Long An kỷ niệm 151 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Chiều 9/10, tại Khu Di tích lịch sử Vàm Nhựt Tảo (xã An Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh phối hợp UBND huyện Tân Trụ, UBND huyện Bến Lức tổ chức Lễ kỷ niệm 151 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc (AHDT) Nguyễn Trung Trực.
Các đại biểu tham dự Lễ dâng hương kỷ niệm 151 năm Ngày hy sinh của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Tại buổi lễ, Giám đốc Sở Văn Hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An, Trưởng Ban tổ chức - Nguyễn Anh Dũng ôn lại thân thế, sự nghiệp và tinh thần yêu nước của AHDT Nguyễn Trung Trực cùng với những chiến công hiển hách, làm sáng ngời những trang sử vẻ vang của dân tộc. Đồng thời, nhấn mạnh Lễ kỷ niệm là dịp để người dân bày tỏ lòng tưởng nhớ, tri ân, tự hào trước khí phách hiên ngang, lòng quả cảm và sự hy sinh oanh liệt của AHDT Nguyễn Trung Trực.
Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch, sinh năm 1838 tại xóm Nghề, thôn Bình Nhựt, tổng Cửu Cư Hạ, huyện Cửu An (nay thuộc xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Khi thực dân Pháp chiếm các tỉnh Nam kỳ, ông là một trong những người đầu tiên ở Nam bộ phất cờ khởi nghĩa, tụ họp nghĩa quân kháng Pháp vào nửa cuối thế kỷ XIX. Vào ngày 10/12/1861, dưới sự giúp đỡ của nhân dân và hương chức làng Nhựt Tảo, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đốt tàu chiến L’Espérance của thực dân Pháp.
Mô hình tàu chiến L’Espérance của thực dân Pháp
Sau trận đánh, Nguyễn Trung Trực lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp, lập nên những chiến công vang dội. Điển hình là trận đánh đầu tiên nghĩa quân chiếm được trung tâm đầu não địch trong 5 ngày ở Kiên Giang, sau đó ra Phú Quốc lập căn cứ chống Pháp lâu dài. Trước sự đàn áp của quân địch và muốn cứu nhân dân cùng phong trào kháng Pháp, Nguyễn Trung Trực đành để giặc bắt. Ngày 27/10/1868 (nhằm ngày 12/9 năm Mậu Thìn), thực dân Pháp xử chém ông tại Rạch Giá.
Lãnh đạo tỉnh dân hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Đông đảo người dâng đến dân hương tưởng niệm
Ông Nguyễn Văn Lên (62 tuổi) ngụ huyện Phú Tân, tỉnh An Giang cho biết: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày giỗ cụ Nguyễn là tôi lại về đây để tham gia. Đây là dịp để người dân đến dâng hương tưởng niệm và thể hiện lòng biết ơn, sự tôn kính đối với vị AHDT đã hy sinh máu xương vì nhân dân, đất nước”.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức Lễ kỷ niệm 151 năm ngày Hy sinh của AHDT Nguyễn Trung Trực còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa mang đậm bản sắc dân tộc và nét văn hóa vùng đất Nam bộ để ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất chống giặc ngoại xâm của cha ông, giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ.
Có mặt tại buổi lễ từ khá sớm, em Trần Nguyễn Thúy Ngân Ngân, học sinh Trường THPT Tân Trụ bày tỏ: “Đây là năm thứ 2 em được đến viếng và dâng hương tưởng niệm AHDT Nguyễn Trung Trực. Em rất tự hào và biết ơn đối với những đóng góp và hy sinh của cụ Nguyễn cho quê hương đất nước. Những hoạt động tưởng niệm như thế này đã góp phần giúp chúng em biết nhiều hơn về lịch sử dân tộc, đồng thời bồi đắp thêm tình yêu đối với quê hương, đất nước”.
Tiết mục văn nghệ tái hiện lại giai thoại của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực
Ngoài ra, khi đến với Lễ kỷ niệm, du khách còn được Ban Tổ chức tiếp đãi nhiều món ẩm thực chay độc đáo và những tiết mục văn nghệ đặc sắc ca ngợi quê hương, đất nước và những chiến công của AHDT Nguyễn Trung Trực./.
Bùi Tùng - Nguyễn Dung
- Trải nhiệm đón 'tuyết rơi' giữa Long An (20/11)
- Biển, rừng Phú Quốc đẹp lộng lẫy từ những góc nhìn trên cao (20/11)
- Giải Bình Phước marathon - Trường Tươi Group lần thứ II: Ngắm đường chạy độc đáo của Đồng Xoài xinh đẹp (19/11)
- Tuần Văn hóa - Thể thao - Du lịch lần thứ 2 năm 2024: Tất cả đã sẵn sàng (19/11)
- Nghệ nhân ưu tú Út Bù - Vang danh tiếng đờn guitar tay trái (18/11)
- Tổng Bí thư Tô Lâm dự kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau (17/11)
- Khánh thành công trình Tượng đài kỷ niệm và đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia địa điểm tập kết ra Bắc (17/11)
- Long An đoạt 3 Huy chương Vàng, 3 Huy chương Bạc tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 (16/11)