Minh họa: Internet
Bảy mươi tuổi, má tôi vẫn ngày ngày gánh xôi ra chợ. Được đồng nào hay đồng nấy, ở nhà quẩn quanh chẳng làm gì, má buồn muốn bệnh. Má không nỡ bỏ cái nghề gắn bó với má hơn ba mươi năm, cái nghề giúp má hoàn thành tâm nguyện nuôi các con khôn lớn, ăn học thành tài. Anh em tôi chẳng biết làm sao, chỉ căn dặn má làm chút chút cho vui, đừng cố sức quá mệt rồi đổ bệnh.
Hai mươi bảy tuổi, má tôi đã thành góa phụ. Ba tôi mất tích trong một chuyến đi công tác khi tôi mới sáu tháng tuổi và anh hai lên ba. Không biết chính xác ngày ba mất, má đành lấy ngày ba đi lần cuối làm ngày giỗ hàng năm. Một thân một mình với hai đứa con nhỏ nơi xứ lạ quê người, má bươn chải đủ nghề, chắt chiu dành dụm từng đồng để anh em tôi no cơm lành áo, được cắp sách đến trường. Má tôi rất đẹp nên khi ấy không thiếu người ngấp nghé muốn cùng má chia sẻ gánh nặng, chung sống lâu dài. Thật tình hay giả ý, má đều không màng, gạt bỏ ngoài tai những lời bóng gió. Tâm nguyện của má là dành cả cuộc đời cho hai đứa con thơ.
Tôi còn nhớ, có lần, một ông khách đến nhà và cho anh em tôi tiền. Lúc ông ra về, má phát hiện và bắt chúng tôi phải đem trả lại ngay. Ông đi xe máy, anh em tôi chạy đuổi theo muốn đứt hơi, về nhà còn bị một trận đòn nên thân vì dám cãi lời má nhận tiền quà của người khác khi má chưa cho phép. Má hết lòng yêu thương chúng tôi nhưng cũng rất đỗi nghiêm khắc trong việc dạy dỗ. Mỗi lần đánh đòn anh trai hay tôi, buông roi là má quay đi khóc thầm một mình. Vừa làm cha, vừa làm mẹ, má tôi lao tâm khổ sức đến nỗi khắc khổ, già hơn số tuổi. Anh trai bị bệnh suy nhược thần kinh, năm lớp 12 phải nằm viện mấy tháng ròng, má dậy sớm nấu xôi, sáng đem ra chợ bán, trưa về nhà nấu cơm rồi vào bệnh viện chăm anh; tối má đi làm ca đêm trong lò vôi để có thêm thu nhập. Tôi không hiểu làm thế nào mà má có được sức chịu đựng bền bỉ như thế. Lòng mẹ thương con vô bờ bến đã cho má sức mạnh phi thường. Má nhịn ăn, nhịn mặc để anh em tôi đủ đầy, bằng bè bằng bạn. Má luôn dạy anh em tôi phải nhân hậu, sống trung thực, có trước, có sau như cái tên mà ba má đã đặt cho hai đứa.
Bảy mươi tuổi, má tôi vẫn ngồi chợ đến trưa mới quảy gánh về nhà. Anh em tôi sống xa quê, ai cũng lo cho gia đình nhỏ của mình, lâu lâu mới về thăm má. Cứ mỗi lần về, thấy má gầy hơn một chút, tóc bạc nhiều thêm một chút, anh em tôi lại cằn nhằn, đòi đón má lên thành phố để chăm sóc. Má cười, nói “tự lo cho mình được. Má còn lo cho vợ con bây nữa kìa”.
Vợ đẻ, con đau khi phải đi công tác, anh em tôi đều nhờ má. Khi công việc, nhà cửa, con cái tạm ổn, má lại về mái nhà dưới quê, nơi má sống một đời với bao kỷ niệm.
Tôi rưng rưng thương má đến nghẹn lòng khi mỗi bận về thăm, lúc rời đi ra khỏi nhà một đoạn, ngoái lại nhìn vẫn thấy má đứng trước ngõ trông theo, bóng ngã dài liêu xiêu theo nắng đổ. Để cho lòng bớt ray rứt, anh em tôi cứ gửi tiền cho má. Má dành dụm rồi cho lại mấy cháu nội, ngoại.
Mỗi khi có chuyện buồn lòng, tôi lại về nhà với má. Không dám kể lể gì sợ má buồn, má lo, chỉ là muốn được nhìn thấy má đi ra đi vào, muốn được nghe má nhắc ăn cơm đi con, ngủ đi con,… như hồi còn thơ bé. Chỉ vậy thôi, tôi lại cảm thấy cõi lòng yên bình, tâm hồn thanh thản, đủ sức trở lại với cuộc sống nhiều lo toan, muộn phiền thường nhật.
Tôi sợ lắm một ngày gió lay mẹ rụng, sợ lắm một ngày thành người lớn mồ côi. Cảm ơn cuộc đời đã cho tôi được làm con của má. Cảm ơn cuộc đời đã đem má tuyệt vời đến cho anh em tôi./.
Tuyết Mai