Đưa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình đến với người dân
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, hàng năm, có khoảng 85 triệu ca mang thai ngoài ý muốn; 56 triệu ca phá thai, trong đó, có tới 25 triệu ca phá thai không an toàn. Tại Việt Nam, hàng năm, có 300.000-350.000 ca phá thai được thông báo chính thức.
Nguyên nhân mang thai ngoài ý muốn là không áp dụng biện pháp tránh thai; do thất bại của các biện pháp tránh thai (sử dụng không đúng cách, sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống kém hiệu quả). Đồng thời, do nhu cầu KHHGĐ nhưng không được cung cấp biện pháp tránh thai, không tiếp cận được dịch vụ.
Công tác tư vấn các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng như thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình được quan tâm
Chi cục trưởng Chi cục DS tỉnh Long An - Đoàn Văn Ngà cho biết: “Hiện nay, tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của tỉnh vẫn còn cao, nhu cầu cung ứng các dịch vụ về KHHGĐ là rất lớn. Toàn tỉnh có hơn 271.000 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ.
Hàng năm, ngành Y tế triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực thông qua các chiến dịch, mô hình, đề án nhằm đáp ứng yêu cầu cung cấp và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ. Trong đó, chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ và nâng cao chất lượng DS tại vùng mức sinh thấp và mức sinh thay thế đóng vai trò quan trọng trong việc đưa các dịch vụ KHHGĐ chất lượng đến với người dân”.
Năm 2024, chiến dịch được triển khai thực hiện đồng loạt tại 94 xã, phường, thị trấn của 15 huyện, thị xã, thành phố, được đội dịch vụ lưu động cung cấp dịch vụ các gói KHHGĐ và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Đội dịch vụ lưu động chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, cơ số thuốc thiết yếu và nhân lực sẵn sàng phục vụ tốt những ngày diễn ra chiến dịch.
Ngoài ra, huyện Bến Lức, Cần Đước, Thủ Thừa, Cần Giuộc, Đức Huệ, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An đầu tư thêm kinh phí để triển khai mở rộng chiến dịch cho toàn huyện. Huyện Tân Trụ và Đức Hòa đầu tư thêm kinh phí cho 5 xã thực hiện từ nguồn kinh phí tỉnh để cung cấp miễn phí gói KHHGĐ và soi tươi, siêu âm cho người dân không thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội.
Riêng TP.Tân An hỗ trợ kinh phí từ nguồn địa phương và xã hội hóa để thực hiện miễn phí gói KHHGĐ, soi tươi, siêu âm cho người dân không thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội cho 14 xã, phường.
Thông qua chiến dịch, có 8.648 ca thực hiện KHHGĐ bằng biện pháp đặt dụng cụ tử cung; 1.353 ca KHHGĐ bằng thuốc tiêm và 88 ca KHHGĐ bằng thuốc cấy. Chiến dịch đã góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ của tỉnh cũng như nhận thức của người dân trong việc lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại, phù hợp.
Chị Lê Thị Thúy Hằng (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Sau khi sinh đủ 2 con thì tôi quyết định dừng lại và lựa chọn tránh thai bằng biện pháp đặt dụng cụ tử cung. Sinh đủ 2 con là góp phần xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc và vì sự phát triển của xã hội. Giờ đây, tôi tập trung chăm sóc sức khỏe bản thân, dạy bảo các con và phát triển kinh tế gia đình”.
Chú trọng truyền thông
Thời gian qua, Chi cục DS tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể, nòng cốt là đội ngũ làm công tác DS tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động người dân KHHGĐ bằng cách áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cộng đồng về ý nghĩa, trách nhiệm trong việc chủ động thực hiện KHHGĐ.
Chị Trần Thị Mộng Thắm - viên chức DS phường 1, TP.Tân An, cho biết: “Phường có 26 cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em, 881 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ. Các hoạt động truyền thông giúp người dân hiểu và lựa chọn các biện pháp KHHGĐ được phường chú trọng.
Công tác tuyên truyền được thực hiện qua hệ thống loa, đài, các buổi nói chuyện chuyên đề. Đặc biệt, mạng lưới cộng tác viên DS, gia đình và trẻ em phủ kín các khu phố và luôn nhiệt tình tư vấn người dân các biện pháp chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ, vận động người dân sinh đủ 2 con và dừng lại để nuôi, dạy tốt.
Nhờ vậy, 3 năm liền (năm 2021, 2022, 2023), phường đạt mô hình 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ 2 con”.
Chú trọng đưa dịch vụ y tế đến với người dân ở vùng sâu, vùng xa
Ngày Tránh thai Thế giới (26/9) hàng năm như một chiến dịch giúp người dân, đặc biệt là giới trẻ, nhóm vị thành niên/thanh niên, phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh đẻ nâng cao nhận thức trong việc quan hệ tình dục an toàn, chủ động áp dụng các biện pháp tránh thai cũng như KHHGĐ vì những lợi ích của chính mình và cộng đồng. Theo đó, công tác tuyên truyền được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức.
Với nhiều giải pháp thiết thực, Long An đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc cải thiện hệ thống cung cấp dịch vụ KHHGĐ. Theo đó, tổng tỷ suất sinh đã giảm. Vào những năm 1970, mỗi cặp vợ chồng có đến 5 con thì nay tỷ lệ này đã giảm theo từng năm.
Cụ thể, năm 2020 chỉ còn 1,82 con/phụ nữ, năm 2021 còn 1,77 con/phụ nữ, năm 2022 còn 1,68 con/phụ nữ và hiện Long An là 1 trong 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp của cả nước. Tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt hơn 80%.
Đầu tư vào công tác KHHGĐ chính là đầu tư quan trọng nhằm cải thiện sức khỏe, thực hiện các quyền của phụ nữ và các cặp vợ chồng. Thời gian tới, ngành Y tế phối hợp ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh truyền thông nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức và tăng cường lựa chọn các biện pháp tránh thai hiện đại.
Ngành Y tế cũng chú trọng trang bị đầy đủ và đa dạng dụng cụ tránh thai để người dân được tiếp cận dịch vụ KHHGĐ thuận tiện và dễ dàng./.
|
3 đảng viên bị khiển trách, 1 đảng viên bị cảnh cáo vì vi phạm về chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình.
|
Ngọc Mận