Tiếng Việt | English

25/02/2021 - 14:44

Môn Tiếng Anh có thật sự đáng sợ?

Trong các môn học, có lẽ Toán và Tiếng Anh là 2 môn đáng sợ đối với nhiều bạn. Đây là 2 môn học có khối lượng kiến thức lớn và đòi hỏi một quá trình tích lũy kiến thức lâu dài mới có thể học tốt được, nhất là môn Tiếng Anh. Nếu chịu khó học tập, trau dồi và có phương pháp học đúng, tin rằng sẽ không có môn học nào đáng ghét hay đáng sợ cả.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Chia sẻ về môn Tiếng Anh, bạn Thùy Trang - học sinh Trường THPT Hùng Vương (TP.Tân An), cho biết mình đã được tiếp cận với tiếng Anh từ bậc tiểu học và cảm thấy thú vị với môn học này nhưng từ khi lên THCS với khối lượng kiến thức lớn, từ vựng nhiều, ngữ pháp phức tạp, nhất là chưa có kỹ năng trong nghe, nói nên từ từ cảm thấy “đuối”. Sang THPT, Trang càng thấy môn học này khó và rất “ngán” mỗi khi học tiếng Anh. Cùng tâm trạng với Thùy Trang, Quốc Tuấn - học sinh Trường THPT Nguyễn Thông (huyện Châu Thành), chia sẻ: “Cứ mỗi lần đến tiết học tiếng Anh là mình lại hồi hộp sợ cô gọi lên bảng trả bài. Mình học tiếng Anh không tốt lắm và cảm thấy khó nhất là học ngữ pháp vì có nhiều dạng câu, cách chia thì tương tự nhau. Do vốn từ ít nên mình viết đoạn văn cũng chưa được tốt. Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, mình lo nhất là môn Tiếng Anh.

So với học sinh thành thị thì học sinh nông thôn có nhiều hạn chế hơn trong việc học tiếng Anh. Học sinh thành thị được tiếp cận tiếng Anh khá sớm, ngay từ bậc mẫu giáo, các bạn nhỏ đã được làm quen với tiếng Anh qua hình ảnh, phim, nhạc. Đến bậc tiểu học, Tiếng Anh là môn học bắt buộc, các em được làm quen với tiếng Anh theo chủ đề với những câu giao tiếp thông thường và từng bước tiếp cận với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Trong khi đó, có nhiều trường tiểu học ở nông thôn chưa đưa môn Tiếng Anh vào giảng dạy, đến bậc THCS, các em mới được làm quen với môn học này. Mặt khác, việc tiếp cận các thiết bị công nghệ của học sinh nông thôn cũng hạn chế hơn nên các em ít khai thác việc học tiếng Anh qua Internet cũng ít rèn luyện được kỹ năng nghe, nói.

Một trong những điểm khiến học sinh THCS, THPT cảm thấy Tiếng Anh là môn học “khó nuốt” vì ở những cấp học trước, các em tiếp cận tiếng Anh theo kiểu “vừa học, vừa chơi” với hình ảnh minh họa sinh động, dễ hiểu, chủ yếu là những câu giao tiếp thông thường. Chương trình học tiếng Anh bậc tiểu học được chia theo những chủ đề cụ thể, chưa đặt nặng ngữ pháp, chủ yếu là tập cho các em làm quen với những kỹ năng cơ bản. Từ bậc THCS trở lên, các em phải học khối lượng từ vựng khá lớn. Với cách học thuộc lòng thông thường, nếu không thường xuyên sử dụng từ, các em sẽ nhanh quên. Bên cạnh từ vựng, học sinh phải dung nạp khối lượng ngữ pháp với nhiều mẫu câu, công thức. Việc chưa chú trọng rèn luyện những kỹ năng nghe, nói, giao tiếp là một hạn chế lớn trong cách dạy tiếng Anh trong các trường dẫn đến việc học sinh không được thực hành thường xuyên nên sẽ không nhớ lâu. Nguyên nhân của những hạn chế này do thời lượng tiết học khá ít nên giáo viên chủ yếu dạy về ngữ pháp. Bên cạnh tiếng Anh, học sinh còn phải học nhiều môn học khác nên thời gian ôn tập, rèn luyện thêm ở nhà không nhiều.

Tuy nhiên, môn Tiếng Anh thực sự không quá đáng sợ nếu các em có cách tiếp cận phù hợp. Chị Võ Thúy An (phường 1, TP.Tân An) chia sẻ: Tôi có 2 cháu học lớp 3 và lớp 6. Từ nhỏ, tôi đã khuyến khích con học tiếng Anh. Ngoài việc cho con đến trung tâm ngoại ngữ rèn luyện các kỹ năng, tôi thường mua truyện tranh tiếng Anh để con đọc. Những từ nào chưa biết, con tự tra từ điển, như thế con sẽ nhớ từ lâu hơn và học được cách sử dụng ngữ pháp từ truyện. Ngoài ra, tôi còn hướng dẫn con học tiếng Anh qua các chương trình được giới thiệu trên Internet như chương trình lồng tiếng cho phim. Ban đầu, con sẽ được xem một bộ phim hoạt hình với lời thoại tiếng Anh, sau đó tắt phần tiếng, con sẽ lồng tiếng cho nhân vật mình yêu thích. Qua đó, các con rèn luyện được khả năng nói, sử dụng ngôn từ, ngữ điệu và cả khả năng giao tiếp. Với cách học như thế, 2 con của chi Thúy An rất tự tin với môn tiếng Anh.

Học tiếng Anh thật sự cần thiết, nhất là trong thời hội nhập. Để học sinh không còn sợ môn học này và học có hiệu quả hơn, thầy cô và cha mẹ cần tạo tâm lý thoải mái, giúp các em tiếp cận tiếng Anh từ nhiều góc độ khác nhau từ phim, ảnh, truyện tranh,... để rèn luyện được nhiều kỹ năng. Khi đó, môn Tiếng Anh sẽ không còn đáng sợ./.

Hoàng Oanh

Chia sẻ bài viết