Khởi sự doanh nghiệp - cần gì?
Phát biểu tại Chương trình Khởi sự doanh nghiệp (gọi tắt là chương trình), Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp (DN), gần đây nhất, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, hiện Quốc hội cũng xem xét, thông qua Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Lãnh đạo tỉnh, doanh nhân thành đạt cùng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các bạn trẻ
Trên tinh thần đó, tỉnh Long An luôn tạo mọi điều kiện để ươm mầm, phát triển DN trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, DN và đội ngũ doanh nhân tỉnh Long An có bước phát triển mạnh cả về số lượng lẫn quy mô, đóng góp tích cực vào thành tựu tăng trưởng, góp phần thúc đẩy KT-XH phát triển, làm thay đổi diện mạo của tỉnh; giải quyết lực lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, đóng góp vào ngân sách, nâng cao năng lực xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Tại chương trình, các chuyên gia kinh tế, doanh nhân thành đạt chia sẻ với đại biểu là các bạn đoàn viên, thanh niên đến từ nhiều địa phương trong tỉnh, các DN vừa bắt đầu khởi nghiệp nhiều vấn đề, trong đó, tập trung: Khi khởi sự DN, phải cần gì?
Vấn đề này, Giám đốc Trung tâm Phát triển, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM - Nguyễn Hùng Phong chia sẻ: “Khởi nghiệp kinh doanh là hoạt động luôn được thúc đẩy tại các quốc gia, ngay cả những quốc gia đã phát triển. Sự phát triển của các DN khởi nghiệp sáng tạo và đổi mới, giúp tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, đổi mới công nghệ,...
Muốn thực hiện điều đó, những thanh niên mong muốn khởi nghiệp cần phát triển tư duy sáng tạo. Tư duy này cho phép họ đưa ra các ý tưởng về sản phẩm hay dịch vụ mới, cách sử dụng mới của những sản phẩm hiện hữu, có như vậy, mới tạo ra thị trường mới.
Tư duy sáng tạo chỉ giúp hình thành ý tưởng nhưng đổi mới chính là quá trình biến ý tưởng thành hiện thực, kết quả của sự đổi mới chính là các sản phẩm hay dịch vụ mới. Đặc biệt hơn, nhà khởi nghiệp cần phải thương mại hóa sản phẩm hay dịch vụ trên thị trường thông qua đánh giá tính khả thi của sản phẩm hay dịch vụ (khả thi về công nghệ, tài chính, thị trường)”.
Doanh nhân Võ Quốc Thắng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đồng Tâm, kể về quá trình trở thành doanh nhân của mình. Theo đó, ông gặp không ít gian nan, cực khổ. Nhắn gửi cùng các bạn trẻ, ông nói: “Các bạn trẻ ngày nay có điều kiện tốt hơn những người đi trước, bởi Chính phủ tạo nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ DN. Để thành công, các bạn cần nuôi dưỡng ước mơ và nỗ lực trong hành trình thực hiện ước mơ”.
Cũng theo ông, mấy mươi năm làm chủ DN, bài học lớn nhất mà ông rút ra cho mình và chuyên tâm thực hiện gói gọn ở 7 con chữ: Tâm - Kiên - Khiêm - Đam mê - Hy sinh”. Đồng thời, ông Thắng cũng nhắn nhủ các bạn trẻ, muốn thành công trong khởi nghiệp cũng cần có kiến thức xã hội,... Đó là những điều thực tế nhất, gần gũi nhất, đời thường nhất để khởi nghiệp thành công.
Cần hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp
Hiện nay, phần lớn DN trên địa bàn tỉnh có xuất phát điểm và năng lực nội tại còn thấp, với quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, trình độ công nghệ của DN thấp, lạc hậu, đổi mới chậm; trình độ quản trị, năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm chưa thật sự tốt nên sức cạnh tranh thấp.
Các bạn trẻ tham gia chương trình Khởi sự Doanh nghiệp 2017
Vì vậy, số lượng DN thành lập mới nhiều nhưng số DN giải thể cũng không ít. Tuy nhiên, các bạn trẻ hiện nay có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để khởi nghiệp trong điều kiện toàn cầu hóa. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lực lượng thanh niên, xem việc chăm lo phát triển thanh niên vừa là mục tiêu, vừa là động lực bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Trả lời câu hỏi mà nhiều bạn trẻ đặt ra tại chương trình: Khi có mô hình, có ý tưởng kinh doanh, thanh niên cần chuẩn bị gì để khởi nghiệp?
Theo Phó Trưởng ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM - Từ Minh Thiện: Khi khởi nghiệp và bắt đầu kinh doanh, các bạn trẻ cần quan tâm sự khác biệt trong từng sản phẩm do mình làm ra. Đó có thể là sự khác biệt về chất lượng, hình dáng. Hiện nay, tại ban quản lý có thực hiện chương trình Ươm tạo DN.
Khi tham gia chương trình ươm tạo, DN sẽ nhận được những sự hỗ trợ đầy đủ về hệ thống trang thiết bị, phòng thí nghiệm phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực ươm tạo, các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, các khóa đào tạo về quản lý và nhân sự cho DN. Ngoài ra, các bạn trẻ cũng cần chú ý đến thị trường tiêu thụ; sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng về thủ tục hành chính; hỗ trợ công nghệ, tiêu chuẩn chất lượng; hạ tầng kỹ thuật; nhân lực hỗ trợ;...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Được cho biết thêm, tùy theo lĩnh vực, ngành nghề mà thanh niên xác định sẽ khởi nghiệp, từ đó, liên hệ các cơ quan chuyên môn của tỉnh để được hỗ trợ. Thanh niên có thể liên hệ Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh hoặc Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Hỗ trợ DN nhỏ và vừa thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư để được hướng dẫn chi tiết, cụ thể các thủ tục cần thiết - hoàn toàn miễn phí, để bắt đầu thành lập DN.
Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đang triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa và đổi mới công nghệ đối với DN nhỏ và vừa theo Quyết định 63/2014/QĐ-UBND, ngày 31/12/2014 của UBND tỉnh. Sở Công Thương cũng thường xuyên triển khai chính sách khuyến công, hỗ trợ kinh phí không hoàn lại cho các DN mới thành lập để đầu tư trang thiết bị hoặc đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đặc biệt, sau chương trình hôm nay, lãnh đạo tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng các ngành chức năng của tỉnh phối hợp các cơ quan chức năng, tổ chức và các chuyên gia đề xuất thành lập tổ chức mô hình khởi nghiệp (Vườn ươm DN). Có thể nói, chương trình được diễn ra trong thời điểm hết sức thuận lợi, bởi trên địa bàn tỉnh hiện có rất nhiều mô hình khởi nghiệp từ nhỏ cho đến lớn như mô hình ươm cá giống của một bạn trẻ đến từ huyện Thủ Thừa, ý tưởng kinh doanh chuỗi thực phẩm chay của một bạn trẻ ở TP. Tân An,...
Kết thúc chương trình, nhiều bạn trẻ rất hào hứng và cho biết, quyết tâm thực hiện ý tưởng của mình thông qua những chia sẻ từ những người đi trước. Hy vọng rằng, thời gian tới, với lòng quyết tâm, tinh thần dám nghĩ, dám làm, sẽ có nhiều thanh niên khởi nghiệp, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Đây cũng là một trong những đề án khởi nghiệp của tỉnh đến năm 2020 và sau năm 2020 trong kế hoạch triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có gần 9.000 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký trên 208.000 tỉ đồng và có 841 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với số vốn đăng ký trên 5.400 triệu USD. Tính theo dân số, năm 2005, Long An có 1 doanh nghiệp /684 người dân, năm 2010 có 1 doanh nghiệp /420 người dân, năm 2015 có 1 doanh nghiệp /243 người dân. Và hiện nay, có 1 doanh nghiệp /166 người dân./. |
Mai Hương