Tăng cường tuần tra bảo vệ biên giới
Nét son chói lọi
Long Khốt là địa danh thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, giáp biên giới Việt Nam - Campuchia, có vị trí chiến lược về quân sự trên tuyến hành lang từ miền Đông Nam bộ qua Campuchia, xuống Đồng bằng sông Cửu Long. Trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Long Khốt là trọng điểm tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch.
Từ tháng 6/1972 đến ngày 30/4/1975, Sư đoàn 5 phối hợp lực lượng địa phương Kiến Tường liên tục tấn công địch với nhiều trận đánh ác liệt, chịu nhiều mất mát, hy sinh để giải phóng bằng được tuyến ngăn chặn địch ở Đồng Tháp Mười. Trong đó, tiêu biểu là 2 trận tấn công quy mô vào Chi khu Long Khốt (tháng 6/1972 và 4/1974) làm cho địch thiệt hại nặng. Riêng trận đánh vào chi khu năm 1974 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn chi khu, khai thông tuyến hành lang biên giới. Hàng trăm CBCS của Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp đã nằm lại nơi đây.
Kháng chiến chống Mỹ kết thúc, mảnh đất này chưa hưởng trọn vẹn niềm vui thống nhất thì cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam nổ ra. Cứ điểm Long Khốt (nay là Đồn Biên phòng Long Khốt) thêm một lần nữa là điểm giao tranh rất ác liệt. Bọn Pol Pot tập trung lực lượng để chiếm cho được Long Khốt làm bàn đạp tấn công sâu vào hậu phương của ta. CBCS Đồn Long Khốt kiên trì bám trụ, khắc phục khó khăn, phối hợp các lực lượng vũ trang địa phương chiến đấu ngoan cường, dũng cảm, ngăn chặn các mũi tiến công của địch, giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Trải qua 43 ngày đêm, từ 14/01 đến 27/02/1978, Đồn Long Khốt đã đánh lùi 21 đợt tiến công của địch, tổ chức chiến đấu 28 trận, tiêu diệt 55 tên địch và làm hàng chục tên khác bị thương.
Trong đợt chiến đấu ngoan cường này, 26 CBCS đã hy sinh (10 CBCS của đồn, 16 đồng chí đơn vị bạn) và 20 người bị thương. Cuộc chiến đấu anh dũng và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Với những thành tích vẻ vang đó, ngày 20/12/1979, Đồn Biên phòng Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Trong quá trình sưu tầm, thống kê (chưa đầy đủ), giai đoạn 1971-1975, Sư đoàn 5 có 1.110 CBCS hy sinh trên chiến trường Long Khốt, trong đó, Trung đoàn 174 có gần 800 CBCS hy sinh nơi đây.
Trung đoàn 174 tặng quà người dân nghèo dịp 19-5
Phát huy truyền thống anh hùng
Chiến tranh lùi xa, nhân dân được sống trong yên bình nhưng những CBCS biên phòng vẫn luôn tập trung cao độ, chắc tay súng bảo vệ biên cương. CBCS Đồn Biên phòng Long Khốt qua nhiều thế hệ vẫn luôn phát huy truyền thống Anh hùng của đơn vị, nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, đoàn kết tốt nội bộ, đoàn kết quân - dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Thượng tá Vũ Mạnh Hà - Chính trị viên Đồn Biên phòng Long Khốt chia sẻ: Đơn vị được giao quản lý 17,3km đường biên giới với 12 cột mốc, ở 2 xã Thái Bình Trung và Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng. CBCS trong đơn vị luôn tập trung cao độ, nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng; đấu tranh hiệu quả với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, các loại tội phạm; tổ chức tốt các hoạt động tuần tra, kiểm soát bảo vệ an toàn, nguyên vẹn đường biên, cột mốc biên giới; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện, hàng hóa qua lại biên giới.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt giúp đỡ người dân khó khăn trên địa bàn đóng quân
Bên cạnh những nhiệm vụ chính, Đồn còn tích cực phối hợp với địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển KT-XH; thực hiện nhiều phong trào, mô hình cụ thể, thiết thực như chương trình “Nâng bước em đến trường”, phong trào “Chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”,... Đặc biệt, mô hình “Mỗi tuần một địa chỉ” được triển khai thực hiện từ năm 2017 đến nay đã có hơn 750 tổ, hơn 3.500 lượt CBCS tham gia, giúp đỡ được 62 địa chỉ, hỗ trợ xây dựng 1 nhà tình nghĩa, 1 nhà tình thương và 1 nhà đại đoàn kết; giúp đỡ dân thu hoạch 60ha lúa chạy lũ, sửa chữa 30 căn nhà do thiên tai gây ra; sửa chữa cầu, đường, dọn dẹp vệ sinh môi trường;...
Chia sẻ về sự giúp đỡ của những người lính biên phòng, bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung cho biết: “Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nếu không có sự giúp đỡ của CBCS biên phòng, không biết đến bao giờ gia đình mới xây được căn nhà. Mong rằng sẽ có thêm nhiều trường hợp như gia đình tôi được Bộ đội Biên phòng giúp đỡ”.
Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thái Bình Trung - Trần Thị Yến, những năm trước, cuộc sống người dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao nhưng từ khi thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Đến nay, địa phương hoàn thành 18/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập tăng lên (45 triệu đồng/người/năm), hộ nghèo giảm xuống còn 2%, nhiều tuyến đường giao thông nông thôn được mở rộng, xây mới, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản,...
Quê hương Thái Bình Trung ngày càng thay đổi
Được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Hưng - Nguyễn Tuấn Anh, nhằm tri ân những người đã ngã xuống vì đất nước, hàng năm, vào ngày 19-5, cấp ủy, chính quyền địa phương và Bộ đội Biên phòng Long An đều tổ chức ngày giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ. Đã thành truyền thống, hơn 10 năm qua, đúng vào dịp kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5), người dân nơi đây và các cự chiến binh, thanh thiếu niên
ở khắp nơi tụ họp về đây tưởng nhớ Bác Hồ và làm giỗ liệt sĩ, thả hoa đăng trên dòng Long Khốt, thắp nén hương tưởng niệm anh linh các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà. Dịp này, Ban Liên lạc truyền thống Cựu chiến binh Trung đoàn 174 và Trung đoàn 5, Sư đoàn 5 tổ chức các hoạt động trao tặng quà tri ân các gia đình chính sách, người có công với cách mạng; tặng phần thưởng cho học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Năm 1997, UBND tỉnh công nhận khu vực này là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh. Mới đây, căn cứ theo đề nghị của UBND tỉnh Long An, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia cho Di tích lịch sử khu vực Đồn Long Khốt. Việc công nhận khu vực Đồn Long Khốt là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đã đáp lại sự mong mỏi của chính quyền, người dân và cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Long Khốt năm xưa. Theo kế hoạch, ngày 21/12, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt.
Địa phương có kế hoạch mở rộng diện tích, đầu tư xây dựng nhiều hạng mục công trình nơi đây, trong đó có việc trùng tu Đền thờ Bác Hồ và liệt sĩ, xây dựng tượng đài tưởng nhớ các chiến sĩ tình nguyện Việt Nam ở Campuchia,... cùng với sinh hoạt văn hóa tâm linh tưởng nhớ Bác Hồ và giỗ liệt sĩ. Trong tương lai gần, Long Khốt sẽ là điểm đến cho người dân trong và ngoài địa phương về nguồn, tham quan di tích.
"Căn cứ theo đề nghị của UBND tỉnh Long An, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ký Quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia cho Di tích lịch sử khu vực Đồn Long Khốt. Việc công nhận khu vực Đồn Long Khốt là Di tích lịch sử cấp Quốc gia đã đáp lại sự mong mỏi của chính quyền, người dân và cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường Long Khốt năm xưa. Theo kế hoạch, ngày 21/12, UBND tỉnh Long An tổ chức lễ công bố quyết định và đón nhận bằng xếp hạng Di tích Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt”./. |
Văn Đát