Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được (bìa trái) tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ thông tin tại hội nghị
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh - Nguyễn Thanh Cang; Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh dự.
Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) trình bày tổng quan về công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của Việt Nam; định hướng của Trung ương về xây dựng Chính phủ điện tử, phát triển đô thị thông minh.
Xây dựng Chính phủ điện tử là xu hướng tất yếu, nâng cao tính minh bạch trong hoạt động của Chính phủ, đẩy lùi nạn tham nhũng, nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động và tạo lập phồn vinh cho dân tộc. Vì vậy, hiện nay, Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Qua đó, hướng đến nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh CMCN 4.0 ngày càng diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Nguyễn Văn Được (thứ 2, phải qua, hàng đầu) tham gia các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghệ thông tin tại hội nghị
Trong cuộc CMCN 4.0, xây dựng đô thị thông minh (Smart city) là xu hướng được các thành phố trên thế giới triển khai nhằm giải quyết những vấn đề của đô thị. Thời gian qua, một số dự án nghiên cứu, phát triển mô hình này ở Việt Nam đã thu được những kết quả bước đầu. Thế nhưng, trên thực tế còn rất nhiều việc phải làm trong nghiên cứu, xây dựng các giải pháp phát triển Smart city phù hợp với từng thành phố cũng như tổng thể quốc gia.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Thành Phúc, hiện nay, cuộc CMCN 4.0 cũng đặt ra cho các quốc gia trên thế giới những vấn đề về quốc phòng - an ninh, tội phạm lừa đảo, quyền riêng tư,… trong không gian số. Đối với Việt Nam, cùng với cơ hội, tiềm năng, nước ta sẽ gặp nhiều thách thức khi chịu sự chi phối ngày một gia tăng của công nghệ số; nhiều ngành bị tác động, cần có kế hoạch tái cơ cấu phù hợp như nhóm ngành năng lượng, công nghệ tái tạo, may mặc, giày dép, điện tử, du lịch, giáo dục và đào tạo,…
Long An đang nỗ lực xây dựng Chính quyền điện tử; nhiều mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ hiện thực hóa Kiến trúc Chính quyền điện tử được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai. Đến nay, có 97% cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện, xã được trang bị máy tính; 100% sở, ngành, UBND cấp huyện có mạng nội bộ, kết nối Internet bảo đảm đầy đủ cho các thiết bị, phần mềm dùng chung: Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành; ký số trên văn bản điện tử; một cửa, một cửa liên thông,…
Đại biểu được nghe trình bày tổng quan về công tác xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử của Việt Nam
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út cho rằng, hiện nay, tỉnh tập trung đầu tư nâng cấp Trung tâm Tích hợp dữ liệu của tỉnh đạt chuẩn theo quy định; đầu tư Bộ phần mềm nền tảng tích hợp, chia sẻ cấp tỉnh (LGSP); tăng cường sự quyết tâm chỉ đạo và đồng bộ trong tổ chức thực hiện từ các cấp, các ngành trong tỉnh. Đặc biệt, tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng Chính phủ điện tử, chiến lược chuyển đổi số, tiến đến phát triển đô thị thông minh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước và chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp; bảo đảm an toàn thông tin và an ninh mạng;…/.
Phong Nhã