Tiếng Việt | English

19/02/2019 - 16:25

Mía rớt giá, nông dân gặp khó

Hiện nay, nhiều diện tích mía tại các huyện Bến Lức, Thủ Thừa (tỉnh Long An) đã đến ngày thu hoạch nhưng không có thương lái mua hoặc được mua với giá rất thấp.

Với hơn 1,2ha mía đã đến ngày thu hoạch, ông Đặng Văn Em, ngụ ấp 3, xã Bình Đức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An gọi thương lái đến mua nhưng đều bị từ chối nên đành phải đốt ruộng mía để dọn vệ sinh. Ông cho biết: “Gia đình tôi đầu tư gần 50 triệu đồng cho mỗi hécta mía nhưng đến ngày thu hoạch lại không bán được”. Còn ông Lê Văn Tiên, ngụ ấp 3, xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, cho hay, mấy chục năm sống bằng nghề trồng mía, đây là năm gia đình ông khốn đốn nhất bởi gần 2ha mía không có thương lái mua. Những vụ trước còn bán được vài chục ngàn đồng/tấn. Thời điểm hiện tại, có thương lái ra điều kiện phải cho lại 1-2 triệu đồng để họ thuê công nhân đốn, dọn đất. 

Ông Đặng Văn Em bên diện tích mía sau khi đốt bỏ

Không chỉ người trồng mía, thương lái cũng gặp khó khăn. Ông Trương Hoàng Hôn (thương lái mía) cho rằng, hiện nay, thương lái chỉ lời 30.000 đồng/tấn mía, như vậy, 1ha mía với năng suất 60-70 tấn, lời khoảng hơn 1,8-2 triệu đồng, trừ chi phí vận chuyển, không còn lời bao nhiêu.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Bình Đức - Phan Thanh Huấn, năm 2018-2019, toàn xã có hơn 600ha mía, đến nay chỉ bán được 200ha. Nguyên nhân do Nhà máy Đường NIVL ở Bến Lức ngưng hoạt động nên không thu mua, còn vận chuyển đi các tỉnh khác thì chi phí cao. Mía hiện nay có giá 30.000-50.000 đồng/tấn, tại ruộng. Có lúc, thương lái không mua, nông dân phải chặt phá để vệ sinh ruộng. Người trồng mía mong được định hướng chuyển sang cây trồng khác phù hợp hơn.

Chính quyền địa phương nhiều lần đề đạt phương hướng tìm đầu ra cho cây mía, đồng thời hướng dẫn nông dân chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đòi hỏi vốn đầu tư cao. Mong các ngành chức năng định hướng, hỗ trợ vốn để nông dân có điều kiện chuyển đổi sang cây trồng khác.

Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa - Lê Văn Hồng cho rằng, vụ mía năm 2017-2018, toàn xã có gần 1.400ha mía nhưng đến vụ 2018-2019, chỉ còn gần 870ha. Với diện tích này, hiện chỉ thu hoạch khoảng 300ha. Hiện lãnh đạo xã rất lúng túng trong việc định hướng cho người dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, niên vụ 2018-2019, toàn tỉnh có gần 6.000ha mía, chủ yếu tập trung ở các huyện: Bến Lức, Thủ Thừa, Đức Hòa, Đức Huệ. Hiện thu hoạch hơn 2.000ha, sản lượng 145.500 tấn. Số diện tích còn lại đã đến giai đoạn thu hoạch nhưng vẫn chưa bán được. 

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho rằng, nông dân trồng mía trong tỉnh đang gặp khó khăn trong tiêu thụ do giá thấp, thị trường bấp bênh và nhân công khan hiếm. Về lâu dài, sở sẽ phối hợp các đơn vị liên quan nghiên cứu giống cây trồng thích hợp để chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng mía trên địa bàn tỉnh, thay thế bằng các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn./.

Mỹ Tho

Chia sẻ bài viết