Ứng dụng công nghệ cao sản xuất nông nghiệp.
Ngày 9/12/2016, UBND tỉnh Long An phê duyệt Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An theo Quyết định số 5170/QĐ-UBND.
Mục tiêu xây dựng và hình thành vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Cần Giuộc là mô hình điểm về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Long An, được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật tương đối hoàn chỉnh, đủ điều kiện ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhằm hỗ trợ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, trang trại, hộ nông dân trong vùng dự án đầu tư sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi giá trị, tạo sức lan tỏa phát triển ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa.
Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Cần Giuộc có các nhiệm vụ:
-Sản xuất, chế biến một số sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có thế mạnh của tỉnh Long An;
- Kết hợp thực nghiệm, sản xuất thử, trình diễn, chuyển giao công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp cho cả trong và ngoài vùng dự án;
- Cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, công nghệ, chế phẩm sinh học…), đầu mối hay môi giới đầu ra cho nông sản hàng hóa, tư vấn tiêu thụ sản phẩm hàng hóa;
- Liên kết, hợp tác với các tổ chức khoa học công nghệ, các nhà khoa học trong và ngoài nước trong việc nghiên cứu thực nghiệm và chuyển giao công nghệ mới;
- Thu hút đầu tư trên cơ sở vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách của Nhà nước vào thực tế vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Cần Giuộc, nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước có công nghệ mới, độc đáo đến trình diễn, chuyển giao;
- Tư vấn, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong vùng và các địa phương có nhu cầu.
Cần Giuộc đang tuyêntruyền, vận động nông dân trong vùng quy hoạch sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Thanh Nga
UBND tỉnh thống nhất phê duyệt bố trí vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao huyện Cần Giuộc thành 3 tiểu vùng:
Tiểu vùng số 1: Tiểu vùng ưu tiên tổ chức sản xuất theo hướng liên kết hộ, nhóm hộ với nhau và với doanh nghiệp. Tổng diện tích tự nhiên là 163,69 ha bao gồm hiện trạng đất nông nghiệp 133,8 ha; đất phi nông nghiệp 29,67 ha và đất chưa sử dụng 0,23 ha. Quy hoạch đến năm 2020 đất nông nghiệp còn 116 ha dự kiến bố trí rau nhà màng 15 ha; rau và cây dược liệu nhà lưới 47 ha; hoa lan nhà lưới 11 ha; nấm ăn, nấm dược liệu trong nhà 7 ha; rau và cây dược liệu ngoài trời 35 ha.
Tiểu vùng số 2: Tiểu vùng ưu tiên tổ chức sản xuất theo hướng liên kết hộ với doanh nghiệp đầu mối. Tổng diện tích tự nhiên là 53,06 ha bao gồm hiện trạng đất nông nghiệp 46,55 ha; đất phi nông nghiệp 6,46 ha va đất chưa sử dụng 0,05 ha. Quy hoạch đến năm 2020 đất nông nghiệp còn 39,86 ha dự kiến bố trí rau nhà màng 28,86 ha; hoa lan nhà lưới 5,40 ha; nấm ăn, nấm dược liệu trong nhà 4 ha.
Tiểu vùng số 3: Cần liên kết với doanh nghiệp mới cải tạo nhanh được hạ tầng, mối liên kết có thể áp dụng như Tiểu vùng số 1 và Tiểu vùng số 2. Tổng diện tích tự nhiên là 27,65 ha bao gồm hiện trạng đất nông nghiệp 20,93 ha; đất phi nông nghiệp 6,6 ha va đất chưa sử dụng 0,12 ha. Quy hoạch đến năm 2020 trừ đất xây dựng hạ tầng kỹ thuật, đất nông nghiệp còn 19,34 ha dự kiến bố trí rau nhà màng 5,75 ha; rau và cây dược liệu nhà lưới 7,89 ha; hoa lan nhà lưới 3 ha; nấm ăn, nấm dược liệu trong nhà 2,7 ha.
Mô hình sử dụng phân hữu cơ trên cây rau. Ảnh: Phương Cảnh-Thất Huy
Về lựa chọn phương thức đầu tư:
- Phương thức 1: dựa vào xã hội hóa nguồn vốn đầu tư. Đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật (giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, nhà xưởng chế biến…) theo hình thức đối tác công – tư. Hình thức là “Hợp đồng Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh” gọi tắt là Hợp đồng BOO;
- Phương thức 2: dựa vào vốn ngân sách, đóng góp của người dân đầu tư xây dựng hạ tầng đáp ứng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong vùng dự án.
Về lựa chọn phương thức đầu tư với các khu vực sản xuất:
- Phương thức 1: Doanh nghiệp thuê quyền sử dụng đất lâu dài của hộ dân trong vùng dự án, thực hiện đầu tư, tổ chức sản xuất kinh doanh (trên nguyên tắc thỏa thuậngiữa doanh nghiệpvà các hộ dân);
- Phương thức 2: Mô hình hợp tác xã hoặc doanh nghiệp cổ phần, hộ nông dân trở thành các cổ đông góp vốn bằng quyền sử dụng đất và tính cổ phần tham gia vào hợp tác xã hoặc doanh nghiệp cổ phần;
- Phương thức 3: Liên kết sản xuất kinh doanh giữa hộ dân, trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp, trong đó người dân đầu tư xây dựng đồng ruộng, kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp đặt tiêu chuẩn sản phẩm và là đầu mối tiêu thụ. Trong trường hợp này doanh nghiệp có thể là đầu mối cung ứng đầu vào (vật tư nông nghiệp, tư vấn kỹ thuật, giống….)./.
Thái Chuyên