Lúa ngã đổ nông dân thất thu
Tăng chi phí thu hoạch
Hiện nay, toàn tỉnh còn khoảng 40.000ha lúa HT chưa thu hoạch, tập trung các huyện phía Nam và các huyện Đồng Tháp Mười. Lúa TĐ thu hoạch được khoảng 11.500ha/39.900ha. Những ngày qua, mưa giông làm lúa HT và TĐ trong giai đoạn thu hoạch bị ngã đổ. Nhiều nông dân đang “chạy” thuê nhân công để gấp rút thu hoạch lúa. Việc tìm công cắt lúa ở thời điểm này không phải dễ...
Diện tích lúa trong giai đoạn trổ chín bị ngã đổ ngày càng tăng, năng suất bị giảm cũng tăng. Việc đưa cơ giới vào thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn, hầu như không thực hiện được. Bên cạnh đó, giá nhân công tăng lên gấp đôi khiến nông dân thất thu.
Anh Nguyễn Hoài Tiến, ngụ xã Tân Lập, huyện Tân Thạnh than thở: “Còn 10 ngày nữa là thu hoạch nhưng mưa bão thế này thì thua rồi! Vụ này tưởng được mùa ai ngờ lại mất vì thời tiết thất thường. Vụ này gia đình tôi sản xuất 3ha lúa với nhiều loại giống khác nhau. Trận giông lốc mấy ngày nay làm lúa bị ngã đổ. Như vụ trước, với 3ha này, tôi thuê máy gặt hơn 4 giờ đồng hồ là xong, lúa đóng bao đưa về phơi hoặc bán trực tiếp cho lái tại ruộng. Còn vụ này, có chỗ phải cắt bằng tay vì lúa ngã xoáy, máy không cắt được. Phần nào máy cắt được thì cắt nhưng phải tốn rất nhiều giờ và chi chí lại cao hơn 100.000 đồng/công”.
Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Văn Hớn, ngụ cùng xã chia sẻ: “Gia đình tôi có hơn 4 sào đất, nhưng có 2 sào lúa ngã sát đất, còn 2 sào ngã lưng chừng. Số lúa này thuê máy gặt được với giá 330.000 - 350.000 đồng/sào (tăng thêm 100.000 đồng/sào), còn diện tích bị ngã đổ hoàn toàn không có cách nào hơn, phải cắt bằng tay. Tổng thu 1 sào lúa đạt khoảng hơn 1,5 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công làm đất,... nay lại mướn công cắt với giá hơn 400.000 đồng/sào, tính ra lỗ nặng!”.
Không riêng gì nông dân vùng Đồng Tháp Mười, vụ HT ở vùng hạ cũng bị mất mùa vì mưa giông. Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Trụ - Đoàn Văn Hoàng: “Trong những ngày mưa vừa qua, toàn huyện có khoảng trên 50ha lúa bị ngã đổ. Tuy năng suất không giảm nhưng giá bán giảm 200 - 300 đồng/kg và chi phí thu hoạch tăng thêm”.
Cắt lúa còn xanh để giảm thất thoát
Điều đáng nói, có nhiều diện tích lúa còn xanh bị ngã đổ, nông dân phải vội vàng thu hoạch để giảm thất thoát. Nhìn đám lúa 2 công đất bị ngã đổ, ông Phạm Văn Hào, ấp Bình Cang 2, xã Bình Thạnh, huyện Thủ Thừa buồn bã: "Lúa còn xanh mà ngã kiểu này thì chắc chắn tỷ lệ lép hạt cao. Nếu thời tiết thuận lợi thì 10 ngày nữa, trà lúa HT mới vào giai đoạn thu hoạch. Nhưng trận mưa giông kèm gió lớn vào những ngày qua đã khiến đám lúa chưa chín của nhà tôi, cũng như những đám lúa khác bị ngã đổ. Vì thế dù lúa chưa kịp chín vàng nhưng nông dân cũng “bấm bụng” thu hoạch sớm”.
Phải thu hoạch sớm hơn để giảm thất thoát
Còn bà Phạm Thị Hạnh cùng xã cho biết: “Lúa còn xanh nhưng không còn cách nào khác, tôi buộc phải thu hoạch. Bởi số lúa này nếu gặp trận mưa thì ngâm trong nước, lúc đó lúa lên mộng, thối, sẽ không bán được. Bên cạnh đó, giá bán giảm 200 - 500 đồng/kg, so với giá lúa hiện tại dao động từ 4.000 - 4.500 đồng/kg”.
Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Hưng - Phan Văn Nỉ cho biết: “Hiện nay, toàn huyện gieo sạ trên 7.000ha lúa TĐ 2015, đến nay thu hoạch được trên 5.000ha. Những ngày qua, mưa giông gây ảnh hưởng đến quá trình thu hoạch lúa của nông dân. Hiện toàn huyện có khoảng 15ha lúa bị ngã do mưa giông, diện tích lúa nằm rải rác các xã, không gây thiệt hại nặng”.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT - Nguyễn Thanh Truyền thông tin: “Trong xu thế khí hậu thay đổi bất thường, tỉnh bố trí lại thời vụ để tránh lũ lụt, giảm thiệt hại cho nông dân. Còn tình trạng giông lốc xuất hiện, lúa đổ ngã thì rất khó dự báo. Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh tuyển chọn những giống lúa có đặc điểm cứng cây để đưa vào sản xuất, tuy nhiên vẫn không tránh được tình trạng trên. Sở sẽ chỉ đạo các huyện hướng dẫn nông dân thu hoạch lúa, giảm thiểu tối đa thất thoát”./.
Lê Huỳnh-Thanh Mỹ