Tiếng Việt | English

26/08/2021 - 09:54

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý

Những năm qua, hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP) và trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng cả về hình thức tổ chức và hiệu quả hoạt động, góp phần cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, hoạt động BTTP và TGPL còn giúp chính quyền địa phương, các cơ quan tố tụng giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan các vụ việc.

Hoạt động hành nghề luật sư góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước tòa; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức (Ảnh tư liệu)

Hoạt động hành nghề luật sư góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước tòa; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức (Ảnh tư liệu)

Nhiều kết quả nổi bật

Theo thống kê của Sở Tư pháp, đội ngũ luật sư (LS) trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng; các tổ chức hành nghề LS hình thành, phát triển đều khắp. Trong đó, số lượng LS thành viên của Đoàn hiện nay là 105 LS với 31 tổ chức hành nghề LS và 40 chi nhánh tổ chức hành nghề LS hoạt động trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động hành nghề LS góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền của bị can, bị cáo và các đương sự trước tòa; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức. Bên cạnh đó, đội ngũ LS còn tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật, nhất là tham gia tốt công tác TGPL và tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân.

Chánh Văn phòng Sở Tư pháp - Nguyễn Phú Huynh khẳng định, qua thời gian hoạt động, Đoàn LS có nhiều cố gắng trong công tác tự quản của mình, thực hiện khá tốt công tác giám sát, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, tuân theo quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp LS, Điều lệ Liên đoàn Đoàn LS, nội quy Đoàn LS tỉnh cũng như kịp thời chấn chỉnh, rút kinh nghiệm để hoạt động LS và các tổ chức hành nghề LS đi vào nề nếp, đúng quy định pháp luật.

Trong đó, Ban Chủ nhiệm Đoàn LS luôn đoàn kết, ổn định về tư tưởng, tích cực quản lý, giám sát hoạt động tập sự LS, hành nghề LS, tập hợp các phản ánh, tâm tư, nguyện vọng của LS để đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan hữu quan bằng các hình thức phù hợp.

Trong lĩnh lực công chứng, hiện toàn tỉnh có 37 văn phòng công chứng với 75 công chứng viên hành nghề. 6 tháng đầu năm 2021, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng 138.162 hợp đồng, giao dịch và các loại việc khác; chứng thực 146.434 bản sao, 21.265 chữ ký. Sở Tư pháp thường xuyên cập nhật lực lượng công chứng viên, các tổ chức hành nghề công chứng vào phần mềm quản lý và đăng tải công khai trên Trang Thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

Đối với công tác TGPL, Sở Tư pháp phối hợp các ngành thành viên Hội đồng Phối hợp liên ngành tỉnh tăng cường năng lực cho đội ngũ TGPL, đẩy mạnh hoạt động truyền thông ở cơ sở bảo đảm cho các đối tượng thuộc diện TGPL được thụ hưởng chính sách TGPL của Đảng và Nhà nước, quyền được lựa chọn tổ chức và người thực hiện TGPL miễn phí. 6 tháng đầu năm 2021, Trung tâm TGPL cử trợ giúp viên pháp lý và LS là cộng tác viên tham gia tố tụng 156 vụ việc.

Ngoài ra, các lĩnh vực đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại cũng đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ cũng như đóng góp tích cực trong chiến lược cải cách tư pháp (CCTP). 

Những năm qua, hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP) và trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh Long An tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng cả về hình thức tổ chức và hiệu quả hoạt động, góp phần cung cấp dịch vụ pháp lý cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Đồng thời, hoạt động BTTP và TGPL còn giúp chính quyền địa phương, các cơ quan tố tụng giải quyết kịp thời, chính xác, khách quan các vụ việc.

Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý

Hiện trên từng lĩnh vực BTTP vẫn còn những hạn chế nhất định. Trong đó, đội ngũ LS tuy có phát triển khá về số lượng nhưng chưa toàn diện khi phần lớn LS trong các ngành Tư pháp về hưu tham gia hành nghề, chưa thu hút được đội ngũ LS trẻ, nhất là chuyên ngành kinh tế và giỏi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, hầu hết tổ chức hành nghề LS thường tập trung tại TP.Tân An và các huyện trọng điểm phát triển công nghiệp như Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc, vẫn còn 4 đơn vị cấp huyện chưa có tổ chức hành nghề LS đăng ký hoạt động; các tổ chức hành nghề LS cũng chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực hình sự, dân sự, trong khi lĩnh vực kinh tế, thương mại còn hạn chế.

Chánh Văn phòng Sở Tư pháp - Nguyễn Phú Huynh cho rằng, cơ chế tự do gia nhập, tự do dịch chuyển, lựa chọn Đoàn LS để tham gia, sinh hoạt theo Luật LS nên hầu hết những người trẻ tuổi chọn Đoàn LS TP.HCM để gia nhập cho tiện hoạt động, trong đó có một phần là tâm lý thích lựa chọn Đoàn LS lớn để tham gia; xã hội cũng chưa nhìn nhận đúng mức về vai trò của LS, nghề LS, chưa có thói quen sử dụng dịch vụ pháp lý của LS; số LS có khả năng chuyên môn về tư vấn đầu tư kinh doanh thương mại, trình độ ngoại ngữ không nhiều, từ đó rất khó phát triển tổ chức hành nghề quy mô lớn, chuyên sâu về lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tình hình KT-XH những năm qua gặp khó khăn, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 đã tác động trực tiếp đến các lĩnh vực BTTP và công tác TGPL.

Trước yêu cầu công tác CCTP giai đoạn 2021-2026, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo CCTP tỉnh - Nguyễn Thanh Hải khẳng định, việc hoàn thiện chế định LS, BTTP và xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, BTTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác CCTP của tỉnh.

Trong đó, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, công tác quản lý nhà nước và quan tâm, tạo điều kiện đối với LS, các tổ chức hành nghề LS, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của LS hoạt động. Tiếp tục phát triển đội ngũ LS đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ chuyên môn vững vàng và kiến thức chuyên sâu, khuyến khích các LS tham gia TGPL, nâng chất lượng TGPL cho người dân và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử. Thực hiện tốt Luật Giám định tư pháp (sửa đổi, bổ sung năm 2020), bảo đảm tính khoa học, đúng đắn, khách quan trong hoạt động giám định; thực hiện xã hội hóa đối với các lĩnh vực giám định theo mức độ, phạm vi và lộ trình phù hợp, có cơ chế, chính sách để thu hút các nguồn lực xã hội và khuyến khích người có năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp tham gia vào các hoạt động giám định tư pháp.

Đối với thực hiện Luật Công chứng (sửa đổi, bổ sung năm 2018), cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển tổ chức xã hội - nghề nghiệp công chứng ở các địa phương cũng như tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức công chứng, đấu giá tài sản. Đồng thời, Hội Luật gia tỉnh cần nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là trong lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tư vấn pháp luật và thực hiện tốt việc TGPL cho người dân.

Riêng đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp, BTTP, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho đội ngũ cán bộ tư pháp, BTTP để nâng cao trình độ, kiến thức chuyên sâu, kỹ năng nghề nghiệp trên từng lĩnh vực, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới và hội nhập quốc tế; có chính sách đãi ngộ hợp lý thu hút cán bộ tâm huyết, có đức, có tài vào làm việc ở các cơ quan tư pháp và BTTP./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết