Minh họa: HữU PHƯƠNG
Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, tôi lại nghe tiếng lòng thổn thức với những trận đánh diễn ra vào đêm mùng 4 và 5 tháng 2-1970. Đó là mùa xuân ảm đạm nhất của đơn vị tại kênh 62, xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Hàng trăm cán bộ và chiến sĩ hy sinh trong trận chiến này, nỗi ám ảnh về những đồng đội vẫn luôn đeo đẳng theo tôi trong suốt cuộc đời, có lẽ, đến khi tôi trở về với cát bụi vẫn không thể nào phai.
Tiểu đoàn 7 và các đại đội trực thuộc EBB88 Quân khu 8 (nay là Quân khu 7), cương vị của tôi lúc này là Tiểu đoàn phó tiền trạm đi trước chuẩn bị chiến trường từ tháng 10-1969 nhằm tăng cường lực lượng cho chiến trường Trung Nam bộ. EBB88 trực thuộc Quân khu 8 đóng quân ở Biên giới Tà Lu, xóm Phố, Long Khốt, 90% cán bộ, chiến sĩ quê ở miền Bắc, nay xuống chiến trường Nam bộ phải giữ bí mật cao. Khi hành quân xuống chiến trường phải chọn thời cơ, thời điểm để cổ động lực lượng.
Thời cơ lúc này là đêm 30, rạng sáng ngày mùng 1 Tết Cổ truyền năm 1970, đó là dịp cả hai bên tham chiến đều có tư tưởng vui xuân. Địa điểm là vùng 4 Kiến Tường (huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An ngày nay), địa điểm đi từ biên giới Campuchia qua Đồng Tháp Mười. Chiến trường mới, chưa thuộc địa hình vì quá khác với chiến trường miền Đông Nam bộ, chúng tôi không thể phân tán đội hình mà buộc phải hành quân tập trung do du kích của tỉnh Long An dẫn đường.
Đêm 30 tết, Tiểu đoàn 7 và các đơn vị trực thuộc EBB88 rời biên giới về với miền đất Tổ quốc thân yêu để chuẩn bị chiến đấu, vừa đặt chân lên mảnh đất quê hương, lòng ai cũng cồn cào niềm vui xen lẫn nỗi lo khó tả. Đội hình hành quân vừa đi bộ, vừa phải lội qua nhiều kênh, rạch của Đồng Tháp Mười, chúng tôi phải bám sát vào nhau cho khỏi lạc đội hình. Từng đại đội hành quân kéo dài hàng kilômét nên tính chất bí mật về ngụy trang không còn bảo đảm nữa.
Trong khi đó, trên không, máy bay trinh sát L19 bay quần dọc biên giới quan sát Đồng Tháp Mười và phát hiện đội hình hành quân của ta đang di chuyển từ biên giới về. Bởi lúc này bước sang mùa khô, người dân gặt lúa xong và trên cánh đồng Tháp Mười chỉ còn gốc rạ, lác đác đâu đó lưa thưa vài rặng trâm bầu để dân trú nắng. Bùn nước chưa khô, bước hành quân đặc quánh sình lầy nên dấu chân của bộ đội để lại kéo dài hàng chục kilômét còn in khá rõ.
Khi L19 phát hiện lực lượng của ta, quân địch ra lệnh cho Liên đoàn Biệt động quân 31 là lính phòng thủ biên giới và một phần lực lượng của Sư đoàn 7 ngụy từ Mỹ Tho lên tấn công ngay vào ngày mùng 1 tết. Tại kênh 62, xã Vĩnh Đại, gần kênh Ngang thuộc huyện Tân Thạnh, là nơi đến cuối cùng của đơn vị. Có thể nói, đó là hậu cứ của ta, và cách nơi đó không xa, nhưng do bị tấn công bất ngờ, lực lượng ta lại không am hiểu địa hình, không phân tán lực lượng được, cứ bám vào nhau mà chiến đấu.
Cuộc chiến không cân sức diễn ra, địch thì có phi pháo, kết hợp đổ bộ trực thăng vận và xe cơ giới. Trận này, ta bị thương vong rất cao. Hơn 200 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, đây là tổn thất vô cùng lớn lao đối với EBB88 sau trận Đức Vinh ở Tây Nguyên và trận Phước Quả ở Phước Long, nay là tỉnh Bình Phước.
Ngày mùng 2, mùng 3 tết, nhân dân xã Vĩnh Đại và đơn vị, trong đó có tôi, cùng đi thu dọn thân xác đồng đội nằm rải rác ở trên cánh đồng lúa chín còn đang gặt dở.
Đồng bào bê từng thi hài bộ đội cho vào tấm nylon vừa khóc, vừa nói: “Các con ở Hà Nội vào giải phóng quê hương của ba má, hôm nay là tết mà các con không được hưởng mùa xuân, các con đã hy sinh. Các con ra đi, ba má, bà con ở đây sẽ chăm lo phần mộ, chờ đến ngày hòa bình sẽ đưa về Hà Nội sum họp với gia đình”.
Bấy nhiêu năm trôi qua, kể từ ngày các anh ngã xuống mảnh đất này, hằng năm, cứ vào Ngày Thương binh Liệt sĩ 27-7, nhân dân xã Vĩnh Đại tổ chức tưởng niệm tại kênh 62 dưới sự chủ trì của Đảng ủy, UBND xã Vĩnh Đại và làm đám giỗ chung cho hơn 200 cán bộ, chiến sĩ DB7/EBB88 đã hy sinh. Đó là khu đất của ông Bảy Quang, ba vợ của Trung tướng Trần Đơn - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Ông Bảy Quang hiến khu đất 5.000m2 cho địa phương để làm nhà tưởng niệm thờ cúng tất cả các chiến sĩ hy sinh.
Năm 1990 đến 1999, Quân khu 7 và địa phương quy tập các anh về Nghĩa trang Tân Thạnh, đây là nơi yên nghỉ ngàn thu thoáng mát, khang trang. 20 năm nay, năm nào cũng có người thân từ miền Bắc vào tìm các anh, mỗi lần thân nhân gia đình liệt sĩ tìm về nơi đây, họ đều đến tìm tôi. Nghiễm nhiên, tôi trở thành người dẫn đường tìm mộ liệt sĩ. Hiện nay, vẫn còn nhiều tấm bia chưa có tên liệt sĩ cụ thể. Nằm nơi đây, chắc các anh cũng đang chờ người thân khi mỗi độ tết đến, xuân về,...
Nghiêng mình kính cẩn, tôi thắp nén nhang thơm và đặt vòng hoa lên ngôi mộ các anh, những ngôi mộ có tên và những ngôi mộ chưa có tên. Nhìn những cánh hoa lung linh trước gió, tôi nghe tim mình thổn thức, nhói đau. Đồng đội ơi, nơi cõi vĩnh hằng, xin các anh yên nghỉ, sự hy sinh của đồng đội để cho mùa xuân của Tổ quốc mãi mãi bất tận và trường tồn... |
Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ (nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7)