Những chuyến tàu mang nhu yếu phẩm phục vụ người dân trên đảo Lý Sơn
1. Tôi có dịp trở lại huyện đảo Lý Sơn lần thứ 2. Lần này, huyện đảo trông thật khác so với trước, mọi thứ đều thay đổi, từ diện mạo, cảnh quan đến cuộc sống của người dân.
Gần 5 giờ sáng, tàu cập cảng, hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là cảnh mua bán tấp nập, nhộn nhịp tại đây. Mọi người ai nấy đều chú tâm vào công việc và nhanh tay bốc dỡ hàng hóa, nhu yếu phẩm từ các tàu hàng trong đất liền chở ra đảo để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Ngược lại, những mặt hàng đặc trưng, đặc sản của đảo cũng được những tàu hàng chở vào đất liền để giới thiệu, quảng bá. Những tàu cá đánh bắt của ngư dân cũng nườm nượp kéo về, neo đậu tại cảng, mang theo những chiến lợi phẩm sau một đêm họ “oằn mình” giữa biển để khai thác. Hiển nhiên, trên bờ, các thương lái đã đợi sẵn ở đó...
Tất cả hoạt động đã mô tả gần như đầy đủ cuộc sống mới của người dân trên đảo. Lý Sơn hiện ra một sức sống căng tràn khi ngày mới bắt đầu!
Nhớ lại 5 năm trước, khi lần đầu tôi đến đảo Lý Sơn, mọi thứ diễn ra trong cảnh trầm lắng. Lúc đó, cảng cá thưa thớt tàu, thuyền cập bến và cảnh mua bán tại đây chưa tấp nập, cuộc sống của người dân có vẻ trầm lắng...
Lý Sơn bây giờ thay đổi quá nhiều theo chiều hướng tích cực. Tôi xuống tàu và bắt đầu đặt chân lên hòn đảo. Trong chuyến đi này, tôi khá may mắn được một người dân trên đảo tình nguyện làm hướng dẫn viên.
Lý Sơn, sức sống căng tràn ngày mới
Ông Nguyễn Văn Toàn, ngụ xã An Hải, huyện Lý Sơn - hướng dẫn viên bất đắc dĩ của tôi, vui vẻ nói: “Gia đình vừa thu hoạch xong vụ mùa nên hiện giờ tôi rảnh rỗi. Sáng nay ra cảng có chút việc, nhìn chú là biết ở nơi khác tới nên tôi muốn giới thiệu thêm về đảo này. Mọi người ở đây ai cũng vui vẻ và mến khách hết. Gia đình tôi có 3 đời sinh sống, làm ăn trên đảo. Cha tôi ngày trước theo một số ngư dân ra Hoàng Sa và cũng từ đó nằm lại ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Biển, đảo chính là nhà mình, tôi cũng như mọi người dân trên đảo, ai cũng quyết tâm bám biển, giữ vững chủ quyền biển, đảo của quê hương. Chúng tôi tích cực phối hợp bộ đội hải quân trong việc giữ chủ quyền và tham gia cùng địa phương xây dựng hòn đảo ngày càng giàu đẹp hơn. Giờ lớn tuổi, tôi không còn đi biển đánh bắt cá nữa mà ở nhà canh tác hơn 1.000m2 đất trồng tỏi. Với diện tích tỏi trên, tôi lãi được vài chục triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống của gia đình tốt hơn trước nhiều”.
2. Tôi ngồi sau xe của ông Toàn, nhẹ nhàng lướt qua các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bêtông hóa hẳn hoi. Hai bên đường, những cánh đồng tỏi xanh mướt của người dân lan tỏa mùi đặc trưng của cây trồng đặc sản trên hòn đảo. Nhà của người dân cũng được xây cất khang trang, không còn cảnh xập xệ như trước.
Bắt chuyện với anh Trần Văn Huỳnh, ngụ xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tôi càng hiểu hơn về cuộc sống của người dân nơi đây. Anh kể, thu nhập của người dân ở đây từ đi biển đánh bắt cá và trồng tỏi là chính. Gia đình anh có nhiều đời sinh sống trên đảo. Trước đây, ông nội anh cũng theo ngư dân trên đảo đi Hoàng Sa và cũng nằm lại ở vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc để tiếp tục bảo vệ chủ quyền. Lớn lên, anh theo cha tiếp tục bám biển, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương. Mỗi lần đánh bắt cá trên biển, phát hiện điều gì khác thường, anh cùng ngư dân nhanh chóng thông báo cho lực lượng canh giữ trên biển biết, theo dõi. Anh Huỳnh nói: “Mình là người dân sống trên đảo, coi biển, đảo là nhà nên phải dùng hết sức để bảo vệ, xây dựng. Trước đây, Lý Sơn còn nghèo, đời sống người dân còn vất vả. Chính quyền và người dân quyết tâm thay đổi. Giờ, đường giao thông, nhà cửa, hạ tầng, các công trình phúc lợi cơ bản đầy đủ, đáp ứng được nhu cầu. Nhìn lại kết quả, ai nấy đều vui mừng, phấn khởi”.
Tàu cá trở về neo đậu tại cảng sau một đêm đánh bắt
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn - Phạm Thị Hương, chính quyền và nhân dân ở đây luôn cùng nhau chung tay, góp sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Những năm qua, Lý Sơn có những thay đổi khác biệt, đời sống của người dân trên đảo có bước chuyển tích cực. Ngoài việc phát triển kinh tế biển, mấy năm gần đây, Lý Sơn còn tập trung phát triển kinh tế du lịch. Năm 2018, kinh tế biển tăng 10-11%, huyện đảo đón hơn 230.000 lượt khách đến tham quan, tăng gấp mấy lần so với năm 2017. Bên cạnh đó, Lý Sơn phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là việc trồng cây tỏi theo hướng tạo thương hiệu riêng, chú trọng chất lượng để quảng bá, giới thiệu đặc sản của huyện đảo đến với bên ngoài. Năm 2019, huyện đảo tiếp tục tập trung phát triển kinh tế biển, tăng cường phát triển kinh tế du lịch theo hướng xanh, sạch, đẹp, khắc phục khó khăn để sản xuất nông nghiệp ổn định, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, bảo đảm thu nhập bình quân của người dân đạt 45-46 triệu đồng/người/năm./.
Lực Nguyễn