Về đánh giá tổng quát kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI, nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã nêu rõ 3 chủ thể thực hiện Nghị quyết, đó là: “...Trong bối cảnh đó, nhìn tổng quát toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành quả quan trọng…”. Tôi đề nghị bổ sung thêm trạng từ “rất”… “những thành quả rất quan trọng” để nói lên mức độ quan trọng.
Tôi tâm đắc nhất là câu: “Nền kinh tế vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quy mô và tiềm lực được nâng lên; kinh tế vĩ mô dần ổn định, lạm phát được kiểm soát;… Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và thực hiện ba đột phá chiến lược, đạt kết quả tích cực bước đầu; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa... Tôi đề nghị bổ sung là cần nêu rõ lại nội dung cụ thể của “ba đột phá chiến lược” là gì?
“Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, có hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao”. Tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "và được quốc tế thừa nhận" sau cụm từ nâng cao...
Về mục 2, nhìn lại 30 năm đổi mới (1986-2016);
Dự thảo ghi: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh…”. Theo tôi, cần bổ sung “Ba mươi năm đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo với khâu đột phá là xóa bỏ cơ chế quản lý kinh tế kế hoạch hóa chỉ huy tập trung hành chính cung cấp và bao cấp, xây dựng phương thức mới vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Dự thảo đã nêu 5 bài học, tôi cho là rất đúng đắn nhưng cần bổ sung bài học thứ sáu: “Sáu là, phải thường xuyên “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Kiên trì đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí”. Vì đây là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài, là trách nhiệm của cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị; kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng (cần học tập các nước Singapore, Nhật,…).
Bình Thủy