Tiếng Việt | English

31/10/2021 - 08:43

Mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Việt Nam và các tập đoàn kinh tế nước ngoài

Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức, giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF lần đầu tiên được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, do Nhà sáng lập và Chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Giáo sư Klaus Schwab cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì, đã diễn ra ngày 29/10 và thành công tốt đẹp.

Chủ đề của Đối thoại là "Tăng cường quan hệ đối tác công tư: Động lực then chốt của phục hồi toàn diện và phát triển bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo."

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã trao đổi với báo chí kết quả của Đối thoại với Việt Nam và những đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam tại sự kiện này.

- Đối thoại chiến lược quốc gia đầu tiên giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra tối 29/10/2021 đã thành công tốt đẹp. Xin Thứ trưởng chia sẻ đánh giá về kết quả của Đối thoại lần này đối với Việt Nam?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Đối thoại chiến lược quốc gia Việt Nam-WEF lần đầu tiên đã kết thúc thành công, thể hiện qua một số điểm.

Thứ nhất, Đối thoại đã quy tụ được sự tham dự của hai nhà lãnh đạo hàng đầu của WEF cùng gần 70 tập đoàn, doanh nghiệp và các nhà đầu tư hàng đầu, đã đầu tư vào Việt Nam và đang có dự định đầu tư vào Việt Nam.

Đối thoại còn đạt được sự quan tâm rất lớn của cộng đồng đầu tư và kinh doanh toàn cầu trong những lĩnh vực phù hợp với các ưu tiên chiến lược của nước ta trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Hai là, mặc dù Đối thoại chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng đây thực sự là một cuộc trao đổi cởi mở, hai chiều.

Các doanh nghiệp và các nhà đầu tư hàng đầu khu vực và toàn cầu đã nhấn mạnh triển vọng, lạc quan và tin tưởng về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ thẳng thắn, chân thành những khó khăn, tâm tư trong quá trình làm ăn, đầu tư và sản xuất tại Việt Nam, cũng như đưa ra các đề xuất mang tính xây dựng giúp Việt Nam nhanh chóng phục hồi kinh tế và thực hiện các mục tiêu, tầm nhìn dài hạn.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ thẳng thắn quan điểm về sự phối hợp, hợp tác giữa Chính phủ, các tỉnh thành của Việt Nam với các nhà đầu tư và kinh doanh khu vực và toàn cầu.

Thủ tướng nhắc lại những thông điệp Thủ tướng đã từng chia sẻ với các doanh nghiệp, đó là tinh thần “Đồng cam cộng khổ,” “Lợi ích hài hòa, Rủi ro chia sẻ,” “Hợp tác cùng thắng” (Win-win) giữa Chính phủ và doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí về Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ trả lời phỏng vấn của các cơ quan thông tấn, báo chí về Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, Thủ tướng đã đưa ra thông điệp chính sách hết sức quan trọng, bao gồm các biện pháp ngắn hạn và dài hạn, thể hiện cam kết và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong việc cải cách, chuyển đổi nền kinh tế và kiến tạo các cơ hội mới cho nền kinh tế Việt Nam, cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển theo hướng bền vững, bao trùm và sáng tạo.

Ba là, cuộc đối thoại hết sức cởi mở, thẳng thắn giữa nhà lãnh đạo hàng đầu của Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp quốc tế đã thể hiện niềm tin của doanh nghiệp, các nhà đầu tư đối với nền kinh tế Việt Nam, đối với triển vọng kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng niềm tin đó sẽ dẫn tới nhiều quyết định đầu tư, mở rộng đầu tư cũng như đầu tư mới tại Việt Nam trong những lĩnh vực cùng có lợi.

Tóm lại, tôi cho rằng thành công lớn nhất của Đối thoại Chiến lược quốc gia Việt Nam và WEF lần này được thể hiện ở hai chữ “niềm tin.” Đó là niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp đối với nền kinh tế Việt Nam, đối với triển vọng đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam.

Và đặc biệt, đó là niềm tin đối với Chính phủ trong nỗ lực không ngừng cải cách, đổi mới và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam để thúc đẩy hợp tác công-tư cùng có lợi giữa các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quốc tế với Chính phủ và người dân Việt Nam.

- Xin Thứ trưởng chia sẻ thêm về đánh giá của WEF và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp về triển vọng kinh tế của Việt Nam tại Đối thoại?

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ: Trước hết, như đã đề cập, sự tham dự của gần 70 nhà lãnh đạo hàng đầu của các tập đoàn kinh tế lớn toàn cầu tại Đối thoại lần này đã cho thấy sự quan tâm cũng như sự tin tưởng của WEF và cộng đồng doanh nghiệp với nền kinh tế Việt Nam.

Qua trao đổi và chia sẻ giữa các bên, Đối thoại đã cho thấy rõ những nhận định hết sức tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam. Về ngắn hạn, nhiều các đại biểu, trong đó có các nhà lãnh đạo của WEF và các tập đoàn lớn đều đánh giá cao Nghị quyết 128 của Chính phủ đã đi đúng hướng, xác định chuyển sang giai đoạn phục hồi, sản xuất kinh doanh trong điều kiện kiểm soát dịch bệnh.

Điều này sẽ tạo cơ hội cho họ trong việc phục hồi lại hoạt động kinh tế, sản xuất bình thường trở lại.

Về mặt dài hạn, WEF và các doanh nghiệp cho rằng những khó khăn vừa qua gặp phải tại Việt Nam chỉ là ngắn hạn; trong khi đó, những nền tảng triển vọng và những lợi thế của Việt Nam vẫn nổi trội và là căn bản.

Chủ tịch WEF Borge Brende (trái) và Chủ tịch điều hành và Nhà sáng lập WEF Giáo sư Klaus Schwab (giữa) cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Chủ tịch WEF Borge Brende (trái) và Chủ tịch điều hành và Nhà sáng lập WEF Giáo sư Klaus Schwab (giữa) cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Việt Nam có vị trí địa kinh tế hết sức quan trọng trong khu vực kinh tế năng động hàng đầu, là nền kinh tế có dung lượng thị trường lớn, gần 100 triệu dân, là một phần trong mạng lưới các hiệp định thương mại tự do ở khu vực và toàn cầu, có nhiều lợi thế để có thể thu hút các nhà đầu tư nước ngoài ở lại lâu dài.

Các đại biểu cho rằng định hướng phát triển của Chính phủ Việt Nam mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong Đối thoại lần này là rõ ràng, đúng hướng.

Mà qua đó, WEF và các doanh nghiệp, tập đoàn nước ngoài có thể đồng hành với Chính phủ Việt Nam trong các lĩnh vực hợp tác cùng có lợi mà họ quan tâm và muốn đầu tư nhiều hơn nữa tại Việt Nam, ví dụ như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, các giải pháp thông minh, y tế…

Hơn thế nữa, WEF và các lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng những khó khăn, thách thức ở đâu cũng có, nhưng Chính phủ Việt Nam đã thể hiện thái độ cầu thị và sẵn sàng đồng hành với các doanh nghiệp để tháo gỡ từng khó khăn, thách thức. Qua đó, Chính phủ đã giúp gây dựng được sự tin tưởng và yên tâm cho các nhà đầu tư.

Tựu chung lại, có thể thấy đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh quốc tế qua Đối thoại lần này về triển vọng kinh tế việt Nam là hết sức tích cực.

Điều này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam và các tập đoàn kinh tế nước ngoài trong thời gian tới.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết