Tiếng Việt | English

10/01/2019 - 09:21

Ly hôn gia tăng: Thực trạng đáng báo động - Bài 3: Hệ lụy sau ly hôn

Trung bình tại Long An, một ngày, các Tòa án nhân dân (TAND) 2 cấp phải thụ lý gần 20 vụ ly hôn. So với 10 năm trước, số vụ ly hôn tại Long An tăng gấp gần 4 lần và đang tăng đều qua từng năm. Đây là thực trạng đáng báo động trong mối quan hệ gia đình hiện nay.

Từ lá đơn ly hôn, bị cáo Nguyễn Văn Thương ra tay sát hại vợ và bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án chung thân

Từ lá đơn ly hôn, bị cáo Nguyễn Văn Thương ra tay sát hại vợ và bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên án chung thân

Không ít các cặp vợ chồng thường chọn cách ly hôn trong hòa thận, nhưng cũng không ít trường hợp đau lòng xảy ra xuất phát từ 2 chữ "ly hôn". Hệ lụy sau ly hôn rất khó để đong đếm.

Án mạng từ 2 chữ ly hôn

Cách đây hơn 2 năm, tôi ngồi dự phiên tòa hình sự về một vụ án “Giết người” xảy ra tại thị xã Kiến Tường mà bị cáo hôm đó là người chồng còn bị hại chính là người vợ đầu ấp tay gối với nhau được 2 mặt con. Sau án mạng kinh hoàng, nguyên nhân được khẳng định bắt đầu từ 2 chữ “ly hôn”.

Lật lại hồ sơ vụ án, anh Nguyễn Văn Thương, 39 tuổi và chị Huỳnh Thị Ngoan, 33 tuổi, từng có thời gian tìm hiểu trước khi đi đến hôn nhân. Ban đầu cuộc sống vợ chồng anh chị tương đối hạnh phúc và có với nhau 2 đứa con đủ trai, đủ gái. Tuy nhiên, cuộc sống khó khăn cùng với bản tính nóng nảy, không ít lần giữa anh Thương và chị Ngoan xảy ra mâu thuẫn, xô xát trong cuộc sống. Hậu quả của mâu thuẫn là những trận đòn roi Thương trút lên mình vợ. Dần dần những trận đòn roi ấy ngày một dày hơn khiến chị Ngoan không thể chịu nổi. Nói nhẹ, nói nặng, thậm chí chị Ngoan nhiều lần phải nhờ đến chính quyền địa phương, các hội, đoàn thể đến giải quyết, phân tích lẽ thiệt hơn nhưng cũng chẳng thể nào lay chuyển được bản tính của người chồng. Vượt sức chịu đựng, ngày 17/7/2015, chị âm thầm viết đơn ly hôn gửi đến TAND để giải quyết. Đến ngày 14/10/2015, TAND thị xã Kiến Tường thụ lý đơn và phát hành giấy triệu tập mời chị Ngoan và chồng đến trụ sở để hòa giải theo luật định. Biết chị Ngoan quyết tâm ly hôn, Thương một mặt năn nỉ, một mặt đe dọa sẽ cho nổ bình ga giết chết cả nhà nếu chị không rút đơn ly hôn. Tưởng Thương chỉ nói chơi, nên đến tối, vợ chồng chị vẫn ăn tối và sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên, đến 21 giờ, ngày 15/10/2015, vợ chồng chị và người con trai út đi ngủ, vừa nằm được một lúc, Thương nhớ lại chuyện vợ nộp đơn ly hôn và gây sự với vợ. Dù thường xuyên đánh vợ nhưng Thương vẫn quả quyết còn thương yêu vợ con và không đồng ý ly hôn. Còn chị Ngoan thì kiên quyết khẳng định sẽ ly hôn. Trong cuộc tranh luận, chị Ngoan buột miệng nói ly hôn xong sẽ lấy chồng khác để được thoát khỏi những năm tháng sống cảnh bạo hành. Trong cơn bực tức, lại nghe vợ nói thế, Thương lấy con dao trên vách nhà nhào tới đâm một nhát thấu ngực vợ và tuyên bố giết vợ xong sẽ tự tử.

Chưa dừng lại, Thương tiếp tục cầm dao đâm liên tiếp thêm 12 nhát trên khắp người vợ khiến chị Ngoan tử vong tại chỗ. Đồng thời, Thương cầm chính con dao ấy đâm liên tiếp 5 nhát vào bụng mình và cắt cổ để tự tử nhưng không chết. Chán nản, Thương tiếp tục đập bể ổ điện tìm đến cái chết nhưng bị điện giật văng xuống nền nhà. Ngày ra tòa, bị cáo Thương được chủ tọa phiên tòa chất vấn vì sao bị cáo nói thương yêu vợ, con nhưng lại thường xuyên bạo hành vợ rồi dẫn đến hậu quả đau lòng. Trả lời câu hỏi đó, Thương cho rằng bản thân mình rất yêu vợ, những lúc đánh đập vợ là do nóng tính, cuộc sống nhiều khó khăn khiến bị cáo không kiềm chế được cảm xúc, bị cáo không bao giờ muốn ly hôn. Sau câu trả lời của Thương, vị chủ tọa phiên tòa cho rằng, yêu nhưng lại hành hạ vợ là ích kỷ. Cuộc sống không còn hạnh phúc thì có thể ly hôn, bắt đầu cuộc sống mới và 2 vợ chồng vẫn là những người bạn để chung tay chăm sóc 2 người con của bị cáo. Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử TAND tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Thương mức án tù chung thân. Đó là một bài học về cách cư xử trong cuộc sống hôn nhân.

Theo một số thẩm phán đang làm công tác xét xử tại TAND tỉnh Long An, cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc thì ly hôn có thể là giải thoát cho những bậc làm cha, làm mẹ nhưng có một hệ lụy ít ai có thể cảm nhận được là những người con trong hoàn cảnh cha mẹ ly tán. Và đó cũng là một vấn đề đặt ra cho xã hội đến nay vẫn chưa tìm được lời giải.

Sau ly hôn là hàng ngàn… trẻ em

Cha mẹ sau ly hôn có thể sẽ sớm ổn định cuộc sống mới, nhưng hệ lụy đằng sau ly hôn là hàng ngàn trẻ em. Những trẻ em không may phải chịu cảnh cha mẹ ly tán, ít nhiều đều sẽ ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách, tính nết sau này, thậm chí dễ dẫn đến các hành vi phạm tội hoặc bị người khác lợi dụng.

Mới đây, ngày 28/11/2018, TAND huyện Tân Trụ mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hình sự về tội “Giao cấu với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” đối với bị cáo Nguyễn Văn Hiệp, 18 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, nạn nhân là em T.N, 13 tuổi. Em T.N cũng là nạn nhân của một cuộc hôn nhân không hạnh phúc. Theo nội dung vụ án, cha mẹ em T.N sớm ly hôn, em ở với mẹ ruột nhưng bà thường xuyên mắc bệnh, không có thời gian chăm sóc, quản lý nên ngoài việc học, T.N còn thường xuyên lên mạng xã hội kết bạn nói chuyện vui chơi. Tháng 9/2018, từ mối quen biết trên mạng xã hội, Nguyễn Văn Hiệp và T.N hẹn gặp nhau tại Công viên TP.Tân An. Sau khi vui chơi, ăn uống, Hiệp chở T.N, vào quán cà phê sân vườn tại phường 7, TP.Tân An để uống nước, tâm sự. Do thiếu hiểu biết, T.N đã để cho Hiệp quan hệ tình dục ngay trong quán. Ăn quen, nhịn không quen, ngày hôm sau, Hiệp còn tiếp tục từ Tiền Giang về Tân Trụ để đưa em T.N đi chơi để thực hiện hành vi quan hệ tình dục. Sự việc chỉ được phát hiện khi một người quen nhìn thấy T.N đi với Hiệp về báo lại cho gia đình. Gặng hỏi thì T.N thừa nhận 2 lần thực hiện hành vi quan hệ tình dục với Hiệp. Điều đáng nói là cả 2 lần này, em đều tự nguyện và không có chút gì lo lắng về hành vi của mình. Theo Hội đồng xét xử, hành vi phạm tội của Hiệp ngoài việc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của em T.N để thực hiện hành vi giao cấu thì trong vụ án này còn có sự thiếu quan tâm, giáo dục từ phía các bậc làm cha, làm mẹ sau cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Thống kê của TAND tỉnh, trong tổng số hơn 6.500 vụ việc ly hôn mà tòa án 2 cấp trong tỉnh đã thụ lý giải quyết thì hiện số vụ án ly hôn có con nhỏ dưới 7 tuổi lên đến gần 1.500 trẻ em, số trẻ em từ 7 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng đạt con số gần 1.500 em. Không một ai dám chắc rằng sau ly hôn, các em vẫn nhận được sự yêu thương, quan tâm đầy đủ từ cha, mẹ, cuộc sống, tương lai của các em sẽ chịu những ảnh hưởng nhất định về cả thể chất lẫn tâm hồn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những đứa trẻ, nhất là trẻ em trai trong các gia đình ly hôn có tỷ lệ nghiện các chất kích thích, xu hướng bỏ học, phạm tội cao hơn rất nhiều so với các gia đình khác. Đó là hậu quả của việc các em phải chịu những tổn thương về tâm lý sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của cha mẹ. Riêng tại Long An, đến thời điểm hiện tại, các ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp để hỗ trợ, quan tâm giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn sau khi gia đình tan vỡ.

“Xã hội hiện đại, mọi người không nên nhìn nhận quá tiêu cực về ly hôn, điều này có thể gây ra hậu quả còn nghiêm trọng hơn cả việc ly hôn. Bởi ngoài việc những người trong cuộc phải chịu đựng về một cuộc hôn nhân tan vỡ thì trẻ em là những người dễ chịu tổn thương nhất. Hãy để các em được sống trong môi trường tốt, ở đó có tình thương, bao dung của tất cả mọi người” - Chánh án TAND huyện Bến Lức - Lê Hùng Cường cho biết./.

(còn tiếp)

Bài 4: Đâu là nguyên nhân và giải pháp?

Kiên Định

Chia sẻ bài viết