Gian lận thương mại, trốn thuế,… trên lĩnh vực KDXD ngày càng phổ biến, phức tạp
Theo thông tin từ Cục Thuế tỉnh, thời gian qua, vẫn còn một số cơ sở KDXD chưa chấp hành nghiêm túc về quản lý giá KDXD; phương tiện đo lường, chất lượng xăng, dầu chưa chính xác, đúng tiêu chuẩn; việc bán hàng không xuất hóa đơn hợp lệ, chưa thực hiện tốt việc kê khai nộp thuế doanh thu, lợi nhuận kinh doanh kịp thời, thậm chí có trường hợp hợp thức hóa hóa đơn bán hàng làm thất thu NSNN, bao che cho một số hoạt động kinh doanh thiếu lành mạnh,...
Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng, dầu, góp phần bình ổn giá cả và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (ảnh minh họa)
Cụ thể: Năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 233 cơ sở tham gia KDXD (trong đó, 3 cơ sở có vốn Nhà nước, còn lại là ngoài quốc doanh); đến tháng 8/2016, tăng lên 245 cơ sở (trong đó, 242 cơ sở ngoài quốc doanh, 3 cơ sở có vốn Nhà nước). Tỷ lệ khối lượng tiêu thụ xăng, dầu năm 2015 của cơ sở ngoài quốc doanh chiếm 40,76% và 8 tháng năm 2016 chiếm 42,42% trên tổng khối lượng xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, số nộp NSNN (thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp) năm 2015 chỉ chiếm 21,44% và 8 tháng năm 2016 chỉ chiếm 10,5% trên tổng số nộp NSNN của các cơ sở KDXD trên địa bàn tỉnh. Thậm chí trong 2 năm 2015, 2016, thường xuyên có từ vài chục đến hàng trăm cơ sở KDXD không phát sinh số thuế phải nộp cho Nhà nước.
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến thất thu ngân sách là do Nhà nước chưa quản lý chặt chẽ, chính xác khối lượng KDXD trên thị trường; người tiêu dùng cũng như các cơ quan chức năng của Nhà nước chưa giám sát được giá cả, chất lượng, khối lượng KDXD của từng cơ sở kinh doanh thông qua các phương tiện đo lường, quản lý chất lượng, trong khi hiện tượng lượng xăng, dầu trôi nổi vẫn còn lưu thông bất hợp pháp là không nhỏ, các hành vi bán hàng không cấp hóa đơn chính xác, chưa chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết,...
Tăng cường quản lý lượng, chất và thuế đối với hoạt động KDXD
Nhằm kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trên và đưa việc quản lý KDXD trên địa bàn tỉnh vào nền nếp, quản lý khối lượng KDXD một cách chính xác, kịp thời, bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong việc thu thuế đối với lĩnh vực KDXD, bảo đảm quyền và lợi ích của người tiêu dùng, ngày 23/12/2016, UBND tỉnh có Chỉ thị số 24/CT-UBND về việc tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động KDXD trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến đầu tháng 2 đến cuối tháng 3/2017, các đoàn công tác liên ngành sẽ triển khai dán tem niêm phong, kẹp chì đồng hồ tổng đối với các phương tiện, cột đo xăng, dầu. |
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh thành lập đoàn công tác liên ngành gồm công chức, viên chức các ngành: Thuế, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, do công chức ngành Thuế làm trưởng đoàn tiến hành tổ chức dán tem niêm phong, kẹp chì đồng hồ tổng đối với các phương tiện, cột đo xăng, dầu tại cơ sở KDXD để quản lý chính xác, kịp thời khối lượng; thực hiện lập biên bản ghi nhận chỉ số công-tơ tổng tại thời điểm niêm phong, xác định hóa đơn tại thời điểm niêm phong và xác nhận các số liệu về khối lượng, mặt hàng KDXD tại thời điểm niêm phong.
Sau đó, thường xuyên định kỳ từ ngày 1 đến ngày 3 của tháng/quí (tùy theo kỳ kê khai thuế giá trị gia tăng của cơ sở), cơ quan thuế sẽ bố trí công chức quản lý trực tiếp đến cửa hàng xăng, dầu của cơ sở KDXD lập biên bản ghi nhận chỉ số trên đồng hồ công-tơ tổng của từng cột bơm, xác định khối lượng xăng, dầu bán ra trong kỳ thông qua chỉ số đầu kỳ và cuối kỳ. Qua đó, đối chiếu sự phù hợp với tờ khai, hóa đơn của cơ sở KDXD.
Ngoài ra, mỗi khi có sự điều chỉnh giá bán xăng, dầu của Nhà nước, các cơ sở kinh doanh có trách nhiệm phải báo cáo chốt số liệu tồn kho xăng, dầu đến thời điểm điều chỉnh giá với cơ quan thuế để quản lý. Cơ quan thuế phối hợp các ngành chức năng chọn ngẫu nhiên một số cơ sở KDXD để tổ chức kiểm tra, xác định khối lượng xăng, dầu tồn kho ngay sau khi có quyết định tăng, giảm giá của Nhà nước.
Việc UBND tỉnh ban hành chỉ thị về tăng cường quản lý các hoạt động KDXD là rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Bởi, xăng, dầu là mặt hàng đầu vào rất quan trọng trong các ngành sản xuất, dịch vụ, tiêu dùng, quản lý tốt các hoạt động KDXD là góp phần không nhỏ vào việc bình ổn giá cả hàng hóa, dịch vụ và tạo nguồn thu cho NSNN./.
Thanh Tuyền