Tiếng chuông đền Long Khốt gióng lên như lời hiệu triệu anh linh các anh về sum họp bên người thân và đồng đội (Trong ảnh: Trung tướng Triệu Xuân Hòa - nguyên Tư lệnh Quân khu 7 và Đại tá Trần Thế Tuyển - Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 tại TP.HCM, miền Nam, thỉnh chuông tại Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Long Khốt)
Đó là tiếng lòng của những người ở lại, thế hệ đi sau và đồng chí, đồng đội dành cho người ngã xuống trên vùng đất Long Khốt anh hùng. Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ ta đã hy sinh tại vùng Long Khốt trong những năm 1972-1975 và 1978. Đó đều là những chiến công vang dội, để đời sau nhắc nhở mãi không thôi.
“Ầu ơ, những giọt máu đào
Dòng sông Long Khốt biết bao nhiêu tình
Lời ru theo gió ngọt lành
Ngàn năm yên giấc, sử xanh mãi còn”
(Trần Thế Tuyển)
Đường về Long Khốt hôm nay rộng, đẹp, 2 bên đường, hàng bông giấy, ao sen rực màu xác pháo. Hoa nở trên vùng đất trước đây là chiến trường khốc liệt, hoa dâng hương sắc cho anh linh những người đã vì Tổ quốc hy sinh. Nhiều người vẫn còn nằm lại, lấy máu xương tô điểm cho thanh bình của quê hương hôm nay.
Đứng trên đoạn đường nhựa, 2 bên rực màu hoa giấy, trước cổng đền Long Khốt, chúng tôi lặng nghe về những chiến công của cha anh thuở trước và thầm biết ơn những hy sinh to lớn đó. Thượng tá Vũ Mạnh Hà - Chính trị viên Đồn Biên phòng Long Khốt, trầm giọng kể: “Đền thờ được lập nên để tưởng nhớ các chú, các anh đã hy sinh. Trong đền khắc tên hơn 700 liệt sĩ nhưng thực tế có đến hơn 1.000 người ngã xuống. Nhiều người vẫn chưa tìm được hài cốt và chưa biết họ tên, quê quán. Trước đây, đền chỉ dựng bằng cây, lá đơn sơ. Vào ngày 19/5 hàng năm, chúng tôi và nhân dân tổ chức Lễ tưởng niệm Bác và các liệt sĩ. Nhiều năm trước, các cựu chiến binh từng chiến đấu tại Long Khốt trở về vận động xây ngôi đền mới như hôm nay”.
Đền hôm nay nằm trong khuôn viên 1.000m2 với nhà bia và đền thờ. Đền được xây dựng bằng bêtông, cốt thép theo kiểu tứ trụ, bên trong đền đặt tượng Bác ở vị trí trang trọng cùng bộ vật dụng thờ cúng bằng đồng và quả chuông đồng lớn. Chiếc chuông đồng nặng 150kg ấy là tất cả tình cảm của đồng chí, đồng đội dành cho người ngã xuống. Trên quả chuông còn khắc 4 câu thơ của tác giả Trần Thế Tuyển và Trình Tự Kha:
“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc
Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia
Ngàn năm mãi mãi ngân nga
Tiếng chuông Long Khốt
gấm hoa dâng người...”.
Nói về đền Long Khốt, Đại tá Trần Thế Tuyển - Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 tại TP.HCM, miền Nam - người trực tiếp cùng đồng đội vận động xây dựng đền, cũng là tác giả 4 câu thơ khắc trên chuông, bùi ngùi: “Trước đây, tôi thuộc Sư đoàn 5, Trung đoàn 174, trực tiếp chiến đấu tại Long Khốt giai đoạn 1972-1975. Biết bao đồng đội của tôi đã mãi mãi nằm lại vùng đất đó. Tôi luôn cảm thấy mình nặng nợ cùng Long Khốt, Đồng Tháp Mười của Long An. Ở đó, không chỉ có đồng đội mà còn có người em trai của tôi. Thịt xương em đã hòa vào đất, vào nước của vùng đất ấy rồi! Cứ mỗi lần đến Long Khốt, tôi thầm nghĩ, đáng lẽ mình đã có tên trong hàng bia mộ liệt sĩ nhưng may mắn còn sống. Còn sống thì hãy làm tất cả những gì có thể làm được để tri ân đồng đội và xứng đáng với những người đã hy sinh vì Tổ quốc”.
Bằng tất cả tình cảm đó, Đại tá Trần Thế Tuyển cùng đồng đội của mình - cựu chiến binh Trình Tự Kha, vận động xây dựng đền. Đó cũng là ngôi đền đầu tiên, khởi nguồn cho chương trình Nghĩa tình Trường Sơn sau này. Đâu chỉ có thế, sau khi đền được xây dựng xong, Đại tá Trần Thế Tuyển cùng đồng đội còn cất công đi tìm thông tin các liệt sĩ đã hy sinh tại vùng đất Long Khốt năm xưa. Hơn 700 liệt sĩ được khắc tên tại đền. Nghĩa tình đồng đội là như vậy, Đại tá Trần Thế Tuyển và những cựu chiến binh như trọn tình, vẹn nghĩa cùng đồng đội đã hy sinh. Dù cuộc sống có đổi thay thì những người lính Cụ Hồ vẫn không thể quên nhau, quên những ngày sát cánh bên nhau vì độc lập, tự do cho dân tộc.
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt lao động tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại Long Khốt. Ảnh: Hùng Hoàng
Khi các cựu chiến binh dựng xây nên khu đền uy nghiêm với tất cả tấm lòng thành kính thì cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Long Khốt cùng nhau gìn giữ và làm đẹp cho đồn. Từ khuôn viên đến các con đường dẫn vào đền đều được phủ kín bởi những hàng bông giấy trổ hoa rực rỡ và phượng vĩ. Thượng tá Vũ Mạnh Hà giải thích: “Hoa là do cán bộ, chiến sĩ ở đồn trồng. Chúng tôi chọn màu hoa đỏ vì đó là màu của máu và những hy sinh. Chúng tôi muốn nói với anh linh các chú, các anh rằng, máu đã nở thành hoa cũng như nhắc nhở vùng đất này từng là vùng chiến sự vô cùng khốc liệt mới có được bình yên, hạnh phúc như hôm nay”. Mỗi ngày đều có chiến sĩ của đồn chăm sóc, tưới hoa và thắp nhang trong đền như một cách tưởng nhớ người đi trước.
Hàng năm, cứ đến ngày 19/5, Long Khốt lại đông đúc người hơn hẳn. Lễ giỗ liệt sĩ và tưởng nhớ Bác Hồ có hàng trăm người tham gia, cả chính quyền, người dân, cán bộ, chiến sĩ, cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ. Mọi người thắp lên nén tâm hương cho người ngã xuống, cùng ôn lại những tháng ngày oanh liệt, hào hùng. Trong không khí trang nghiêm và linh thiêng ấy, tiếng chuông đền Long Khốt gióng lên như lời hiệu triệu anh linh những người con ưu tú của dân tộc về sum họp bên người thân và đồng đội./.
Đồn Biên phòng Long Khốt gắn liền với Đền thờ liệt sĩ Long Khốt đã được UBND tỉnh Long An công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Điều ấy đáng trân trọng, nhưng từ những sự kiện đã diễn ra trên mảnh đất biên giới này, gắn liền với sự hy sinh của hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào ta ở đây trên nửa thế kỷ nay, mọi người đều mong muốn, Long Khốt phải trở thành điểm đến của cả nước; là điểm hẹn du lịch văn hóa tâm linh của bạn bè quốc tế.
Long Khốt cũng giống như các vùng đất linh thiêng khác của Tổ quốc: Hang Tám Cô, ngã ba Đồng Lộc, thành cổ Quảng Trị, vườn thơm Bình Chánh, Tàu Ô Xóm Ruộng,... nên được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia, phải là điểm hẹn nghĩa tình!”
Đại tá Trần Thế Tuyển - Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 tại TP.HCM, miền Nam
|
Phương Phương