Tiếng Việt | English

06/02/2016 - 15:01

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ: Chiến đấu cả thời chiến lẫn thời bình

Từng vào sinh ra tử tại chiến trường, từng trải qua biết bao năm tháng khốc liệt của 3 cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, giờ đây, anh Bộ đội Cụ Hồ năm nào tóc đã pha sương. Khép lại hành trang cuộc đời đẫm mùi đạn bom, lửa khói, người lính năm xưa lại một lần nữa vững lòng “chiến đấu” trên một mặt trận mới: Đấu tranh đòi lại công bằng, lẽ phải vì những nạn nhân chất độc da cam,...

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ viếng bia liệt sĩ tại chiến trường xưa (xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng)

Sống mãi với ký ức hào hùng

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ - nguyên Tham mưu trưởng Quân khu 7, từng chỉ huy trực tiếp chiến đấu trên các chiến trường ác liệt của 3 cuộc chiến tranh: Chống Mỹ, biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Có lẽ với ông, cả cuộc đời mình, ông vẫn không thể nào quên quãng thời gian chinh chiến đầy khốc liệt ngày ấy. Một vị tướng già, người con xứ Bắc, ấy vậy mà tính cách, chất giọng của ông lại hào sảng như một anh nông dân Nam bộ “rặt”. Không “rặt” sao được, khi trong cả cuộc đời binh nghiệp của mình, ông sống, chiến đấu tại chiến trường miền Nam, từ Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Sài Gòn, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp,...

Riêng với mảnh đất Long An "Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc", ông cũng là một trong những người góp phần tô đậm 8 chữ vàng sắt son cho quê hương có đôi dòng Vàm Cỏ. Hơn 6 năm gắn bó cùng quân, dân Long An, với ông, mỗi tấc đất, ngọn cây, nơi nào cũng đong đầy kỷ niệm, chốn nào cũng thấm đẫm máu xương đồng chí, đồng đội.

Dù tuổi đời cao nhưng trái tim ông lúc nào cũng đau đáu nhớ về những người mẹ, người anh, người chị cùng ông vào sinh ra tử năm xưa. Vẫn chất giọng hào sảng, vang vang đầy khí phách, nhưng khi nhắc về nguồn gốc cái tên “Tám Thổ” của mình - cái tên được Má Tư Bún, người mẹ có 2 con la liệt sĩ ở Tiền Giang, ông nhớ như in lời má: “Mày giống thằng Tám Phước con của má, là Xã đội trưởng Mỹ Trung đã hy sinh, bây giờ, má nhận con là con nuôi và đặt cho con thứ tám” - câu nói rất đỗi bình dân của một ba mẹ quê nhưng chan chứa yêu thương ấy mà ông vẫn nhớ hoài và khắc ghi cái tên Tám Thổ. Với ông, cái tên bình dị ấy cũng vinh dự như bao danh hiệu vẻ vang mà cuộc đời ông có được.

Cả cuộc đời binh nghiệp lắm hiểm nguy, gian khó và cũng không ít vinh quang ấy, ông trải qua 11 lần bị thương, trong đó, có đến 3 lần đồng đội chuẩn bị tẩn liệm thì bất ngờ ông lại hồi tỉnh. Cũng chẳng biết điều kỳ diệu này xuất phát từ đâu, nhưng có lẽ, tự trong tâm thức, ông quyết tâm rằng mình phải sống, sống để tiếp tục chiến đấu, sống để báo ơn đồng bào và sống để bảo vệ quê hương!

Đau đáu cùng nỗi đau da cam

Khi được hỏi về những vết thương chiến tranh còn sót lại, vị tướng già nhìn tôi trìu mến rồi chỉ cho tôi xem một vết hõm rất sâu trong ngực. 11 lần bị thương, chắc chắn rằng, những vết tích còn sót lại của một thời chinh chiến vẫn còn nhức nhối ngày đêm trên thân thể. Nhưng với ông, vết đau ấy chẳng đáng là gì, mình còn sống, còn nhìn thấy đất nước thanh bình là một niềm hạnh phúc so với bao đồng đội, đồng bào đã ngã xuống.

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ thường xuyên cùng các mạnh thường quân đến thăm, tặng quà cho gia đình các nạn nhân chất độc da cam/đioxin, hộ nghèo tại các địa phương trước đây ông từng được cưu mang, đùm bọc

Chiến tranh lùi xa, những vết thương thời trai trẻ dù có đau buốt lúc trái gió, trở trời cũng không thể nào “đau” bằng nỗi đau khi nhìn thấy các thế hệ con cháu của đồng đội mình, của những người hy sinh vì Tổ quốc lại chịu cảnh tật nguyền, đau ốm triền miên hay không thể tỉnh táo mà nhìn đời, mà sống trọn một cuộc sống như bao người bình thường khác!

Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ hiện là Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin TP.HCM. Nếu có ai hỏi bất cứ một thông tin nào về những nạn nhân chất độc da cam/đioxin, ông có thể thao thao bất tuyệt những thông tin, số liệu mà ở cái tuổi thất thập này, mấy ai nhớ được như thế. Có chăng, đó là do mỗi ngày ông đều đọc sách, nghiên cứu, thu thập tài liệu, cập nhật liên tục thông tin, bằng chứng để đòi quyền lợi cho những nạn nhân chiến tranh còn phải chịu cảnh bất công trên đất nước mình.

“Trong cuộc chiến tranh tại chiến trường miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ rải trên 86 triệu lít chất khai hoang trên 24.000 xóm, làng toàn miền Nam. Trong đó, có 61% là chứa chất độc hóa học da cam; 336kg chất đioxin loại cực độc mà 1 gam đioxin hòa trong nước có thể giết chết 1 triệu người cùng lúc. Tổng số chất hóa học mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam tương đương với 51 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945. Hiện tại, dân tộc ta có hơn 4,8 triệu người bị nhiễm và phơi nhiễm, trong đó, có 3 triệu người đi lại rất khó khăn. Là một sĩ quan quân đội trực tiếp tham gia chiến đấu tại chiến trường miền Nam từ Tây Nguyên cho đến miền Tây Nam bộ, tôi hiểu nỗi đau của những nạn nhân da cam như người thân của mình” - ông xúc động.

Ông chia sẻ: “Hiện nay, nạn nhân da cam đã sang thế hệ thứ 3, từ đời ông bà, cha mẹ đến con cái. Trong khi đó, những người gây ra hậu quả này - quân đội Mỹ và những công ty hóa chất của Mỹ - vẫn chưa có một động thái nào để trả lại công lý cho nạn nhân da cam tại Việt Nam. Cựu binh Mỹ - những người gây ra thảm họa này cũng chịu ảnh hưởng từ chất độc da cam thì hằng năm lại được chi trả 1,5 tỉ USD để nuôi dưỡng họ mà nhân dân Việt Nam lại chẳng được gì. Chúng tôi nhiều lần đưa đơn kiện các công ty hóa chất này nhưng đều bị phía Mỹ từ chối, trong đó, mới nhất là lần thứ 4 (tháng 12-2015). Do đó, còn sức khỏe, còn đủ minh mẫn ngày nào, tôi vẫn tiếp tục cùng Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam đấu tranh giành công lý”.

Đôi mắt vị tướng già càng đăm chiêu hơn khi kể về những trường hợp nhìn thấy các nạn nhân da cam Việt Nam đang sống một cuộc sống vô cùng khó khăn, đau đớn; những em nhỏ tật nguyền, những người bị ung thư, tâm thần, mù lòa, câm điếc,...

Thậm chí, có những người ngày trước từng ở phía bên kia chiến tuyến, từng lái máy bay rải chất độc hóa học cho quân đội Mỹ cũng đang gánh chịu hậu quả do mình trực tiếp gây ra. Với Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, những người ấy cũng là nạn nhân của chiến tranh, ông vẫn nhìn họ với cái nhìn bao dung, vị tha, và ông vẫn miệt mài trên con đường đòi lại công bằng, lẽ phải.

Dẫu biết rằng, sự sống và cái chết rất mong manh, dẫu vết thương chiến tranh hay những nỗi đau trong ký ức vẫn còn đeo đẳng, ám ảnh vị tướng già trong suốt quãng đời từ khi còn trai trẻ đến lúc bạc đầu. Thế nhưng, trái tim của một người theo con đường binh nghiệp dũng cảm, gan dạ luôn kìm nén đau thương trong thời chiến, lại rơi nước mắt khi nhìn thấy cảnh tật nguyền, đau đớn của các thế hệ nhiễm chất độc hóa học đioxin trong thời bình.

Những tưởng đất nước thanh bình, bom đạn chiến tranh chỉ còn là quá khứ, ấy vậy mà, cuộc chiến ấy vẫn chưa kết thúc, nó sẽ còn kéo dài cho đến khi những nạn nhân chất độc da cam/đioxin Việt Nam giành được công bằng. Và lẽ tất nhiên, đôi chân, khối óc của vị tướng già ấy sẽ không bao giờ chùn bước, vẫn sáng rực niềm tin, ý chí như anh chiến sĩ trẻ ngày nào, sẵn sàng tiếp tục lên đường "hành quân" vì quyền lợi của những thế hệ nạn nhân chất độc da cam./.

Phạm Ngân

Chia sẻ bài viết