc sống”./.
Hải Phong