Cô Điệp may những tấm mền vải ghép gửi tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn
Những mảnh ghép nghĩa tình
Cô Bùi Thị Ngọc Điệp (sinh năm 1954), ngụ ấp 3 Nhà Thương, thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, hiện là Bí thư chi bộ ấp. Năm 1974, sau khi tốt nghiệp trường Sư phạm Cộng đồng Long An (nay là trường Cao đẳng sư phạm Long An), cô đi dạy trong thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Bàn ghế cho học sinh vẫn là những thân cây tràm ghép lại, quần áo, giày dép không đủ cho các em mang.
Ngày ấy, cô giáo trẻ ngoài giờ học, cô còn phải lo cho gia đình nhỏ của mình. Thế nhưng, có thời gian rảnh thì cô lại đi xin vải về may những chiếc mền ghép cho học trò. Thời điểm khó khăn chung, người ta thường tận dụng vải thừa sau khi cắt may quần áo thì chắp nối thành tấm mền để đắp. Cô nhớ hoài kỷ niệm về cậu học trò nhỏ nhà nghèo được cô tặng cho chiếc mền vải ghép. Sợ các trò khác phân bì, giờ chơi, cô nói nhỏ rồi đưa cậu học trò nhỏ tấm mền sặc sỡ, cậu chạy thật nhanh rồi giấu trong ngăn bàn, ôm khư khư vì sợ bạn biết. Thời ấy, đứa nào cũng khó như nhau, nhưng giúp được em nào trong khả năng thì cô luôn sẵn sàng.
Luôn lo toan cho mọi người là thế, ấy vậy mà cuộc sống riêng của mình, cô cũng trải qua bao nhiêu vất vả, khó khăn. Ngày cậu con trai nhỏ tròn 8 tháng tuổi, đứa con gái lớn chỉ vừa lên 6, người chồng – người đồng nghiệp – trụ cột gia đình bị tai biến nên không thể tiếp tục làm việc. Một mình cô bồng bế con nhỏ, dạy bảo con lớn, vừa là cha, vừa làm mẹ gánh vác gia đình. Ôm con đi năn nỉ người quen gửi trẻ, cô nhận thêm đồ về lắp ráp gia công, có khi thì cặm cụi viết tiểu thuyết để có thêm thu nhập, miễn là có tiền trang trải, lo cho gia đình. Các con chính là động lực để cô vượt qua khó khăn, thử thách. Thế rồi, người chồng thân yêu vĩnh viễn ra đi sau 8 năm chống chọi với bệnh tật. Cô lại tiếp tục hoàn thành nguyện ước của chồng là nuôi các con ăn học thành tài. Giờ đây, cả 2 con của cô đều học xong Đại học, có việc làm ổn định và tự lo được cho cuộc sống cá nhân.
Bí thư chi bộ gương mẫu
Sau hơn 35 năm đứng trên bục giảng, cô giáo ngày nào giờ không còn gắn bó cùng phấn trắng, bảng đen mà ngày ngày đạp xe rong ruổi với địa bàn mình phụ trách. Khi chúng tôi hỏi đường đến nhà cô, ai cũng niềm nở chỉ: nhà cô “Năm Điệp” bằng ánh mắt, nụ cười trìu mến. Điều đó cho thấy, cô rất được lòng bà con nơi đây. Bên cạnh việc phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị chăm lo cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, bản thân cô trực tiếp vận động xây tặng 4 căn nhà tình thương, trích lương hưu hỗ trợ 150 phần quà cho các giáo viên già yếu, không có lương hưu và hàng tháng hỗ trợ gạo cho một hộ nghèo thuộc xã Tân Thành (huyện Thủ Thừa). Ngoài ra, cô còn trực tiếp vận động thực hiện rất nhiều công trình phúc lợi xã hội, hỗ trợ học sinh – sinh viên nghèo vượt khó học giỏi, giúp đỡ người già, neo đơn,…trong và ngoài địa phương.
Cô xúc động: “Có lần, tôi nhờ người quen gửi một tấm mền vải ghép cho một người giáo viên hưu có hoàn cảnh khó khăn, nghe kể lại rằng cô ấy nâng niu tấm mền mà rưng rưng nước mắt. Tôi cũng thực sự xúc động và biết rằng, mỗi một việc làm của mình, dù nhỏ bé nhưng mang lại niềm vui cho người khác đều vô cùng đáng quý. Đây chính là động lực để tôi cố gắng hơn nữa, góp sức mình phục vụ xã hội, dù là nhỏ nhưng sẽ “góp gió thành bão”. ..
Theo cô, hoạt động ở địa phương mạnh hay không là do có sự đồng thuận của nhân dân. Nhiệm vụ của người bí thư chi bộ là làm sao để chi bộ đoàn kết, phải cùng làm, cùng chia sẻ chứ không phải chỉ là lời nói suông. Người đảng viên phải gương mẫu, có uy tín và xem người dân là chủ, phải có được lòng tin của nhân dân. Đặc biệt, những vấn đề có liên quan đến tài chính thì phải công khai, minh bạch. “Với tôi, Bác Hồ là một nhân cách lớn, bản thân mình cả đời học tập theo Bác cũng không thể nào được như Bác. Học theo Bác là để mình hạn chế được những khuyết điểm, phát huy ưu điểm để phục vụ nhân dân. Rèn luyện theo gương Bác là một quá trình rèn luyện nhân cách suốt đời.”
Với cô, làm công tác xã hội là không có tuổi hưu. Ước mơ lớn nhất của cô lúc này là có nhiều sức khỏe để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Mỗi độ tuổi khác nhau, con người sẽ đóng góp tùy theo điều kiện thời gian, sức khỏe…Và cô, vẫn luôn như thế. Tiếng máy may nhịp nhàng vẫn vang lên trong ngôi nhà nhỏ của người giáo viên hưu trí. Tấm lòng cô dành cho mọi người vẫn luôn như vậy, nhữ mảnh vải, dù chắp vá, dù nhỏ , nhưng khi ghép nối lại trở nên thật to lớn, sửi ấm cho những mảnh đời còn khó khăn./.
Phạm Ngân