Học sinh bước vào chương trình học chính thức của năm học mới
PV: Thưa ông, năm học mới này ngành GD&ĐT đề ra những phương hướng, nhiệm vụ gì?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Phát huy những kết quả năm học 2015-2016, trong năm học 2016-2017, ngành tiếp tục tăng cường kỷ cương, nền nếp từ cơ sở giáo dục mầm non đến bậc phổ thông nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh.
Đối với giáo dục mầm non, ngành tiến hành rà soát, điều chỉnh và tăng cường các điều kiện nhằm nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện đổi mới hoạt động giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tăng cường hoạt động vui chơi và các hoạt động trải nghiệm, khám phá cho trẻ, chú trọng hình thành các thói quen phù hợp với độ tuổi của trẻ; tích cực hỗ trợ thực hiện chương trình giáo dục mầm non ở vùng khó khăn.
Ngành tiếp tục thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp, đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; chú trọng dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia và dạy học 2 buổi/ngày.
Với giáo dục phổ thông, ngành thực hiện chỉ đạo giảm tải chương trình giáo dục phổ thông; thực hiện hiệu quả các phương pháp, hình thức và kỹ thuật dạy học tích cực; tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn và chú trọng trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học của học sinh.
Đối với giáo dục thường xuyên, ngành tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020", "Xóa mù chữ đến năm 2020"; mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề và tổ chức thực hiện chương trình giáo dục khởi nghiệp tại cơ sở giáo dục thường xuyên; rút kinh nghiệm mô hình phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS tại Đức Hòa nhằm định hướng, phát triển chương trình đào tạo cho học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung cấp chuyên nghiệp.
PV: Xin ông cho biết, những nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2016-2017?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Trong năm học mới, ngành GD&ĐT đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đổi mới công tác quản lý GD&ĐT.
Hai là, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT ở các cấp học.
Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Bốn là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục.
Năm là, tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở vật chất trường lớp, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Sáu là, từng bước thực hiện hội nhập, giao lưu, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực GD&ĐT.
PV: Trong 6 nhiệm vụ trên, nhiệm vụ nào là quan trọng nhất, việc thực hiện các nhiệm vụ đó như thế nào, thưa ông?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Cả 6 nhiệm vụ trên đều là những nhiệm vụ quan trọng mà ngành đề ra trong năm học này. Tuy nhiên, nhiệm vụ củng cố và nâng cao chất lượng, hiệu quả GD&ĐT ở các cấp học được ngành đặc biệt chú trọng.
Củng cố, mở rộng quy mô, mạng lưới cơ sở mầm non phù hợp với tình hình thực tế địa phương, nhất là ở những nơi có khu, cụm công nghiệp phát triển, đáp ứng nhu cầu học tập của con em người dân; tăng cường chỉ đạo kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ; tiếp tục ưu tiên các nguồn lực để bảo đảm chất lượng phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi, tạo cơ sở phát triển bền vững giáo dục mầm non giai đoạn 2016-2020.
Ngành tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhằm thực hiện tốt Dự án Mô hình trường học mới tại Việt Nam, Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục, Đề án "Phương pháp Bàn tay nặn bột", dạy học Mỹ thuật theo phương pháp mới của Đan Mạch. Đồng thời, tăng quyền chủ động cho cơ sở trong việc xây dựng, tổ chức các hoạt động giáo dục, đặc biệt là trong thực hiện chương trình, điều chỉnh nội dung dạy học phù hợp với đối tượng học sinh. Ngoài ra, ngành tiếp tục đổi mới mục tiêu, nội dung, hình thức kiểm tra, thi và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo hướng đánh giá năng lực, phẩm chất người học. Đối với những trường có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất, ngành khuyến khích dạy học 2 buổi/ngày.
Riêng với giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp, cần đổi mới hoạt động của các đơn vị theo hướng thực hiện nhiều nhiệm vụ, mở rộng việc dạy văn hóa kết hợp dạy nghề với nội dung phong phú, phù hợp nhu cầu thực tế; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh trong và ngoài nhà trường.
PV: Để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ấy, cần những giải pháp nào, thưa ông?
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp: Để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, ngành đề ra 5 giải pháp cơ bản sau:
Một là, hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về GD&ĐT, kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà, không phù hợp. Thay vào đó, ngành tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý.
Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý. Thực hiện điều chỉnh, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự quản lý ở các cơ sở giáo dục theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả; tổ chức thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nhằm có được đội ngũ cán bộ có tầm nhìn, năng lực, tận tâm, năng động và sáng tạo; nâng cao trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ của cán bộ quản lý giáo dục.
Ba là, tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT. Thực hiện đẩy mạnh xã hội hóa để huy động các nguồn lực của xã hội nhằm phát triển GD&ĐT. Ngành cũng khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục ngoài công lập, đặc biệt tại các địa bàn có khu, cụm công nghiệp phát triển nhằm giảm gánh nặng cho Nhà nước và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Ngoài ra, ngành phối hợp các ban, ngành, đoàn thể, Hội Khuyến học xây dựng các nguồn quỹ học bổng, khuyến học, khuyến tài giúp học sinh, sinh viên nghèo học giỏi, con em gia đình chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bốn là, đẩy mạnh thực hiện công tác khảo thí và kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục. Trong đó, công tác khảo thí thực hiện theo hướng chú trọng đánh giá kỹ năng, năng lực người học; công tác kiểm định đi sâu vào đánh giá chất lượng giáo dục.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về GD&ĐT. Ngành triển khai kế hoạch thực hiện Đề án Truyền thông về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT và dạy nghề trên địa bàn tỉnh; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho báo chí để định hướng dư luận, tạo niềm tin của xã hội.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ngọc Thạch