Tiếng Việt | English

22/04/2022 - 20:29

Món ăn, thức uống bổ phổi hỗ trợ phòng và trị COVID-19

Theo “Hướng dẫn tạm thời sử dụng y dược cổ truyền để phòng, chống dịch COVID-19” của Bộ Y tế, các món ăn, bài thuốc là một trong các phương pháp bổ trợ giúp phòng và điều trị COVID-19. Dưới đây là một số món ăn, bài thuốc tốt cho phổi giúp bổ trợ phòng và trị COVID-19 cho người thể trạng nhiệt và hàn.

Theo Hướng dẫn này, ăn uống theo thể trạng để nâng cao vệ khí. Vệ khí là do chất tinh của đồ ăn uống hóa sinh nên, là một bộ phận dương khí của cơ thể; vận chuyển nhanh, đi ngoài thành mạch, phân bố khắp toàn thân. Vệ khí phân tán ở khắp cơ thể để bảo vệ chống lại sự xâm nhập của tà khí (những vi sóng có hại từ môi trường bên ngoài).

1. Món ăn bài thuốc bổ phổi cho người thể trạng nhiệt

Thể trạng nhiệt là những người hay bị nhiệt miệng, viêm sưng đau họng, khi bị cảm thường hay sốt cao, khát nước nhiều, thích uống nước lạnh, nước tiểu thường vàng đậm, dễ táo bón.

Ở thể trạng nhiệt thì cần tránh ăn các đồ chiên, nướng, không nêm quá mặn, tránh các loại trái cây nóng như vải, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, mít, mận miền Bắc, cherry. 

Nên ăn các món salad, canh, xào nhanh, uống đủ nước. Các thức ăn bài thuốc giúp bổ phế âm, thanh nhiệt như rau sam, khổ qua, bầu, bí, củ cải trắng, cần tây, đậu xanh, trà xanh, râu bắp, cá chép, mồng tơi, dưa hấu...

Món ăn, thức uống giúp cho phổi, dành cho thể trạng nhiệt:

1.1. Trà hoa cúc

- Thành phần: Hoa cúc 10g, lá dâu tằm 10g, xuyên bối mẫu 10g, cam thảo 6g.

- Cách chế biến: 4 thành phần trên cho vào ấm, rót nước sôi ngâm 10 phút là có thể dùng.

Trà hoa cúc giúp thanh phế nhiệt.

- Công dụng: Hoa cúc sơ phong thanh nhiệt, giải độc, giúp mắt sáng; lá dâu tằm sơ phong thanh nhiệt, mát gan, giúp sáng mắt. Xuyên bối mẫu giảm ho, bình suyễn. Trà này giúp thanh phế nhiệt, giảm ho, giảm sốt.

1.2. Chưng lê đường phèn

- Thành phần: Lê 1 trái, xuyên bối mẫu 10g, đường phèn vừa đủ.

- Cách chế biến: Cho lê và xuyên bối mẫu vào chén, hấp cách thủy 1 giờ, sau đó cho thêm đường phèn vào, hấp tiếp cho tan hết đường phèn là được, ăn lê và uống nước.

- Công dụng: Lê thanh nhiệt nhuận phế, hóa đàm, bình xuyễn, xuyên bối mẫu giảm ho, bình suyễn. Món ăn này giúp thanh nhiệt hóa đàm, bình suyễn.

Chưng lê đường phèn giúp thanh nhiệt, bình suyễn.

1.3. Canh hoa mướp

- Thành phần: Thịt heo 100g, hoa mướp và lá non, hành tỏi gia vị vừa đủ.

- Cách chế biến: Xào 100g thịt với hành và tỏi, cho nước nấu sôi, sau đó cho hoa mướp và lá non vào, nêm gia vị, đợi hoa và lá mướp chín thì bắc ra.

- Công dụng: Hoa mướp tính mát, thanh nhiệt hóa đàm, giảm ho bình suyễn.

2. Món ăn bài thuốc cho người thể trạng hàn

Thể trạng hàn là những người hay sợ lạnh, dễ bị tiêu chảy hay rối loạn tiêu hóa khi ăn thức ăn lạnh, đồ uống lạnh, thích uống nước ấm, khi bị cảm thường hay rét run, ho có đờm nhiều, màu trắng.

Tạng người này tránh ăn salad, kem lạnh, nước đá, các món mang tính hàn như cà chua, cà pháo, măng, cam, chanh, dưa hấu, dừa, dưa leo, mướp... 

Nên nấu chín uống sôi, có thể dùng nhiều các món canh hầm, kho, rim, trong nấu ăn dùng nhiều hành, tỏi, nghệ, giúp tăng dương khí cho cơ thể.

Các thức ăn bài thuốc giúp ấm phổi, tăng cường dương khí gồm gừng, hành tỏi, quế, hồi, thảo quả, tiêu, tía tô, kinh giới, thịt dê.

Món ăn, thức uống giúp cho phổi, dành cho thể trạng hàn:

2.1. Trà tía tô gừng

- Thành phần: Gừng 20g, lá tía tô 10g, đường nâu (đường thẻ/mật) 1 ít.

- Cách chế biến: Gừng thái sợi, lá tía tô nghiền dập, cho vào ly nước sôi cùng với đường nâu 10 phút là có thể dùng.

- Công dụng: Gừng phát tán phong hàn, hòa vị giáng khí, lá tía tô phát biểu tán hàn, khai thông phế khí, trà tía tô giúp ôn phế, phát tán phong hàn.

Cháo hành gừng giúp phát tán phong hàn.

2.2. Cháo hành gừng

- Thành phần: Gạo 100g, gừng 10g, hành 10g.

- Cách chế biến: Nấu cháo, trước khi bắc ra cho gừng với hành xát nhuyễn, có thể ăn chung với ruốc (chà bông).

- Công dụng: Gừng với hành đều giúp phát tán phong hàn, thông dương, ôn phế.

2.3. Củ sen kho thịt

- Thành phần: Củ sen 200g, thịt ba rọi 400g, tỏi 10g, đầu hành lá 10g, tiêu đen 10g, nước mắm, dầu hào, đường, dầu ăn vừa đủ.

Củ sen kho thịt nhuận phế chỉ khái.

- Cách chế biến: Ướp thịt 15 phút với tỏi, hành, nước mắm dầu hào.

Ngâm củ sen trong nước muối loãng để giữ màu trắng.

Xào thịt với 1 chút đường cho săn lại, sau đó cho củ sen vào, thêm chút nước lọc hầm 40 phút, nêm thêm gia vị cho vừa ăn là hoàn thành.

- Công dụng: Củ sen có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, nhuận phế chỉ khái, kho chung với thịt và các gia vị nóng ấm giúp làm ấm phổi, trừ hàn khí.

Cùng với việc sử dụng các món ăn, bài thuốc giúp cho phổi, cần kết hợp với chế độ dinh dưỡng phù hợp thể trạng, các phương pháp tập thở, xoa bóp, bấm huyệt... giúp bệnh nhanh hồi phục, nâng cao chính khí, tăng cường sức khỏe./.

Theo SK&ĐS

Chia sẻ bài viết


Sản xuất bếp âu 6 họng inox giá rẻĐơn vị cung cấp Đánh Thức Sức Mạnh Cùng 7 Up uy tínKhám phá Vietnamese Food