Tiếng Việt | English

07/04/2023 - 09:04

Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên nước

Bằng việc tổ chức, triển khai nhiều giải pháp, Long An tăng cường công tác quản lý cũng như phát huy hiệu quả việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước (TNN) trên địa bàn, nhất là việc thực thi, đưa Luật TNN vào thực tế.

Tỉnh khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án sử dụng nguồn nước mặt để phục vụ sinh hoạt, sản xuất (Trong ảnh: Chủ tịch UBND tỉnh - Nguyễn Văn Út (thứ 2, phải qua) cùng lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tham quan thực tế Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa)

Khai thác, sử dụng hợp lý nguồn Tài nguyên nước

Theo đánh giá, Long An là một trong những địa phương có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa nhanh; hình thành nhiều cơ sở sản xuất, khu, cụm công nghiệp và các khu dân cư tập trung; cùng với đó, nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên địa bàn tỉnh cũng gia tăng. Nước dưới đất là nguồn nước khai thác chính có chất lượng ổn định nhưng đang có xu hướng hạ thấp dần theo thời gian. Nguồn nước mặt của tỉnh có nhiều bất lợi so với các tỉnh khác ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long do không trực tiếp tiếp cận nguồn nước sông Mê Kông và hàng năm, vào mùa khô, có đến 1/2 diện tích bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Bên cạnh vấn đề xâm nhập mặn, việc xả nước thải công nghiệp và sinh hoạt gây ô nhiễm nguồn nước cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến phát triển KT-XH của địa phương.

Trước thực tế trên, tỉnh tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, nhất là việc thực thi có hiệu lực, hiệu quả Luật TNN. Qua áp dụng, công tác quản lý, cấp phép lĩnh vực tài nguyên trên địa bàn tỉnh ngày càng chặt chẽ, việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ dự án phục vụ công tác quản lý TNN hiệu quả hơn. Công tác tham mưu quản lý cấp phép, quản lý về TNN đã được tỉnh chấn chỉnh để bảo đảm khai thác tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Kiến Tường - Huỳnh Thanh Tâm, công tác quản lý, sử dụng TNN trên địa bàn thị xã đạt những kết quả nhất định. Địa phương thường xuyên phối hợp ngành chức năng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực thi pháp luật về TNN. Thị xã tăng cường tổ chức thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-UBND, ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý khai thác TNN dưới đất trên địa bàn tỉnh. Địa phương khuyến khích, vận động, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân nâng cấp hệ thống cấp nước, đấu nối vào hệ thống cấp nước tập trung; tham mưu hạn chế cấp phép các dự án khai thác nước ngầm. Đồng thời, thị xã phối hợp các sở, ngành tổ chức đóng cửa mỏ hầm đất và làm các thủ tục liên quan để đấu giá, khai thác nước mặt đất, góp phần thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển.

Ngoài thực thi hiệu lực, hiệu quả pháp luật TNN, tỉnh đề ra nhiều giải pháp như ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt; khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu và hạn chế việc khai thác nước dưới đất. Tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng nguồn nước mặt, nhất là đối với nước phục vụ sản xuất công nghiệp. Nhiều công trình, dự án sử dụng nước mặt được đầu tư, đưa vào hoạt động (Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa; Nhà máy Cấp nước Nhị Thành, huyện Thủ Thừa;...) không chỉ khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước mặt, cấp nước sạch phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn mà còn góp phần giữ gìn, bảo vệ nguồn TNN ngầm trên toàn địa bàn theo đúng chủ trương của tỉnh cũng như của Chính phủ, giảm sụt lún đất, hạn chế xâm nhập mặn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh tăng cường các giải pháp góp phần khai thác, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước, bảo đảm phục vụ sinh hoạt, sản xuất (Trong ảnh: Nhờ dự án cấp nước sạch từ nguồn nước mặt, hộ dân sử dụng nước sạch tại xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc đạt hơn 81%)

Phó Chủ tịch UBND xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc - Lê Chí Nghĩa chia sẻ: “Là xã cuối nguồn của huyện, nguồn nước tại chỗ bị nhiễm mặn nên việc thiếu nước sử dụng diễn ra thường xuyên nhưng hiện nay, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn xã được khắc phục. Người dân được sử dụng nước sạch từ dự án cấp nước sạch của Nhà máy Cấp nước Nhị Thành bảo đảm cả về lưu lượng và chất lượng. Mọi người đều rất phấn khởi. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh tại địa phương đạt gần 100%, nước sạch đạt hơn 81%”.

Sở TN&MT thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường nước mặt và nước ngầm định kỳ hàng năm nhằm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước trên địa bàn. Đối với quan trắc chất lượng môi trường nước mặt: Thực hiện với tần suất 6 đợt/năm tại sông Bảo Định (5 vị trí), sông Vàm Cỏ (6 vị trí), sông Vàm Cỏ Đông (8 vị trí), sông Vàm Cỏ Tây (12 vị trí), kênh, rạch chính (25 vị trí), kênh Thầy Cai (8 vị trí), sông Cần Giuộc (4 vị trí). Đối với quan trắc chất lượng môi trường nước ngầm thực hiện với tần suất 2 đợt/năm tại 48 vị trí. Các kết quả quan trắc trong thời gian qua cho thấy chất lượng nước dưới đất trên địa bàn tỉnh còn khá tốt, ít ô nhiễm hữu cơ, các thông số khó xử lý và độc hại đều đạt quy chuẩn cho phép.

Tăng cường sự quản lý

Bên cạnh những kết quả đã đạt, công tác quản lý TNN trên địa bàn còn những tồn tại, hạn chế nhất định: Chưa quy định hướng dẫn về cấp phép khai thác nước đối với giếng dự phòng, thiết kế giếng khoan tương xứng với lưu lượng khai thác, sử dụng nước dưới đất; các tiêu chuẩn định mức hướng dẫn Luật TNN chưa rõ ràng, cụ thể dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ, dự án về TNN còn bất cập, vướng mắc. Đồng thời, ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, doanh nghiệp chưa cao nên một số công trình khai thác, sử dụng nước chưa hoàn thành thủ tục cấp phép. Lực lượng công chức tham mưu quản lý TNN còn mỏng, trong khi yêu cầu công việc ngày càng tăng, nhất là hầu hết cán bộ quản lý TNN ở cấp huyện, xã không có chuyên môn sâu về TNN, phải kiêm nhiệm thực hiện tham mưu quản lý nhiều lĩnh vực, vì vậy, gặp khó khăn trong tham mưu quản lý tại cơ sở.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT - Phan Văn Cường, để khắc phục những mặt còn hạn chế, nâng cao công tác quản lý, phát huy hiệu quả nguồn TNN, Sở bám sát vào phương án khai thác, sử dụng tài nguyên của Quy hoạch tỉnh Long An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 nhằm bảo đảm việc khai thác, sử dụng nước hợp lý. Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về vùng hạn chế khai thác, vùng đăng ký khai thác nước dưới đất đến toàn thể người dân; đẩy mạnh thực hiện công tác quản lý, cấp phép trong lĩnh vực TNN theo đúng quy định hiện hành. Mặt khác, Sở phối hợp địa phương triển khai đóng bít giếng nằm trong phạm vi cấp nước của các đơn vị cấp nước tập trung theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Sở cũng tăng cường công tác điều tra cơ bản TNN phục vụ cung cấp thông tin số liệu chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý; triển khai, thực hiện dự án Xây dựng mạng lưới quan trắc TNN dưới đất trên địa bàn tỉnh Long An trên địa bàn 9 huyện còn lại. Đồng thời, Sở có văn bản yêu cầu các đơn vị đang khai thác, sử dụng nước dưới đất thực hiện theo Thông tư số 17/2021/TT-BTNMT của Bộ TN&MT về việc giám sát khai thác, sử dụng TNN. Thời gian tới, khi xây dựng các công trình cấp nước tập trung, ưu tiên thiết kế đối với những công trình khai thác từ nguồn nước mặt tại những vùng có khả năng khai thác nước mặt nhằm giảm việc khai thác nước dưới đất, tạo sự bền vững cho công trình khai thác./.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở TN&MT phối hợp địa phương, các đơn vị tổ chức đóng bít, trám lấp các giếng khoan tại một số huyện. Tính đến nay, thực hiện trám lấp, đóng bít 479 giếng (lưu lượng 61.180m3/ngày đêm) đối với tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc. Đồng thời, Sở TN&MT đề nghị địa phương rà soát, kiểm tra xử lý giếng khoan do tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý, nhất là tiền cấp quyền và thuế tài nguyên đối với các giấy phép đã cấp.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết