Tiếng Việt | English

28/07/2019 - 09:30

Hiệu quả sau 15 năm thực hiện chiến lược cải cách tư pháp

Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp (CCTP), công tác trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật (PL) tiếp tục được triển khai mạnh mẽ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành PL của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh Long An.

Các thủ tục hành chính được tinh giản gọn nhẹ, giảm bớt gánh nặng cho cá nhân, doanh nghiệp

Các thủ tục hành chính được tinh giản gọn nhẹ, giảm bớt gánh nặng cho cá nhân, doanh nghiệp

Theo Chánh Văn phòng Sở Tư pháp tỉnh - Nguyễn Phú Huynh, ngay sau khi Bộ Chính trị có Nghị quyết 49-NQ/TW, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh đã chỉ đạo đồng loạt công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, nhiệm vụ CCTP và hoạt động tư pháp trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là việc tập trung phổ biến nội dung các luật, văn bản PL để cán bộ và nhân dân trong toàn tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác triển khai, thi hành PL. Trong đó, việc triển khai tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng như tổ chức hội nghị, sinh hoạt Ngày PL định kỳ, lồng ghép trong các buổi họp hay thông qua các tủ sách PL, tài liệu PL.

“Thời gian qua, Ban Chỉ đạo CCTP tỉnh phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức 168 cuộc với trên 33.600 lượt đại biểu tham dự. Phối hợp Ban Nội chính Tỉnh ủy, Báo Long An thông tin định kỳ công tác thông tin, nhiệm vụ công tác CCTP và hoạt động tư pháp. Ngoài ra, các cấp, các ngành cũng tổ chức in ấn, cấp phát gần 25.000 tờ gấp và phát hành hơn 300.000 quyển sách luật mới ban hành trên các lĩnh vực phục vụ công tác tuyên truyền PL sâu, rộng trong nhân dân” - Chánh Văn phòng Sở Tư pháp - Nguyễn Phú Huynh cho biết.

Song song với công tác tuyên truyền, đến nay, các chế định bổ trợ tư pháp trên địa bàn tỉnh cũng dần hoàn thiện. Trên lĩnh vực luật sư (LS), ngay sau khi có Nghị quyết 49, Sở Tư pháp tỉnh đã phối hợp Đoàn LS tỉnh Long An thực hiện Đề án “Phát triển đội ngũ LS đến năm 2020”.

Đến nay, đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh không ngừng lớn mạnh về số lượng cũng như chất lượng. Các tổ chức hành nghề LS đã hình thành và phát triển đều khắp trên địa bàn tỉnh với đội ngũ 91 LS hành nghề tại 35 tổ chức hành nghề LS, chi nhánh tổ chức hành nghề LS, 1 văn phòng giao dịch của tổ chức hành nghề LS thuộc Đoàn LS tỉnh Long An và 20 chi nhánh tổ chức hành nghề LS ngoài tỉnh hoạt động.

“Việc phát triển mạnh đội ngũ LS trên địa bàn tỉnh góp phần tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của bị can, bị cáo, các đương sự trước tòa cũng như bảo vệ quyền và lợi ích của các cá nhân, tổ chức trước những vấn đề liên quan đến PL” - ông Huynh cho biết.

Trong lĩnh vực công chứng, thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng theo tinh thần Nghị quyết số 49, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh Quyết định chuyển đổi 4/4 phòng công chứng thành văn phòng công chứng.

Qua đánh giá, các văn phòng công chứng được thành lập từ việc chuyển đổi phòng công chứng bước đầu hoạt động hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 59 công chứng viên hoạt động tại 31 văn phòng công chứng, phân bố đều khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố, đáp ứng kịp thời yêu cầu về công chứng của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch.

Tính riêng năm 2018, các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng 226.675 hợp đồng, giao dịch; chứng thực 194.553 bản sao và 24.976 chữ ký. Ngoài ra, các lĩnh vực khác như đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại, công tác trợ giúp pháp lý cũng đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực trong công tác CCTP trên địa bàn tỉnh.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên rõ rệt, qua đó góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành PL của cán bộ và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Những kết quả đã đạt phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ CCTP chung của tỉnh./.

Kiên Định

Chia sẻ bài viết