Tiếng Việt | English

03/03/2018 - 16:43

Nét đẹp tâm linh trong lễ hội Làm Chay  

Nghi thức Chiêu U là một điểm nhấn nhân văn trong lễ hội Làm Chay. Đây cũng là hoạt động được đông đảo người dân hưởng ứng tham gia.

Lễ hội Làm Chay là truyền thống của người dân thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An diễn ra tại đình Tân Xuân. Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của lễ hội, nhưng hiện nay, đa số nghiêng về việc nhân dân mượn cớ cúng tế cô hồn để tỏ lòng thương tiếc và kính trọng đối với những bậc nghĩa khí trung kiên ở đây đã hy sinh trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa đầu thế kỷ 19, mà tiêu biểu là Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự. Theo Phó Ban Quản trị đình Tân Xuân - Ngô Minh Đa, ngày ấy, nhân dân phao tin “Loạn cô hồn dậy dẹp chợ” để bày duyên cớ  làm “lễ trai đàn” (hay chay  đàn) cúng tế cô hồn nhằm tránh sự đàn áp của giặc, ngày nay là Lễ hội Làm Chay. 

Trong lễ hội Làm Chay có nhiều nghi thức cúng tế nhưng nổi bật có thể kể đến là cúng tế liệt sĩ, Chiêu U, đánh động, phóng đăng, xô giàn đốt Ông Tiêu. Trong đó, hoạt động Chiêu U có thể xem là một trong những hoạt động thu hút rất nhiều người dân tham gia.

Đoàn Chiêu U không chỉ có sư thầy và ban cúng tế mà theo đó là rất nhiều phương tiện giao thông và người dân, tạo thành đoàn diễu hành dài quanh các trục đường chính trong huyện. Trên đường đi đoàn sẽ dừng lại tại các địa điểm định sẵn để thực hiện nghi thức thỉnh rước vong linh người đã khuất, cô hồn các nơi về dự lễ.

Trên đường đi đoàn sẽ dừng lại tại các địa điểm định sẵn để thực hiện nghi thức thỉnh rước vong linh người đã khuất, cô hồn các nơi về dự lễ. (Trong ảnh: Đoàn vừa thực hiện xong nghi thức Chiêu U tại cầu Ông Khối, thị trấn Tầm Vu.)

Tại những địa điểm trên người dân địa phương lập sẵn bàn thờ, mâm cỗ tổ chức cúng tế chờ đoàn Chiêu U đến. Ông Chín Quang, ngươì dân ở xã An Lục Long cho biết: "Từ khi có lễ hội Làm Chay là có lễ Chiêu U. Năm nào người dân chúng tôi cũng đóng góp làm lễ cúng chiến sĩ và các vong hồn trong khu vực này chờ đoàn Chiêu U đến cúng thỉnh đi mong họ được siêu thoát." 

Đại đức Thích Thiện Hội, trụ trì chùa Linh Phước cho biết thêm, Chiêu U có hai hình thức trên đường bộ và đường thủy. Các vong linh sau khi được thỉnh rước sẽ đưa về khu vực hành lễ đình Tân Xuân dưới sự chỉ huy của Tiêu diện Đại sĩ.

Tiêu diện Đại sĩ là vị thần chuyên cai quản các vong hồn chưa siêu thoát

Hai nghi thức được tiến hành song song. Khi doàn Chiêu U đường bộ diễu hành trên các tuyến đường thì ghe Chiêu U đường sông cũng di chuyển dọc theo các nhánh sông, rạch và dừng lại những nơi có miếu cô hồn hoặc bàn thờ do người dân lập để rước các vong hồn lạc thủy về lễ hội. 

Cũng theo ông Ngô Minh Đa, Tiêu diện Đại sĩ là vị thần chuyên cai quản các vong hồn chưa siêu thoát. Về với lễ hội Làm Chay các vong linh sẽ được nghe giảng kinh và sau đó được đưa lên thuyền làm lễ tống phong. 

Ngoài ra, trong nghi thức Chiêu U còn có hoạt động diễn đánh động yêu quái của thầy trò Đường Tăng trong Tây du ký. Đó là hình thức sân khấu hóa hoạt động Chiêu U, khiến không khí lễ hội thêm náo nhiệt.

Động cũng do người dân đóng góp lập nên, có bàn thờ và lễ vật cúng tế chờ thầy trò Đường Tăng đến đánh động. (Bên trong động có yêu quái do người dân hóa trang để tăng tính vui tươi, hấp dẫn cho lễ hội)

Khi tất cả các vong hồn đều đã được quy tụ về lễ hội thì nghi thức cầu siêu bắt đầu. Sau đó các vong linh được đưa lên thuyền làm lễ phóng đăng và nghi thức xô giàn đốt Ông Tiêu kết thúc lễ hội. 

Với ý nghĩa cầu siêu, cầu an, cầu mưa thuận gió hòa chứ không cầu phúc lộc, lễ hội Làm Chay trở thành nét văn hóa tâm linh độc đáo của người dân Châu Thành, Long An./.

Huỳnh Hương - Phương Phương

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích