Tiếng Việt | English

05/11/2022 - 14:53

Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 trường hợp mắc bệnh đột quỵ

Đột quỵ não đang là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng của các quốc gia. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và căn nguyên gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới.

Đột quỵ não gây ra hậu quả rất nặng nề cho nhiều gia đình và xã hội. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đột quỵ não là bệnh không lây nhiễm thường gặp. Theo con số thống kê, hàng năm Việt Nam có khoảng 200.000 ca bệnh đột quỵ, và giống như các bệnh mạn tính khác, con số này vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Phát biểu tại hội nghị đột quỵ quốc tế 2022 với chủ đề “Thách thức và cơ hội” diễn ra ngày 5/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh trong những năm gần đây, Việt Nam cũng như các nước trên Thế giới đều phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật kép, gồm các bệnh truyền nhiễm mới nổi cũng như các bệnh lưu hành và sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm. Các báo cáo khoa học hàng năm cho thấy hằng năm tỷ lệ tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm tới 74% các ca tử vong nói chung, đây là một con số rất lớn trong điều kiện kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển.

Các bệnh không lây nhiễm chính có 4 nhóm gồm: các bệnh về tim mạch (trong đó có đột quỵ, nhồi máu cơ tim, tăng huyết áp), các bệnh về ung thư, bệnh hô hấp mạn tính và đái tháo đường. Đây đều là các bệnh/nhóm bệnh gây ra những hậu quả nặng nề do tỷ lệ tử vong và tàn phế khá cao.

Giáo sư Thuấn nhấn mạnh theo Hội đột quỵ thế giới 2022, mỗi năm thế giới có hơn 12,2 triệu ca đột quỵ não mới, trong đó hơn 16% xảy ra ở người trẻ 15-49 tuổi. Về con số tử vong, mỗi năm có tới 6,5 triệu ca với hơn 6% trong số đó là người người trẻ. Con số này thật đáng báo động, vì nhóm người trẻ tuổi là lực lượng lao động chính của mỗi gia đình và xã hội.

Trước nhu cầu ngày càng cao để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do đột quỵ, đặc biệt cho nhóm đối tượng người trẻ tuổi và nhóm có thể phòng tránh, trong những năm vừa qua, chuyên ngành đột quỵ thế giới đã có những bước phát triển vượt bậc. Với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng hiện đại đã giúp chúng ta có thêm biện pháp điều trị mới, đem lại hiệu quả cao, giảm tỷ lệ tử vong cũng như tàn phế cho người bệnh.

Các chuyên gia y tế trả lời tại buổi họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Đột quỵ não đang là một vấn đề sức khoẻ cộng đồng quan trọng của các quốc gia trên thế giới. Đột quỵ não là căn nguyên gây tử vong đứng hàng thứ hai và căn nguyên gây tàn phế đứng hàng thứ ba trên toàn thế giới. Đột quỵ não gây ra hậu quả rất nặng nề cho nhiều gia đình và xã hội.

Tiếp nối những hoạt động phòng và điều trị đột quỵ đã và đang thực hiện với những kết quả đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Bạch Mai và Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) tiếp tục phối hợp với các đơn vị trên cả nước thực hiện cập nhật các kiến thức, kỹ thuật tiến bộ của các nước trên thế giới nhằm hoàn thiện hơn nữa các hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cho người bị đột quỵ.

Đặc biệt, các đơn vị cần tập trung vào việc tăng cường hợp tác quốc tế-nghiên cứu khoa học, xây dựng mạng lưới các tổ chức, chuyên gia hỗ trợ đào tạo cũng như hợp tác triển khai các nghiên cứu trong lĩnh vực đột quỵ, đặc biệt quan tâm đến điều trị đột quỵ cho người trẻ là nhóm lao động chính trong xã hội.

Các đơn vị có liên quan cần xây dựng các kế hoạch và hoạt động cụ thể nhằm nâng cao năng lực điều trị ở các tuyến; Tiếp tục bổ sung không ngừng đào tạo nhân lực chuyên ngành đột quỵ, kiện toàn mạng lưới điều trị đột quỵ trên khắp cả nước hướng tới điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh.

Hội nghị đột quỵ quốc tế năm 2022 được tổ chức với mục đích cập nhật liên tục các kiến thức mới-kỹ thuật mới trong điều trị đột quỵ để hội nhập với sự phát triển của chuyên ngành này trên thế giới.

Tỷ lệ các yếu tố nguy cơ trên nhóm bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não: (Nguồn: Bệnh viện Bạch Mai)

Hội nghị do Trường Đại học Y Dược thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp cùng Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) tổ chức với chủ đề “Thách thức và cơ hội”, trong đó gồm có hội thảo chuyên đề về “cập nhật chẩn đoán, điều trị đột quỵ và bệnh lý mạch máu não” cùng hơn 50 bài báo cáo cập nhật các kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật mới nhất từ các chuyên gia đột quỵ hàng đầu ở trong nước và trên thế giới, có tính ứng dụng thực tế lâm sàng cao.

Hội nghị cũng là dịp Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) công bố quyết định thành lập Bộ môn đột quỵ và bệnh lý mạch máu não được xây dựng trên cơ sở Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai). Đây là bộ môn đào tạo chuyên sâu về đột quỵ đầu tiên trên cả nước./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích