Tiếng Việt | English

07/06/2024 - 19:37

Lý do nên ăn đu đủ nhiều hơn khi bị viêm họng

'Vitamin C có trong quả đu đủ sẽ làm liền vết thương tại họng do viêm họng gây ra', PGS-TS Phạm Bích Đào, bác sĩ chuyên khoa tai, mũi, họng Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, chia sẻ.

"Bạn có thể ăn đu đủ nhiều hơn khi bị viêm họng vì các thành phần giảm viêm, giảm đau cũng như vitamin C có trong đu đủ sẽ làm liền vết thương tại họng do viêm họng gây ra", bác sĩ Phạm Bích Đào cho biết.

Vitamin C và các thành phần có trong đu đủ hỗ trợ làm liền vết thương tại họng do viêm họng gây ra. (Ảnh: SHUTTERSTOCK)

Về lựa chọn đu đủ để sử dụng phù hợp với sức khỏe, bác sĩ Đào cũng lưu ý: "Các trường hợp viêm họng nên ăn đu đủ chín. Với đủ xanh, có một số lý do không nên ăn lúc viêm họng, do đu đủ xanh còn cứng nên dễ chà xát vùng niêm mạc họng đang viêm. Thêm vào đó, đu đủ xanh nhiều nhựa làm kết dính lớp lông chuyển trên bề mặt biểu mô họng làm nặng thêm tình trạng viêm".

"Với trẻ nhỏ bị ho có thể ăn thêm đu đủ vì loại quả này kích thích hệ thống bảo vệ của cơ thể. Tuy nhiên, chỉ nên ăn 1 - 2 thìa cà phê/ngày và ăn 3 ngày trong tuần là tối đa", bác sĩ Đào hướng dẫn, và lưu ý: "Cùng với chế độ ăn, việc sử dụng thuốc ho cần phù hợp với tình trạng bệnh. Trong trường hợp trẻ nhỏ hoặc người lớn khi bị ho có nguyên nhân viêm họng do vi khuẩn, cần dùng kháng sinh theo chỉ định".

Cây đu đủ có tên khoa học là Carica papaya L. Ở nước ta, cây đu đủ được trồng khắp nơi, là loại cây có nhiều tác dụng tốt cho sức khoẻ. Quả đu đủ chín là món ăn bổ dưỡng, có tác dụng nhuận tràng và lợi tiểu nhẹ. 

Nhựa mủ quả xanh có tác dụng trừ giun và chống đông máu. Hạt cũng có tác dụng trừ giun, ngoài ra còn có các tác dụng khác như hạ sốt, lợi trung tiện, điều kinh và gây sẩy. Rễ cây có tác dụng hạ sốt, tiêu đờm và giải độc. Lá đu đủ dùng tiêu mụn nhọt, nước của lá dùng rửa vết loét, vết thương, sát trùng... 

Nghiên cứu về tác dụng chống ung thư của lá đu đủ

Với ung thư, một số bệnh nhân cũng thường mách nhau sử dụng lá đu đủ để hỗ trợ trong quá trình điều trị bệnh. 

Cần có thêm nghiên cứu về tác dụng của lá đu đủ với ung thư. (Ảnh: SHUTTERSTOCK)

Trước thông tin trên, Trung tâm Dinh dưỡng lâm sàng Bệnh viện K (Bộ Y tế) cho biết, lá đu đủ chứa nhiều vitamin tan trong chất béo (A, D, E và K); vitamin B và C; và các khoáng chất như sắt, natri và magiê. Một số nơi dùng lá đu đủ để làm rau hoặc làm một số bài thuốc điều trị sốt trong một số bệnh lý sốt rét, chikungunya.

Tác dụng chống ung thư của dịch chiết lá đu đủ chủ yếu được ghi nhận trong ống nghiệm và trên chuột. Một số loại tế bào ung thư nhạy cảm với dịch chiết lá đu đủ trong ống nghiệm là tế bào ung thư tiền liệt tuyến, gan, cổ tử cung, phổi, tụy, vú. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu còn hạn chế và tác dụng mới được ghi nhận trên số ít tế bào ung thư nên cần phải nghiên cứu thêm để khẳng định tác dụng của lá đu đủ.

 Hiện chưa đủ bằng chứng khoa học để khẳng định tác dụng chống ung thư của lá đu đủ trên cơ thể người cũng như liều lượng trên người. Dịch chiết lá đu đủ có thể có hiệu quả trên nhóm bệnh nhân bị giảm tiểu cầu do điều trị hóa chất. Trước khi sử dụng lá đu đủ cần có sự tư vấn của bác sĩ điều trị./.

Tác dụng của quả đu đủ với sức khỏe và hệ miễn dịch

Tác dụng của quả đu đủ với sức khỏe và hệ miễn dịch  

Ăn đu đủ thường xuyên sẽ giúp cơ thể điều hòa huyết áp, giảm lượng cholesterol trong máu, tăng cường miễn dịch.

Theo thanhnien.vn

Nguồn: https://thanhnien.vn/ly-do-nen-an-du-du-nhieu-hon-khi-bi-viem-hong-185240607170145141.htm

 
Chia sẻ bài viết