Tiếng Việt | English

03/08/2015 - 15:44

Long An: Hiệu quả từ tổ tư vấn nuôi tôm

Thời gian qua, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến tỷ lệ tôm nuôi bị nhiễm bệnh phải thu hoạch sớm (hơn 30%). Phần lớn người nuôi bị thiệt hại do thả tôm sớm khi chưa xử lý ao, đầm tốt, chưa nắm vững kỹ thuật nuôi, nhất là vấn đề dịch bệnh. Để tháo gỡ những khó khăn cho nông dân, tổ tư vấn nuôi tôm được thành lập và bước đầu hoạt động hiệu quả. Tổ tư vấn trực tiếp hướng dẫn người dân áp dụng khoa học-kỹ thuật và cách phòng, chống dịch bệnh trong nuôi tôm.

Người dân nuôi tôm thuận lợi hơn nhờ được tư vấn về kỹ thuật nuôi

Hiệu quả thiết thực

Hiện nay, diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Long An là 5.322,8ha, tăng 11,3% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích nuôi tôm sú 1.261,7ha, tôm thẻ chân trắng 4.061,1ha. Diện tích thu hoạch 3.912,2ha, tăng 19,9% so cùng kỳ. Năng suất bình quân ước đạt 2,1 tấn/ha. Sản lượng 8.064,5 tấn.

Tuy nhiên, do dịch bệnh nên diện tích tôm nuôi bị thiệt hại, không thu hoạch được khoảng 596,9ha (tôm sú 138,9ha, tôm thẻ chân trắng 458ha), chiếm 12% tổng diện tích thả nuôi.

Kỹ sư Lê Thị Diệu - Trạm Khuyến nông huyện Cần Đước, Tổ trưởng tổ tư vấn kỹ thuật nuôi tôm cho biết: “Tổ tư vấn với 17 thành viên là kỹ sư nuôi trồng thủy sản, hoạt động từ ngày 1-2 đến 30-9-2015, tại các huyện: Cần Đước (gồm xã: Long Hựu Tây, Long Hựu Đông, Tân Chánh), Cần Giuộc (gồm xã: Phước Lại, Phước Vĩnh Đông, Phước Vĩnh Tây, Tân Lập), Châu Thành (gồm xã Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông), Tân Trụ (gồm xã Nhựt Ninh, Đức Tân)”.

Người dân được cán bộ tổ tư vấn hướng dẫn tận tình, miễn phí, đồng thời, tổ cũng kiểm tra tôm, các chỉ tiêu môi trường nước ao nuôi và hướng dẫn cách xử lý. Hằng tháng, tổ tổng hợp kết quả tư vấn, kết quả quan trắc môi trường và kết quả xét nghiệm bệnh để thông tin đến vùng nuôi 2 lần/tháng.

Hoạt động của tổ tư vấn đã giúp người nuôi quản lý tốt ao đầm, chọn và sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản đạt hiệu quả, giảm chi phí đầu tư.

Tổ tư vấn kiểm tra mẫu nước trong ao nuôi của người dân

Nông dân vui mừng

Chị Ngô Hồng Điệp - thành viên tổ tư vấn thông tin: “Hằng tuần, chúng tôi đều đến địa điểm tư vấn để kiểm tra mẫu nước và tư vấn về cách trị bệnh trên tôm. Đồng thời giải đáp những khó khăn gặp phải khi nuôi, nhờ đó việc nuôi tôm ngày càng thuận lợi, lợi nhuận tăng nhiều so với trước, vì vậy người dân rất phấn khởi”.

Ông Ngô Văn Đạt, ở ấp Bà Nghĩa, xã Tân Chánh, huyện Cần Đước cho biết: “Gia đình tôi có khoảng 2 công đất nuôi tôm. Những đợt đầu tiên nuôi chỉ huề vốn, có năm lỗ vài chục triệu đồng. Từ khi tham gia tổ hợp tác tư vấn nuôi tôm, tôi được hướng dẫn cách chọn tôm giống, kỹ thuật nuôi, cách phòng trừ dịch bệnh, xử lý môi trường nước.... Nhờ đó, vụ tôm vừa rồi, tuy không trúng giá nhưng gia đình tôi cũng lời 30 triệu đồng”.

Cũng như ông Đạt, anh Nguyễn Văn Tuấn, ngụ ấp Thuận Lợi, xã Nhựt Ninh chia sẻ: “Nhờ tổ tư vấn mà việc nuôi tôm ngày càng hiệu quả và ít gặp rủi ro, nông dân rất phấn khởi. Mong thời gian tới, Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa, giúp người dân đạt hiệu quả hơn trong nuôi tôm”.

Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An - Phạm Phú Hùng khuyến cáo: “Để việc nuôi tôm đạt hiệu quả, nông dân nên mua tôm giống tại các điểm bán đã qua kiểm dịch hoặc đem tôm đến trạm thú y để kiểm tra trước khi thả. Mật độ thả tôm khoảng 50 con/m2 là tốt nhất. Trong quá trình nuôi, cần kiểm soát tốt lượng thức ăn, sinh trưởng của tôm và kịp thời báo cơ quan chức năng khi phát hiện tôm có biểu hiện bất thường. Đồng thời, thực hiện tốt phương châm nuôi “3 cao, 3 thấp”: Độ kiềm cao, oxy cao, mực nước cao; độ mặn thấp, mật độ thấp, pH thấp”./.

Lê Huỳnh

 

Chia sẻ bài viết