Nhiều dự án nước mặt cấp nước sạch bảo đảm phục vụ sinh hoạt, sản xuất
Phát huy hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Nguyễn Tân Thuấn, công tác quản lý, khai thác nguồn TNN trên địa bàn được tỉnh quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt. Để bảo vệ TNN, tỉnh đề ra nhiều giải pháp như ngăn chặn, hạn chế, phòng ngừa các vấn đề ô nhiễm nguồn nước mặt; khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; áp dụng các biện pháp quản lý, giảm thiểu và hạn chế việc khai thác nước dưới đất. Bên cạnh đó, tỉnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân ưu tiên sử dụng nguồn nước mặt hiện có để phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Nhà máy Nước Nhị Thành (huyện Thủ Thừa) được đầu tư, đưa vào hoạt động từ năm 2019 theo chủ trương của UBND tỉnh. Nhà máy sử dụng nguồn nước mặt từ kênh Rạch Chanh với tổng công suất thiết kế 60.000m3/ngày đêm, dự phòng cấp nước lên tới 80.000m3/ngày đêm và tương lai sẽ nâng cấp lên 120.000m3/ngày đêm. Dự án cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho người dân khu vực TP.Tân An, các huyện: Thủ Thừa, Tân Trụ, Bến Lức, một phần huyện Cần Đước, Cần Giuộc.
Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng Nước DNP-Long An (chủ đầu tư Nhà máy Nước Nhị Thành) - Trần Tấn Lợi, nhà máy khai thác 100% nguồn nước mặt, bảo đảm chất lượng, mang đến lợi ích thiết thực cho đời sống, sức khỏe và là tiền đề để thúc đẩy sự tăng trưởng của các ngành sản xuất khác. Đồng thời, dự án góp phần giữ gìn và bảo vệ nguồn TNN ngầm trên toàn địa bàn theo đúng chủ trương của Chính phủ, của tỉnh, giảm sụt lún đất, hạn chế xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Để phát huy hiệu quả hơn nữa, thời gian tới, công ty tăng cường phối hợp các sở, ngành, địa phương tiếp tục tập trung mọi nguồn lực để triển khai, hoàn thành việc đầu tư mở rộng hệ thống ống cấp nước theo đúng chủ trương và tiến độ đề ra để cấp nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, bảo đảm hạ tầng thu hút đầu tư, phát triển nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Văn Hậu (xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc) cho biết: Nhiều năm qua, nguồn nước trên địa bàn rất hạn chế, người dân phải lắng nước từ ao, hồ hoặc nước mưa để sử dụng. Hiện nay, nước sạch từ dự án Nhà máy Nước Nhị Thành
phục vụ tốt nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất và giải quyết được bài toán về nước sinh hoạt tại địa phương. Nguồn nước từ dự án Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây (huyện Đức Hòa) sử dụng nguồn nước mặt từ dự án thủy lợi Phước Hòa. Hệ thống cấp nước tập trung của nhà máy cơ bản phủ kín và bảo đảm cung cấp đầy đủ nước phục vụ sinh hoạt cũng như sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện.
Đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Anh Hồng (huyện Đức Hòa) - Lê Anh Hồng chia sẻ: Chủ trương đóng bít giếng khoan, sử dụng nước mặt của tỉnh đúng đắn, hợp lý, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Khu đã đấu nối và sử dụng nguồn nước từ dự án Nhà máy Cấp nước Hòa Khánh Tây. Dự án cấp nước bảo đảm lưu lượng, chất lượng và giá cả hợp lý, rõ ràng.
Cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Tân Thuấn cho biết: Hiện nay, nguồn TNN đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức, chịu ảnh hưởng rất lớn từ biến đổi khí hậu. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có nhiều chủ trương, chính sách, chỉ đạo trong vấn đề bảo vệ nguồn TNN. Để bảo vệ nguồn nước, tỉnh cụ thể hóa bằng việc tăng cường các biện pháp, giải pháp để nâng cao công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành, xem việc khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn nước là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong giai đoạn hiện nay, nhất là trong tình hình diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.
Từ năm 2010, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3274/QĐ-UBND, ngày 19/11/2010 về việc phê duyệt Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN dưới đất tỉnh Long An đến năm 2015, tầm nhìn năm 2020 với mục tiêu huy động mọi nguồn lực thực hiện quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ nguồn nước dưới đất hiệu quả nhất, vừa bảo đảm việc khai thác nước dưới đất hài hòa, hợp lý, đáp ứng yêu cầu phát triển KT - XH, vừa bảo vệ, dự trữ nước dưới đất một cách bền vững, an toàn, phục vụ việc khai thác, sử dụng lâu dài tại các địa phương trong tỉnh. UBND tỉnh ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND, ngày 09/5/2016 về việc tăng cường công tác quản lý khai thác TNN dưới đất nhằm quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên này.
Kế đến, UBND tỉnh tiếp tục ban hành Quyết định số 1419/QĐ-UBND, ngày 20/4/2017 về việc phê duyệt danh mục vùng cấm, hạn chế, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh và các bản đồ phân vùng khai thác nước dưới đất. Theo đó, công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác TNN dưới đất được thực hiện dựa trên Quy hoạch khai thác, sử dụng và bảo vệ TNN dưới đất tỉnh Long An.
Đồng thời, theo quy định, các đơn vị không tham mưu UBND tỉnh cấp phép các hồ sơ đối với khu vực đã có đường ống cấp nước tập trung có khả năng cung cấp nước ổn định về số lượng, chất lượng cho hoạt động sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của tổ chức, cá nhân; khuyến khích tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước mặt để phục vụ quá trình sản xuất, hạn chế khai thác nước ngầm. Giai đoạn từ năm 2016 đến nay, tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch yêu cầu trám lấp, đóng bít các giếng khai thác nằm trong các khu, cụm công nghiệp đã có đường ống cấp nước mặt trên địa bàn huyện Đức Hòa, tiếp tục thực hiện tại các huyện: Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An trong thời gian tới. Tỉnh tập trung kêu gọi đầu tư các dự án cung cấp nước mặt để phục vụ phát triển kinh tế và dân sinh.
Bên cạnh đó, Sở TN&MT tiếp tục điều chỉnh, cập nhật danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phù hợp với các quy định hiện hành và hiện trạng thực tế trên địa bàn tỉnh. Sở ban hành kế hoạch về việc đóng bít, trám lấp các giếng khoan của tổ chức, cá nhân đang quản lý trong phạm vi cấp nước của các đơn vị cấp nước tập trung trên địa bàn theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Thời gian thực hiện từ ngày 06/3 đến 30/9/2022.
Tỉnh đã triển khai đầu tư xây dựng mạng lưới quan trắc TNN dưới đất, thời gian thực hiện dự án từ năm 2017 - 2024. Hiện tại đã hoàn thành xây dựng nhà trạm, lắp đặt thiết bị cho 6 trạm tại: TP.Tân An, huyện Đức Hòa, Cần Giuộc, Tân Trụ, Cần Đước và Bến Lức. Năm 2022 triển khai tại 3 địa phương: Châu Thành, Thủ Thừa và thị xã Kiến Tường, theo kế hoạch đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành các huyện còn lại. Sở tổ chức vận hành 6 trạm quan trắc đã hoàn thành cho 36 giếng tại 6 tầng cấp nước.
Sở TN&MT đang sử dụng phần mềm EnviSoft do Bộ TN&MT triển khai trên toàn quốc để tiếp nhận và quản lý dữ liệu quan trắc tự động của các tổ chức, cá nhân đang hoạt động khai thác nước dưới đất. Hiện tại đã thực hiện giám sát quan trắc tự động việc khai thác nước đối với một số đơn vị cấp nước tập trung để kết nối về Sở theo dõi, quản lý theo quy định.
Ông Nguyễn Tân Thuấn thông tin thêm: Thời gian tới, Sở tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng TNN, quản lý chặt chẽ những khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước; phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật về TNN. Đồng thời, Sở tiếp tục xây dựng mạng lưới quan trắc nước dưới đất; triển khai, thực hiện dự án hệ thống giám sát về TNN và lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước. Sở đẩy mạnh công tác truyền thông về TNN để cộng đồng cùng tham gia sử dụng tiết kiệm và hiệu quả; giữ gìn và bảo vệ nguồn nước là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta; chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và bảo vệ TNN. Qua đó, góp phần bảo đảm phát triển bền vững KT - XH của tỉnh và đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn./.
Thông tin từ Sở TN&MT, từ khi Luật TNN năm 2012 có hiệu lực thi hành là cơ sở pháp lý quan trọng để công tác quản lý nhà nước lĩnh vực chuyên ngành đạt hiệu quả. Tỉnh khẩn trương tổ chức triển khai, thực hiện theo đúng quy định và đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Luật TNN vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Tỉnh kiến nghị cần điều chỉnh, bổ sung một số quy định của Luật TNN để việc thi hành đạt hiệu quả, phù hợp với thực tế cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cũng như bảo vệ TNN trên địa bàn.
Trong đó, cần thống nhất quy định hoặc ban hành cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương giáp ranh trong công tác quản lý, điều hòa, phân bổ hài hòa nguồn nước giữa các ngành, địa phương. Rà soát, loại bỏ các quy định chồng chéo, bất cập giữa các ngành, đặc biệt làm rõ vai trò, trách nhiệm giữa ngành TN&MT và ngành Nông nghiệp trong các vấn đề về quản lý nguồn nước (xả nước thải, cấp nước sinh hoạt,...); phòng, chống xâm nhập mặn, sạt, lở; ứng phó biến đổi khí hậu. Ban hành quy định hướng đến việc tinh giản các giấy phép con không cần thiết. Quy định cụ thể các cơ chế, định mức kỹ thuật về TNN để địa phương áp dụng thực hiện nhiệm vụ được thống nhất, tránh sai sót.
Để tổ chức thi hành hiệu quả Luật TNN, tỉnh cũng đề xuất cần kiện toàn bộ máy quản lý nhà nước, ứng dụng thông tin trong quản lý, nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ nhà nước về quản lý tài nguyên cho các địa phương. Các cơ quan quản lý về TNN cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động khai thác, sử dụng TNN và xả thải vào nguồn nước của doanh nghiệp trong thời gian tới kết hợp với theo dõi, giám sát các biến động về nguồn nước của các tuyến sông, kênh, rạch chính.
|
Châu Sơn