Các trẻ được can thiệp sớm tham gia thư viện đồ chơi.
Gian nan con đường điều trị
Hơn 1 năm trôi qua, hàng tuần, phụ huynh em Trần Bùi Minh Trí, ở xã Vĩnh Công, huyện Châu Thành phải chạy xe đạp hơn 10km đưa em Trí đến lớp học can thiệp sớm của cô Nguyễn Thị Tươi - giáo viên Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh. Tại đây, cô Tươi hướng dẫn Trí cách nhận biết đồ vật, màu sắc, phát âm cho tròn vành, rõ chữ hay đơn giản chỉ là rèn luyện sự tập trung, chú ý,... Đồng thời, giáo viên còn hướng dẫn phụ huynh cách điều trị cho trẻ tại nhà.
Phụ huynh em Trần Bùi Minh Trí cùng giáo viên hường dẫn và rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ thông qua các trò chơi.
Phụ huynh em Trần Bùi Minh Trí cho biết: “Vợ chồng tôi chỉ có cháu Trí là con trai nhưng lúc cháu 2 tuổi, gia đình mới phát hiện cháu không biết nói, không nghe được và phát triển chậm hơn những đứa trẻ khác. Vì thế, gia đình đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng, khám và phát hiện cháu bị khiếm thính. Qua tìm hiểu, chúng tôi đưa cháu đến Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật để được can thiệp sớm. Hơn 1 năm kiên trì đến lớp, Trí có nhiều tiến bộ như: Bắt đầu nói được, nghe được và học được cách giao tiếp”.
Cũng giống lớp học của cô Tươi, lớp học của cô giáo Trần Thị Mộng Tuyền khuyến khích phụ huynh cùng tham gia học với con. Hình ảnh phụ huynh chăm chú nghe cô giáo hướng dẫn và ghi các bài tập một cách cẩn thận trở nên quen thuộc. Qua đó, phụ huynh có thể phối hợp cùng giáo viên rèn luyện thêm cho con tại nhà. Phụ huynh em Võ Ngọc Xuân Thi, ở xã Bình Tâm, TP.Tân An bày tỏ: “Thi đi học hơn 1 năm thì tôi cũng tham gia học ngần ấy thời gian. Đến đây, phụ huynh được hướng dẫn phương pháp hỗ trợ trẻ tiến bộ”.
Phụ huynh em Võ Ngọc Xuân Thi làm theo lời hướng dẫn của giáo viên dạy trẻ phát âm qua các trò chơi.
Dạy trẻ bằng tất cả tình thương
Hơn 10 năm qua, cô Nguyễn Thị Tươi gắn bó với những trẻ em không may mắn bị khiếm khuyết. Bằng tấm lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Tươi tạo được uy tín và lòng tin nơi Ban Giám hiệu nhà trường, vì vậy, cô được đề cử là một trong 3 giáo viên chính thức dạy can thiệp sớm ở trẻ dưới 6 tuổi không may bị các khuyết tật: Nghe - nói, tự kỷ,... Cô Tươi chia sẻ: “Ban đầu, được phân công giảng dạy lớp can thiệp sớm, tôi rất lo lắng.
Tuy nhiên, tôi thường xuyên được nhà trường cử đi tập huấn nên cũng dần quen với công việc mới. Để tiếp xúc với một trẻ khuyết tật rất khó khăn, bởi mình chưa biết trẻ có sở thích gì, hành vi như thế nào. Vì vậy, tôi phải nhẹ nhàng chơi với trẻ và dần dần thông qua các trò chơi, rèn luyện cho trẻ các kỹ năng cần thiết. Công việc này đòi hỏi giáo viên phải thực sự kiên trì, nhẫn nại vì các trẻ phát triển rất chậm nên một hành động chúng ta phải lặp lại nhiều lần, trẻ mới có thể hiểu”.
Đối với những giáo viên dạy can thiệp sớm thì không có niềm vui nào bằng khi nhìn thấy các trẻ tiến bộ. Và đó chính là động lực góp phần giúp các giáo viên vượt qua những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Cô Trần Thị Mộng Tuyền nhớ lại: “Mặc dù khi dạy những trẻ được can thiệp sớm, tôi luôn chuẩn bị tâm lý sẵn sàng đối phó với những hoàn cảnh bất ngờ. Ấy vậy mà có lần, tôi mới nhận một em thì liền bị em đó đánh, chạy quanh phòng học đập hết các thiết bị dạy học. Ngày hôm sau, gia đình tiếp tục đưa em đến lớp, lúc đó, tôi cũng sợ em sẽ đánh mình như hôm qua nên hơi e dè. Tuy nhiên, cảm nhận được sự quan tâm của gia đình em nên tôi cố gắng dạy bằng tất cả tình thương dành cho trẻ không may bị khiếm khuyết”.
Mỗi trẻ được đưa vào Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật để được can thiệp sớm là mỗi hoàn cảnh, tâm lý, thái độ khác nhau. Tuy nhiên, những trẻ này có điểm chung là cần được quan tâm, cảm thông, chia sẻ. Với sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và lòng kiên trì của những bậc phụ huynh góp phần giúp trẻ sớm hòa nhập cộng đồng./.
Năm học 2016-2017, Trường Nuôi dạy trẻ khuyết tật tỉnh Long An nhận can thiệp sớm cho 50 trẻ. Thời gian tới, trường tiếp tục tham mưu ngành Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản ký kết với Sở Y tế, trong đó, yêu cầu cán bộ y tế địa phương tuyên truyền, tư vấn cho phụ huynh có con em đang bị khuyết tật hoặc có nguy cơ bị khuyết tật; nhà trường phối hợp Bệnh viện Nhi đồng 1 nắm danh sách trẻ em ở tỉnh Long An bị khuyết tật để tìm đến tư vấn, hỗ trợ gia đình,... |
Lê Ngọc