Tiếng Việt | English

12/02/2017 - 16:07

Đặc sắc Lễ hội Làm Chay

“Dù ai buôn bán bộn bề. Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu.” Cứ đến mười sáu tháng Giêng âm lịch hàng năm tại thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An, đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh nô nức cùng về dự hội.


Nghi thức thỉnh Ông Tiêu

Về Tầm Vu những ngày sau Tết Nguyên Đán cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là sự háo hức của người dân trong việc chuẩn bị tham gia Lễ hội Làm Chay. Đây là ngày hội của cộng đồng, vì vậy, không ai bảo ai người dân địa phương ai nấy đều thấy mình có trách nhiệm chung tay góp sức vì thành công của lễ hội.

Để chuẩn bị cho lễ hội, từ trước Tết Nguyên Đán, Ban Tổ chức thành lập các tiểu ban triển khai các công việc: Dựng dàn đài liệt sĩ, làm ghe phóng sinh, làm các cổ bánh, ghe phong đăng, xe hoa,…

Ông Lê Minh Sang (77 tuổi) ấp Vĩnh Xuân A, xã Dương Xuân Hội cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi được tham gia Lễ hội Làm Chay. Đến nay, tuy tuổi cao, sức yếu nhưng tôi có trên 10 năm tham gia là thành viên Ban Nghi lễ. Là người dân Châu Thành, tôi rất tự hào về truyền thống của quê hương. Hy vọng rằng, thế hệ trẻ sau này tiếp nối, gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương.”


Tượng Ông Tiêu

Lễ hội diễn ra từ ngày 14 đến đêm 16 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ chính thức bắt đầu từ việc rước Tiêu Diện Đại Sĩ mà dân gian thường gọi là Ông Tiêu. Ông Tiêu cũng chính là biểu tượng của Lễ hội Làm Chay.

Theo truyền thuyết, Ông Tiêu là hóa thân của Bồ Tát Quán Thế Âm chuyên trừ ma quỷ. Tượng Ông Tiêu ở Tầm Vu to bằng người thật, mặc áo giáp, đầu có sừng, gương mặt dữ tợn, đặc biệt là có chiếc lưỡi rất dài. Đây là dấu hiệu đặc trưng để thể hiện uy quyền của Ông Tiêu. Tượng Ông Tiêu được các vị trụ trì Chùa Long Phước và các phật tử đảm nhiệm thực hiện. Ngày 16 âm lịch, Ông Tiêu được thỉnh đến Đình Tân Xuân để chuẩn bị cho nghi thức đốt Ông Tiêu.

Lễ hội Làm Chay có khá nhiều nghi thức cúng tế: Lễ thỉnh Tiêu Diện Đại Sĩ lên giàn, Chiêu U, đăng đàn chẩn tế, đánh động, thỉnh kinh, diễu hành xe hoa, xô giàn đốt Ông Tiêu,… Mỗi nghi thức mang một ý nghĩa riêng nhưng tất cả đều hướng đến niềm tin và lòng tôn kính.


Chiêu U đường sôngNghi lễ thu hút nhiều người dân và du khách đến xem đó là lễ Chiêu U (dân gian gọi là “Lễ cúng cô hồn”). Lễ này nhằm mời gọi những người đã khuất cùng về dự hội Làm Chay. Chiêu U gồm Chiêu U đường bộ và Chiêu U đường sông. Lễ Chiêu U được thực hiện vào 12 giờ trưa ngày 16 tháng Giêng âm lịch.

Xuất phát từ Đình Tân Xuân, Chiêu U đường bộ đi về tứ phương, dọc đường đi, người dân lập sẵn các động, bàn thờ, bày sẵn các mâm cỗ chờ đoàn Chiêu U ghé đến. Đoàn Chiêu U đi đến đâu đều thu hút sự chú ý của người dân đến đó. Đoàn Chiêu U đường sông cũng xuất phát cùng giờ, dọc 2 bên bờ sông, người dân cũng chuẩn bị sẵn các lễ vật để đoàn Chiêu U ghé đến.


Lễ cúng Chiêu U

Du khách xem Lễ Chiêu U đường sông

Nghi thức quan trọng nhất trong Lễ hội Làm Chay đó là Lễ xô giàn đốt Ông Tiêu được tiến hành vào lúc nửa đêm ngày 16 tháng Giêng âm lịch. Sau đó toàn bộ lễ vật người dân phụng cúng được đem chia cho mọi người./.

Thanh Hiểu

Chia sẻ bài viết