Minh họa: internet
Bếp nhà vẫn đỏ lửa nồng nàn, từng làn khói trắng chập chờn bay lên trên nền trời thăm thẳm. Thanh củi ướt sủi bọt trắng xóa, ánh lửa gặp gió lại bùng lên xanh rồi chợt tắt. Bóng má đổ dài trên vách, cái khăn rằn cũ nhàu không còn nhận ra nó từng có màu gì. Mái tóc trắng ngần bết mồ hôi trên những nếp nhăn xô vào nhau. Chợt thấy những sục sạo dậy lên trong lòng qua mệt nhoài dâu bể. Có lúc, tôi tưởng như mùi khói bếp đã bồi vào tôi từng mảnh ký ức rời, hết lớp này đến lớp khác. Bỗng thấy tuổi già của má rung rinh trước ngọn gió bấc thổi về từ mé sông, mới hay một mùa tết nữa lại về...
Má lại tất bật chuyện bếp núc trong nhà, kéo đám con cháu về bằng câu nói gọn đeo “Về đi, má có nấu món bây thích”. Tờ mờ sáng, má đã dậy nhóm bếp, những sục sôi từ gian bếp nhỏ của má là thứ âm thanh vang vọng lâu bền nhất trong tâm trí của những đứa con. Tôi thường dậy sớm, ngồi tum húm một góc nhìn má bày biện đủ thứ như “trận đồ bát quái” trong cơn ngái ngủ. Nhưng đổi lại, tôi thấy được sự chờ đợi của má, niềm mong mỏi của bữa cơm đoàn viên.
Nấu canh khổ qua thể nào má cũng bỏ nước dừa để bớt đắng. Bởi chị Hai không quen ăn đắng. Trộn cải chấm thịt kho thể nào má cũng làm riêng cho anh Sáu một phần. Bởi “cái thằng ăn ớt thiệt dở”, ăn vào là cứ nhảy dựng lên. Nấu canh xiêm lo bằng giấm thì mới đúng điệu. Tô mắm chưng để dành cho thằng Út vét sạch nồi cơm. Má nhớ hết khẩu vị từng thành viên trong nhà. Để chẳng đứa nào quên được tình thương yêu của má.
Sống những ngày ngẩn ngơ đất khách, có lúc tôi bật khóc nhớ nhà, nhớ hương vị nhà quê từ gian bếp má vừa hong. Cho nên chẳng ai có thể bứt tôi ra khỏi những ngày tết đoàn viên bên gia đình. Bạn thường cười “Tối ngày ru rú ở trong nhà”. Nhưng bạn đâu có biết, sự chờ đợi của mình, chỉ là được ngồi quây quần bên ba má, nghe những câu chuyện đã cũ mà không biết chán. Tết giờ đã khác xưa, má thường hay nói vậy. Bởi đám con cháu giờ đã lớn, những cuộc “di cư” ngày tết, cấy vào lòng người ở lại thứ gọi là bẽ bàng. Năm thì chị Hai nuôi con dâu sanh, năm thì anh Ba ra Bắc ăn tết bên vợ, năm thì chị Tám thất tình trốn đi với đám bạn. Thành ra ba má bị cho “ra rìa”...
Tôi vẫn thường than với má, nhà còn lại mấy người đâu mà nấu nướng chi cho cực. Nhưng điều đó không làm cho má từ bỏ. Bởi hình bóng của những đứa con cứ quanh quẩn trong nhà, ở trên góc bàn, ở cửa buồng hay ở ngay ngạch cửa... đâu đâu cũng đổ tràn ký ức. Tôi với ba má lại tất bật chuẩn bị mâm cơm ngày tết. Bếp lửa được nhóm như thắp lên đó bằng tất cả sự kỳ vọng của má. Tiếng má lại vọng lên từ chái bếp “bây chạy ù ra chợ mua cho má...”. Đó là khi tôi biết tết đã đến rất gần.
Tôi lại có dịp leo dừa, băng đồng hái rau. Những sân phơi lại ngổn ngang chuối ép, dưa kiệu, dưa hành. Ba má lại rộn ràng “í chưa đâu, đợi chút nữa mới đổ nước dừa”; “khoan, đường chưa tan hết”; “ông già mắc dịch, nhờ cái gì cũng trật vuột”. Tôi đứng lặng nhìn ba má tất bật nấu nướng “rước ông bà”, mới hay mình đã đi một quãng đường rất xa mà ba má thì vẫn còn ở lại. Mắc kẹt trong quá khứ nhọc nhằn. Má khoát tay, lúc ba đòi làm nước mắm “để thằng Út làm, ông làm hổng ngon”. Tôi được má truyền cho “bí kíp” làm nước chấm ngon đúng điệu từ nước mắm do chính tay má ủ. Dù cuộc sống có nhiều thay đổi nhưng má vẫn giữ thói quen ủ nước mắm để dành ăn, gửi cho đám con ở xa. Ăn không hết, má lại chiết ra chai đem cho hàng xóm. Chái bếp thấp lè tè với những cự củi chất đầy, những bó lá dừa khô được tề đuôi đều tăm tắp, những bao vỏ dừa khô nằm gọn gàng nơi góc bếp, hàng lu má ủ nước mắm thơm lừng. Tất cả những thứ đó đều thuộc về má.
Ba gom rơm, bắt cá lóc rọng trong khạp da bò từ hôm tát đìa để dành nướng trui. Ba vẫn thường nói, nướng cá mà không có rơm thì hết ngon. Hồi nhỏ, anh em tôi từng háo hức ngồi chờ ba cời tro lấy con cá để lên tàu lá chuối. Hương vị ruộng đồng như quyện vào nhau, xông vào cánh mũi, đứa nào cũng nuốt nước miếng ừng ực. Anh Tư tài lanh xin ba con cá nhỏ để nướng, ảnh nướng đến con cá xém cháy thành than nhưng vẫn ăn ngon lành, đến nỗi khóe miệng dính đầy lọ nghẹ. Mà anh Tư vẫn cười hề hề “ngon nhức nách luôn”. Giây phút đó như vẫn còn ở lại đến tận bây giờ...
Bàn thờ anh Tư khói nhang bảng lảng, ba má lại nước mắt ngắn, nước mắt dài nhắc chuyện ngày xưa. Má mếu máo nhìn di ảnh của anh Tư “bây về ăn cơm với má nghen con”. Ba dẻ cá lóc, giọng sụt sùi “món này bây thích nhất nè”. Ngần ấy năm trôi đi, ba má vẫn không buông bỏ được nỗi nhớ con. Cứ như anh vẫn còn, chưa từng rời đi. Ba má ngồi tựa đầu vào nhau. Ngoài kia, những tia nắng vàng lấp ló dưới tán cây, những hương vị ngày xưa như làm ấm căn nhà từ lâu đã thiếu vắng những tiếng cười.
Thuật lại câu nói của má cho anh chị nghe “hồi đó nghèo mà vui, đông đủ con cái”. Không biết đổ vỡ từ đâu mà giọng bỗng nghẹn ngào, đôi mắt rưng rưng. Ba má hăm hở khoe trong điện thoại, dưa cải năm nay má muối ngon lắm, có món khổ qua dồi năm nay hơi dở, có mấy đòn bánh tét nhân chuối thím Chín cho ngon lắm, mùng mấy bây về?...
Mùng hai tết, dẫu có chút trễ tràng nhưng hương vị ngày xưa vẫn ấm nồng nơi góc bếp. Má bận bịu với bếp núc, ba bận “thuyết trình” về quãng đường vật lộn với mấy món ăn. Mấy đứa con lại có dịp ngồi lại với nhau, bỏ qua hết bộn bề ngoài kia. Mùi thơm từ gian bếp của má lại bay lên, thành những lằn rãnh khuyết sâu, sống mãi trong lòng những đứa con, không bao giờ vơi cạn.../.
Nguyễn Chí Ngoan