Tiếng Việt | English

11/02/2020 - 19:15

Long An: Độ mặn tại một số địa phương đã lên mức báo động

Theo số liệu của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, dòng chảy trong tháng 02/2020 từ thượng lưu sông Mê Kông về đồng bằng có khả năng ở mức rất thấp, kéo theo tình trạng xâm nhập mặn sẽ rất phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

Đắp đập xây cống ngăn mặn kênh Bà Hai Màng - QL62, xã Tân Đông, huyện Thạnh Hóa

Tại tỉnh Long An, độ mặn tại một số địa phương đã lên mức báo động, cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2019 và tháng 01/2020. Dự kiến mặn xâm nhập sâu trên 2 sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây từ 95 - 100km, sâu hơn cùng kỳ 2016 từ 4 - 6km.

Theo số liệu từ Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, do ảnh hưởng triều cường kết hợp gió chướng nên độ mặn của các tuyến sông trong tỉnh (sông Rạch Cát, Vàm Cỏ, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây, sông Tra) dao động ở mức 0,8 đến 20g/l.

Trên sông Vàm Cỏ Đông, độ mặn 01g/l đã đến khu vực chợ Trà Cú, huyện Đức Hòa, cách cửa sông Soài Rạp 114km. Độ mặn đến cầu Xáng Nhỏ, huyện Bến Lức là 4g/l.

Trên Sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 3,9g/l đã đến cống Bắc Đông, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, cách sông Soài Rạp 86km. Độ mặn 1g/l đã đến Tuyên Nhơn, huyện Thạnh Hóa.

Tại cống Xóm Lũy, sông Rạch Cát, huyện Cần Đước, độ mặn đo được ngày 10/02 là 20g/l.

Tại sông Vàm Cỏ, độ mặn đo được tại vị trí cột đèn đỏ, huyện Châu Thành là 16,9g/l.

Tại sông Tra, độ mặn đo được ngày 10/02 tại cống Rạch Tôm, huyện Châu Thành là 15,2 g/l.

Trên sông Vàm Cỏ Tây, tại cống Bình Tâm, TP.Tân An, độ mặn đo được ngày 10/02 là 8,10g/l , tăng 2,1g/l so với ngày 07/02, và tăng 4,1g/l so với tháng 01/2020. Đặc biệt, cao hơn 7,7g/l so với cùng kỳ 2019.

Tại bến đò Chú Tiết, TP.Tân An, độ mặn đo được ngày 10/02 là 7,6g/l, cao hơn 7,4g/l so với cùng kỳ 2019.

Tại cống Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An, độ mặn đo được ngày 10/02 là 5,8g/l, cao hơn 5,8g/l so với cùng kỳ 2019.

Tại cống Bắc Đông, xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa (sông Vàm Cỏ Tây), độ mặn đo được ngày 10/02 là 3,9g/l, tăng 3,9g/l so với cùng kỳ 2019.

Tại cầu La Khoa, huyện Thạnh Hóa, độ mặn đo được ngày 10/02 là 3,2 g/l, tăng 2,2g/l so với tháng 01/2020 và tăng 3,2 g/l so với cùng kỳ 2019.

Đơn vị chuyên môn đo độ mặn tại khu vực TP.Tân An

Tại cầu Bến Kè, xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, độ mặn đo được ngày 10/02 là 1,6 g/l, tăng 1,6 g/l so với tháng 01/2020 và tăng 1,6 g/l so với cùng kỳ 2019.

Tại ngã ba Tuyên Nhơn (kênh Dương Văn Dương), huyện Thạnh Hóa, độ mặn đo được ngày 10/02 là 1 g/l, tăng 1 g/l so với tháng 01/2020 và tăng 1 g/l so với cùng kỳ 2019.

Như vậy, so với năm 2019, độ mặn tăng rất cao trên tất cả sông chính. Ngoài ra, so với năm 2016, độ mặn cũng tăng cao và xâm nhập vào nội đồng sâu hơn. Có chỗ đã nhập sâu vào nội địa, lên tới địa bàn trước đây hầu như chưa bị xâm nhập mặn.

Được biết, Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Long An thường xuyên cập nhật số liệu để thông báo cho chính quyền địa phương, nông dân và cơ quan chức năm nắm bắt.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: “Hiện UBND huyện chỉ đạo các xã tập trung chống hạn mặn. UBND huyện phối hợp Sở Giao thông - Vận tải cho đóng tất cả các cống tròn ngang qua QL62 để ngăn mặn xâm nhập nội đồng. Ngoài ra, trên các kênh lớn như kênh Bến Kè, kênh Bà Hai Màng, kênh Ông Nhượng,… đều đã đắp đê hoặc làm cống ngăn mặn”./.

Minh Đăng

Chia sẻ bài viết