Người dùng cẩn trọng với các chiêu trò mạo danh người nổi tiếng bán hàng giá bèo trên mạng - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN
Ngay sau chuyến đến thăm và làm việc tại Việt Nam hồi cuối tháng 6 vừa qua của Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong, trên Facebook xuất hiện một loạt quảng cáo về việc vị chủ tịch này muốn bán 3.000 tai nghe Samsung với giá cực rẻ...
Mạo danh chủ tịch Samsung bán hàng giá bèo
Tưởng cách làm này "thô", sẽ ít người bị lừa, nhưng thực tế với cách diễn giải khôn khéo, không ít người vẫn mắc bẫy lừa đảo.
Chị Nguyễn Kiều Liên (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) cho hay trang cá nhân của chị trên Facebook liên tục xuất hiện tin giới thiệu chương trình bán tai nghe Samsung giảm giá từ các trang có tên Samsung Care, đăng hình chủ tịch Samsung với nội dung: "Quyết tâm đưa sản phẩm Samsung tới từng người dân Việt, chủ tịch Lee Jae-yong bán 3.000 tai nghe Galaxy Buds Pro giá dưới 1 triệu đồng".
Thử truy cập vào đường dẫn dán trên mẩu tin, chị Liên đến trang web có đường dẫn như samsungvietnam.store, samsungvn, samsungglobal... thấy "giá rẻ bất ngờ" khi chỉ 950.000 đồng/tai nghe Samsung (giá mỗi tai nghe Galaxy Buds Pro của Samsung chính hãng đều trên 4 triệu đồng).
Để hút khách, trang trên nền tảng Facebook còn trưng các mẩu quảng cáo dùng logo, tên trang tương tự các đài truyền hình, kênh tin tức. Ngang nhiên hơn, các trang này còn ghép hình mua sắm khuyến mãi tại các cửa hàng thời trang trong các siêu thị rồi cho rằng đó là hình giới trẻ đi mua... tai nghe.
"Tôi thấy cả đài truyền hình uy tín đưa tin, tưởng mình không thể bị lừa, nhưng sau khi mua mới té ngửa ra là... mắc bẫy" - anh Sáng, chủ một tiệm tạp hóa ở TP.HCM, ngao ngán.
Một thương hiệu khác cũng thường xuyên bị mạo danh là Apple. Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, hiện có nhiều trang mạng bán Apple Watch giá chỉ vài trăm ngàn đồng.
Như trang "Đồng hồ thông minh - dáng A..." thường xuyên đăng hình ảnh các mẫu Apple Watch kèm phụ kiện, giá chỉ hơn 1 triệu đồng (giá hàng chính hãng đều từ 6 - 20 triệu đồng).
Để tăng tính thuyết phục, nhiều trang còn mạo danh luôn cả những hệ thống bán lẻ như FPT Shop, Di Động Việt, CellphoneS, 24hStore... Đến nỗi, một khách hàng mua điện thoại iPhone và phát hiện máy giả mang thẳng đến hệ thống bán lẻ 24hStore để khiếu nại.
Khách hàng này cho biết đã "mua lại từ một người khác xác nhận mua máy tại 24hStore, có hóa đơn bán hàng đầy đủ". Tuy nhiên sau khi kiểm tra, sản phẩm không phải chính hãng và hóa đơn cũng bị giả luôn.
Không chỉ các sản phẩm công nghệ, nhiều trang đang ngang nhiên chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, livestream bán các loại mắt kính Gucci, đồng hồ Thụy Sĩ, nước hoa Pháp... với giá chỉ vài chục đến vài trăm ngàn đồng (hàng chính hãng đều vài triệu đến hàng chục triệu đồng).
Sẽ còn nhiều mánh lừa đảo mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ về vụ việc Samsung bị mạo danh, ông Lương Hải Đăng, giám đốc truyền thông và đối ngoại Công ty điện tử Samsung Vina, khẳng định trang web samsungvietnam.store "không phải là trang chính thức của Samsung và chương trình sales này cũng không tồn tại. Chúng tôi khuyến cáo khách hàng có thể truy cập vào trang web chính thức của Samsung Vietnam để mua hàng tại https://www.samsung.com/vn/".
Còn vụ khách bị lừa mua iPhone dỏm, bà Ánh Hồng, đại diện 24hStore, cho biết: "Kẻ lừa đảo đã biến mất, chỉ còn lại vài tin nhắn giao dịch được khách chụp lại. Chúng tôi thường xuyên bị mạo danh trên các trang mạng xã hội hòng lừa đảo bán hàng giả, hàng dỏm".
Theo các chuyên gia an ninh mạng, các chiêu lừa sẽ còn tăng với nhiều mánh tinh vi hơn. Ông Adrian Hia, giám đốc điều hành Kaspersky khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ví dụ: có sự gia tăng các cuộc tấn công lừa đảo có chủ đích, trong đó những kẻ lừa đảo sẽ không lừa ngay lập tức mà chúng chỉ hành động sau một vài email có tương tác tích cực với nạn nhân, khiến họ dễ bị lừa hơn./.
Nhận biết những dấu hiệu của kẻ lừa đảo
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), người dùng có thể căn cứ vào một số dấu hiệu để nhận biết các chiêu trò rao bán hàng giả và hàng nhái. Đầu tiên là giá quá rẻ. Song song đó có thể là chiêu "số lượng giới hạn" để khuyến khích khách mua hàng ngay lập tức. Để thêm thuyết phục, các sản phẩm nhận được đánh giá và nhận xét tích cực một cách quá mức, không tự nhiên...
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng nên kiểm tra thật kỹ thông tin về sản phẩm, giá bán từ nhiều nguồn khác nhau để có sự so sánh. Người dùng cũng nên kiểm tra thông tin về người bán, bao gồm địa chỉ, số điện thoại và nhận xét từ người mua khác trên các trang web đáng tin cậy. Người dùng có thể kiểm tra tài khoản của người bán trên mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử. Nếu tài khoản ít hoặc không có thông tin cá nhân, hoạt động mới hoặc không có đánh giá... là dấu hiệu về nguy cơ lừa đảo.
|
Theo TTO