Quan tâm đời sống người dân
Về xã Mỹ Thạnh Tây những ngày này, chúng tôi cảm nhận được không khí thi đua sôi nổi, sự đồng thuận cao của chính quyền và người dân địa phương để hoàn thành các TC chưa đạt trong Bộ TC Quốc gia về xây dựng NTM. Khi bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, xã có xuất phát điểm thấp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ chưa phát triển.
Xã Mỹ Thạnh Tây hiện có 2/3 trường học đạt chuẩn quốc gia
Để giải “bài toán” khó ấy, cấp ủy, chính quyền, MTTQ xã và các tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để từng cán bộ, đảng viên và người dân nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, trách nhiệm của mình trong xây dựng NTM. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thạnh Tây - Huỳnh Văn Cứng cho biết: “Nâng cao đời sống người dân là yêu cầu quan trọng nhất trong xây dựng NTM. Chính vì thế, xã tích cực triển khai nhiều giải pháp, sử dụng hiệu quả nguồn vốn được hỗ trợ cùng với những cách làm sáng tạo, hiệu quả, thành lập các mô hình phát triển kinh tế. Qua đó, tạo việc làm cho người lao động, từng bước nâng cao đời sống của người dân”.
Được sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, huyện, sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và người dân, đến nay, xã triển khai, thực hiện chương trình xây dựng NTM đạt nhiều kết quả tích cực. Việc quy hoạch sử dụng đất sản xuất theo từng vùng bước đầu phù hợp kế hoạch chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi. Kết cấu hạ tầng phát triển, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống của người dân nông thôn.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, nhiều công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn xã như trường học, đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa ấp, kênh, mương nội đồng,... được đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó, xã thực hiện hiệu quả công tác xã hội hóa để đầu tư các hạng mục công trình, góp phần nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia như hệ thống cây xanh, hồ bơi, nước lọc, trang thiết bị dạy học,... Hiện xã có 2/3 trường đạt chuẩn quốc gia, còn lại Trường Mầm non Ánh Dương đang được đầu tư xây dựng các phòng chức năng, dự kiến hoàn thành trong tháng 4/2022.
Nhằm nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, xã tập trung thực hiện TC cơ sở vật chất văn hóa theo nguyên tắc: Nội dung nào dễ, ít vốn làm trước, khó, nhiều vốn làm sau; nơi nào được sự đồng thuận của người dân thì làm trước; không đầu tư dàn trải mà triển khai các nội dung, kế hoạch theo thứ tự ưu tiên. Theo đó, xã thành lập Ban Vận động xây dựng ấp văn hóa để vận động người dân thực hiện tốt các nội dung xây dựng xã văn hóa - NTM, tích cực tham gia các phong trào thể dục - thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ,...
Bà Trương Thị Manh (ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Thạnh Tây) chia sẻ: “Là người sinh ra và gắn bó với quê hương, tôi rất phấn khởi khi diện mạo xã ngày càng khởi sắc, văn minh hơn, đời sống văn hóa được đổi mới. Người dân chúng tôi được tiếp cận nhiều hơn, gần hơn các dịch vụ công, môi trường sống được cải thiện và hơn hết là đời sống vật chất của người dân ngày càng nâng cao”.
Quyết liệt hoàn thành
Đến nay, xã thực hiện đạt 17/19 TC. Với phương châm yếu chỗ nào tập trung thực hiện chỗ đó, xã nỗ lực hoàn thành 2 TC còn lại (TC giao thông và thu nhập) trước tháng 6/2022 để “về đích” đúng hẹn. Ông Huỳnh Văn Cứng cho biết thêm: “Theo quy hoạch, xã dự kiến thực hiện 61 công trình, với tổng chiều dài 125,2km, đến nay đã thực hiện 48 công trình với chiều dài 86km. Để hoàn thành mục tiêu “về đích” NTM trong năm nay, xã tập trung huy động kinh phí từ các nguồn ngân sách, xã hội hóa và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 13 công trình còn lại”.
Nhiều tuyến đường được xây dựng khang trang, sạch đẹp, tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại và giao thương hàng hóa
TC thu nhập được xã tập trung thực hiện. Xã có 90% hộ dân chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, xã đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh những cây trồng, vật nuôi truyền thống, xã chỉ đạo các đoàn thể vận động hội viên, đoàn viên, nông dân hưởng ứng việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình sản xuất hiệu quả hơn như chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, trồng cây ăn trái, dưa hấu,...
Song song đó, xã tạo điều kiện giúp người dân tiếp cận các nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để người dân đầu tư vào sản xuất, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Hiện trên địa bàn xã có 4 tổ hợp tác chăn nuôi bò và 1 hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thủy sản hoạt động hiệu quả. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 41,45 triệu đồng/năm.
Từ một xã vùng sâu, vùng biên giới của huyện, Mỹ Thạnh Tây ngày nay đã “thay da, đổi thịt”. Đây là “quả ngọt” và cũng là động lực để xã tiếp tục phấn đấu trong thời gian tới. Tin rằng, với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và người dân, xã Mỹ Thạnh Tây “về đích” NTM đúng hẹn./.
Huỳnh Hương