Tiếng Việt | English

06/09/2024 - 09:49

Mùa nước nổi 'săn' cá đồng cùng nông dân

Anh Nguyễn Văn Sang giăng lưới trên cánh đồng đã ngập nước tại ấp Cả Bát, xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng

9 giờ sáng, bỏ mấy tay lưới xuống vỏ lãi, anh Nguyễn Văn Sang (xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) hối tôi: "Lẹ lẹ lên, chút nắng gắt là da cháy đen bây giờ. Người thành phố hay sợ đen chứ nông dân như tụi tui sợ gì nữa!". Anh cười giòn tan, còn tôi luống cuống bước xuống vỏ lãi.

Cuối tháng 7 Âm lịch, nước mấp mé đầu nguồn, lúc rảnh rỗi, anh Sang chạy vỏ lãi ra đồng giăng vài tay lưới, kiếm ít cá đồng về ăn. Mấy năm nay nước ít, cá, tôm cũng ít theo, dân đi giăng lưới như anh Sang không "có ăn" như những năm trước nhưng quen rồi, cứ nước về là người dân vùng nước nổi lại chuẩn bị lờ, lọp, vài tay lưới để đi giăng cá, không có nhiều thì cũng đủ bữa cơm.

Chiếc vỏ lãi lướt nhẹ trên con kênh Trung Ương được chừng 5 phút, đến ngã ba, anh Sang rẽ trái, vượt qua cửa cống đã được mở để vào nội đồng ấp Cả Bát, bắt đầu buổi giăng lưới. Theo anh Sang, đây là khu vực trũng, nước nhiều nên có thể giăng lưới, còn những nơi khác nước chưa quá đầu gối nên không thể giăng, mà có giăng thì cũng không có cá.

Đến điểm giăng lưới, anh Sang mở tay lưới đã chuẩn bị sẵn rồi ném một đầu tay lưới đã được cột chặt vào cái chai nhỏ xuống nước, tay anh mở lưới, chân thì đạp nước để chiếc vỏ lãi di chuyển. Tôi chỉ ngồi im trên chiếc vỏ lãi chòng chành.

Vừa thả lưới, anh Sang vừa kể, anh là Việt kiều Campuchia, từ nhỏ đã sống bên nước bạn, đến năm 2000 thì trở về An Giang lập gia đình rồi chuyển về sống tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưng gần 20 năm nay. Mùa cạn, anh theo máy gặt đập liên hợp để bốc vác, mùa nước thì về nhà giăng lưới, cắt lục bình để bán kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Gắn bó với miền sông nước gần 20 năm, anh vẫn không có đất sản xuất, nền nhà mà gia đình đang ở cũng là của Nhà nước cho ở tạm.

Gần 20 năm ở Vĩnh Thạnh cũng là chừng ấy năm anh Sang "bén duyên" nghề giăng lưới. Ở vùng này thì mùa nước nổi thường bắt đầu từ cuối tháng 7 và kết thúc vào cuối tháng 10 Âm lịch. Lúc này, nước lên cao, cá, tôm về nhiều.

Khoảng thời gian trước năm 2010, giăng lưới được xem là nghề "hái ra tiền", có ngày anh Sang giăng được vài chục kilôgam cá. Qua mỗi mùa nước nổi, anh "bỏ túi" sơ sơ cũng 60-80 triệu đồng. Còn những năm gần đây, nước ít, cá, tôm cũng không còn nhiều như trước nên có ngày giăng lưới từ tối hôm trước đến trưa hôm sau cũng chỉ được vài kilôgam cá, chỉ đủ ăn, không có để bán.

Giăng liên tiếp 2 tay lưới (mỗi tay dài khoảng 60m), anh Sang quyết định quay lại thăm lưới, thi thoảng một vài chiếc vỏ lãi, xuồng máy đi ngang í ới hỏi: “Có cá không?”, anh Sang nói với theo: “Chắc đủ bữa cơm trưa!”.

Nhiều người dân cũng đã bắt đầu đặt lú, đặt dớn để bắt cá mùa lũ

Một vài con cá linh, cá rô, cá mè,... to cỡ 2-3 ngón tay dính lưới. Anh Sang từ từ tháo các mắt lưới: "Gặp cá rô dính lưới phải gỡ từ từ. Cá rô nhiều vây, gỡ mạnh, lưới dễ bị rách, còn xước tay. Ở đây, nhiều dân chuyên nghiệp giăng lưới là bàn tay chi chít những vết xước”.

Gần 30 phút sau, anh Sang thăm xong 2 tay lưới, thu được hơn 2kg cá (cá linh, cá rô, cá sặt) và cua đồng. Anh cho biết, thời điểm giăng lưới lý tưởng là gần sáng hoặc cuối chiều. Người dân ở đây thường giăng lưới vào 4 giờ đến 7 giờ sáng thăm lưới hoặc chiều từ 3 đến 5 giờ. Còn thời điểm này đã gần trưa nên cá không nhiều.

Quay vỏ lãi đưa tôi về, anh Sang nhìn lại cánh đồng nước như chọn chỗ để chiều quay lại giăng lưới. Anh Sang nói: “Nghề giăng lưới, đặt dớn, đặt lú,... chủ yếu nhờ mùa nước nổi nhưng những năm gần đây nước ít quá, có cá, tôm gì đâu, không biết mấy năm nữa nghề này có còn tồn tại không. Thôi thì nước về đem phù sa, sản vật thiên nhiên đến đâu thì người dân mừng
đến đó!”.

Chia tay anh Sang, rời vùng nước nổi đầu mùa, tôi mang theo bao nỗi trăn trở và cả những hoài niệm của những người dân làm nghề giăng lưới về một mùa lũ đẹp đã qua./.

Bùi Tùng

Chia sẻ bài viết


Hồ cá mini thuỷ sinh để bàn hồ cá mini thuỷ sinh