Tiếng Việt | English

23/07/2015 - 15:42

Nền kinh tế Việt Nam hiện đang “lưỡng thể”

Nền kinh tế “lưỡng thể” Việt Nam đang chuyển hóa từ “sâu” thành “bướm”, và việc thoát khỏi “tổ kén” này còn nhiều gian nan.

Đa số các đại biểu tại Hội thảo về kinh tế Việt Nam do VCCI phối hợp với WB tổ chức sáng 23/7 tại Hà Nội nhận định rằng Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường nhưng còn dùng dằng, bước tiến bước lùi, chưa dứt khoát.

Toàn cảnh Hội thảo sáng 23/7 tại Hà Nội

Tại Hội thảo, đại diện của VCCI và WB đã trình bày Báo cáo về “Thay đổi cảm nhận về Nhà nước và Thị trường của người Việt Nam năm 2014 (CAMS 2014)”.

Báo cáo cho thấy, 49% số người tham gia khảo sát cho rằng nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, tỷ lệ nhận định nền kinh tế Việt Nam cơ bản là nền kinh tế nhà nước cũng chiếm tới 36%.

Có tới 89% người trả lời CAMS 2014 cho mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn bất kỳ mô hình kinh tế nào khác, tăng nhẹ so với CAMS 2011 (87%). Trong khi đó, chỉ có 3% người trả lời cho rằng mô hình kinh tế nhà nước là ưu việt hơn, đã giảm 4% so với năm 2011. Kết quả này cũng rất tương đồng với dữ liệu theo thời gian: 87% người đã từng tham gia khảo sát 2011 vẫn nhận định mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn.


Biểu đồ so sánh kết quả của CAMS 2014 và CAMS 2011

Có tới 89% người trả lời CAMS 2014 cho rằng mô hình kinh tế thị trường ưu việt hơn bất kỳ mô hình kinh tế nào khác, tăng nhẹ so với CAMS 2011 (87%).

Theo ông Đoàn Hồng Quang – Chuyên gia cao cấp WB, nền kinh tế Việt Nam đang ở tình trạng “lưỡng thể”, đa số người tham gia khảo sát cho rằng tốc độ chuyển từ nền kinh tế Nhà nước sang thị trường còn chậm.

Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế VCCI cũng cho rằng, cách vận hành của nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa ổn. Ở Việt Nam hệ thống kinh tế nhà nước và kinh tế thị trường vẫn vận hành song song, chưa rạch ròi.

TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nhận định, kết quả này cho thấy những cải cách mà Việt Nam đang thực hiện là phù hợp với yêu cầu của đông đảo người dân và doanh nghiệp. Người dân cũng nhìn thấy hệ thống kinh tế thị trường chưa đầy đủ đã khiến những mặt tốt của thị trường không được phát huy, trong khi những khiếm khuyết của thị trường chậm được kiểm soát và khắc phục.

Trong điều kiện đó, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, giải pháp căn bản không phải là gia tăng can thiệp của Nhà nước mà chính là đẩy mạnh tiến trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tránh khỏi tình trạng mắc kẹt giữa hai hệ thống vận hành kinh tế./.

Trần Ngọc/VOV.VN

Chia sẻ bài viết